Áp lực bán tăng mạnh sau giờ nghỉ trưa, VN-Index liên tục giằng co, đóng cửa giảm nhẹ 1,7 điểm xuống 1.339 điểm. Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là nhóm cố phiếu vốn hoá lớn, VN30-Index giảm hơn 6,8 điểm. Rổ VN30 có 18 mã giảm, áp đảo 7 mã tăng.
Nhóm ngân hàng tiếp tục “đè” chỉ số, trong 10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, thì có 7 mã ngân hàng CTG, VPB, BID, TCB, MBB, ACB, VIB. 23/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong phiên hôm nay. Trừ VCB, EIB, toàn bộ mã ngân hàng trên HoSE giảm giá. Cả 2 mã này đều ghi nhận khối lượng giao dịch thoả thuận đột biến trong phiên hôm nay. KLB cũng là mã ngân hàng duy nhất trên UPCoM tăng giá. So với giai đoạn đỉnh hồi tháng 6, giá các cổ phiếu ngân hàng đã giảm khoảng 15%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng tiếp tục khởi sắc, đến từ kỳ vọng nhu cầu mua sắm, dịch vụ tăng trở lại khi các biện phóng phòng dịch, giãn cách xã hội được nới lỏng: TTH, DGW, FRT.
MSN, SAB, HVN là 3 mã hoạt động tích cực nhất trong phiên hôm nay. MSN tăng 3,8%, SAB tăng 2,8% và HVN tiếp tục tăng trần. MSN tăng 3,8% lên 135.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) giữ chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp sau kế hoạch mở lại đường bay nội địa của Cục Hàng không. Tuy nhiên, cổ phiếu hãng bay VJC, công ty dịch vụ hàng không như ACV, AST, NCS lại quay đầu giảm. NCS giảm mạnh nhất 4,5%.
Dù giá dầu thế giới liên tục tăng, giá dầu WTI lên cao nhất hơn 1 tháng qua, nhưng cổ phiếu xăng dầu lại phân hoá mạnh. Trong khi PXS tăng trần, OIL, GAS tăng giá, POW, PET, PVD… đồng loạt giảm.
Trong phiên cổ phiếu vốn hoá lớn chịu áp lực bán mạnh, thì nhóm cổ phiếu nhỏ, vừa đồng loạt khởi sắc, ASP, ITD, LCM, FTM, VID, TTB, QCG tăng trần, các cổ phiếu “họ” FLC cũng đồng loạt tăng.
Nhóm cổ phiếu gây bất ngờ thời gian qua như TGG, BII, SMT, APG, DDV tiếp tục tăng trần, trắng bên bán. Dòng tiền đầu cơ chưa có dấu hiệu “nguội” ở nhóm cổ phiếu này.
Kết phiên, VN-Index giảm 1,73 điểm (0,13%) xuống 1.339,7 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index cũng đồng loạt giảm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước đó, giá trị khớp lệnh giảm tới 16%, xuống còn 22.866 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trên HoSE cũng giảm tương ứng, chỉ đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 551 tỷ đồng, gần gấp 2 phiên trước đó, tập trung vào nhóm vốn hoá lớn, ngân hàng, bất động sản: HOG, VCB, MSN, STB, VHM, NVL…