Thị trường chứng khoán đang chứng kiến nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng giá một cách phi lý. Điển hình như mã DIG của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC CORP). Chốt phiên giao dịch ngày 2/11, DIG đang giao dịch ở mức 58.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi so với ngày chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 là 22.960 đồng/cổ phiếu.
Đáng nói, cổ phiếu DIG tăng trong bối cảnh nhiều dự án bị thanh tra, dính lùm xùm và kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Cụ thể, trong quý 3/2021, DIG ghi nhận doanh thu 538,51 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42,27 tỷ đồng, đều giảm 44,3% so với cùng kỳ. Trong năm 2021, DIG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.444 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 183,51 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành được 12,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính của DIG âm 263,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 67,86 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 2.184,7 tỷ đồng, chủ yếu dòng tiền tài chính tăng do công ty tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, DIG đã tăng vay nợ ngắn hạn và dài hạn thêm 1.814,9 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 119,8% so với đầu năm lên 3.329,6 tỷ đồng và chiếm 23,9% tổng nguồn vốn.
Tương tự, giá cổ phiếu NTL của Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm (LIDECO) cũng tăng một cách bất thường. Ở phiên giao dịch ngày 4/1/2021, NTL ở mức 25.800 đồng/cổ phiếu thì chốt phiên ngày 2/11 lên tới 45.000 đồng/cổ phiếu.
Trong quý 3, NTL có doanh thu thuần đạt hơn 157 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, công ty thu về lãi gộp 96 tỷ đồng, giảm 19% so với quý 3/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, NTL đạt gần 317 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2021, NTL đặt mục tiêu tổng doanh thu 800 tỷ và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng. Theo đó, sau 9 tháng Công ty đã thực hiện được hơn 39% kế hoạch doanh thu và hơn 49% kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với doanh thu thuần đạt 261 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 64 tỷ đồng, giảm 81% so với quý 3/2020. CII đặt kế hoạch năm 2021 đạt tổng doanh thu 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 615 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý 3, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thế nhưng, chốt phiên giao dịch ngày 2/11, giá cổ phiếu CII vẫn tăng 5,02% lên mức 24.050 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý từ 19/10 đến nay, cổ phiếu CII không có bất cứ phiên nào giảm giá.
Kinh doanh kém hiệu quả nhưng thị giá chứng khoán của một số doanh nghiệp vẫn tăng. |
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) sau 9 tháng đầu năm 2021 mới thực hiện được 19% kế hoạch doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tại thời điểm 30/9/2021, nợ phải trả đạt gần 9.378 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm; trong đó dư nợ vay ngắn và dài hạn chiếm gần 2.348 tỷ đồng.
Thế nhưng, từ đầu năm đến nay cổ phiếu An Gia đã tăng gần gấp đôi. Cụ thể, ở phiên giao dịch ngày 4/1/, AGG có giá 29.100 đồng/cổ phiếu. Còn chốt phiên ngày 2/11, AGG lên tới 47.600 đồng/cổ phiếu.
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán, có đến 90% là tài khoản cá nhân, đặc biệt số lượng nhà đầu tư mới tăng rất mạnh một phần có yếu tố dòng vốn từ thị trường bất động sản chuyển sang chứng khoán. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 9 đạt hơn 3,69 triệu đơn vị, tương đương 3,8% dân số cả nước. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ số tài khoản chứng khoán so với tổng dân số đến 2025 là 5%.
Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia tài chính cho rằng, nhóm nhà đầu tư mới thường chọn những cổ phiếu có thị giá thấp để kỳ vọng chốt lời trên doanh số cổ phiếu nắm giữ, từ đó dẫn đến nhiều công ty có kết quả kinh doanh không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng rất mạnh.
Vị chuyên gia này cho rằng các kênh đầu tư hiện đang kém hấp dẫn, ví dụ như kênh tiết kiệm có lãi suất thấp, sản xuất và dịch vụ, du lịch đình trệ, khiến tiền “đổ” vào chứng khoán nhiều.