Bỗng nhiên “ở không”
Trong cơn mưa tầm tã chiều ngày 28/5, chúng tôi tìm đến xóm trọ của công nhân Công ty giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp, TPHCM). Sâu trong con hẻm nhỏ đường Phạm Chiêu (Q.Gò Vấp), phía sau khu nghĩa trang vắng vẻ là hàng chục phòng trọ công nhân. Nguyễn Thị Hồng Thắm (22 tuổi, quê Tiền Giang) lui cui nấu bữa cơm chiều, trải lòng: “Đang làm việc bình thường, bỗng em nhận được thông báo nghỉ việc bắt đầu từ 15/5. Lúc trước cũng có nghe phong thanh chuyện cắt giảm, nhưng khi mình nằm trong danh sách đó, cảm giác rất lo lắng, không biết sẽ sống thế nào trong thời điểm này”.
Cô công nhân trẻ cho biết, đã làm ở Huê Phong được 3 năm, lương khoảng 6-7 triệu/tháng. Từ lúc có dịch COVID-19, công ty không tăng ca, việc giảm kéo theo thu nhập, nhưng ít ra vẫn còn tầm 5 triệu đồng/tháng. “Thuê nhà, chi tiêu gần 2 triệu, còn bao nhiêu em gửi về quê phụ mẹ lo cho em gái. Nghỉ việc, công ty có trả 2 tháng lương, phần lớn em đều gửi hết cho mẹ” - Thắm nói.
Ngô Thị Thu (26 tuổi, quê Đắk Lắk) may mắn hơn vì chưa bị nhắc tên trong “danh sách đen”, nhưng cũng đầy lo lắng. Có trình độ ĐH sư phạm, Thu không thể tìm được việc làm đúng ngành nghề ở cái đất Sài Gòn. Cực chẳng đã, cô xin đi làm công nhân. Thu bộc bạch: “Làm riết rồi cũng quen. 4 năm ở Sài Gòn, chưa bao giờ em thấy lo lắng cho cuộc sống như giai đoạn sau dịch bệnh này. Nhiều bạn bè cũng lâm cảnh “ngồi chơi xơi nước”, tìm việc lúc này thật không dễ dàng”.
Dù thời hạn hợp đồng còn tới tháng 10/2020, Trần Thị Anh Chi (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) vẫn bị Cty New Vision cho nghỉ việc hồi giữa tháng 5. Theo lời Chi, dù công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng yêu cầu cô phải tự viết đơn xin nghỉ việc, không có chế độ hỗ trợ cho nhân viên sau khi sa thải. “Tôi đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, cuộc sống hết sức khó khăn. Gần nửa tháng nay, tôi “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng chưa có nơi nào nhận. Tôi gần như stress vì không có thu nhập. Trước dịch COVID-19, công ty vẫn hoạt động bình thường, nhưng giờ thông báo khó khăn và cắt giảm nhân sự”.
Chị Lan Huê (công nhân may ở Q.12, TPHCM) cũng “ăn không ngồi rồi” gần tháng nay do công ty giải thể. “Nhiều DN khác khó khăn nhưng họ vẫn tìm mọi cách cầm cự, giữ chân công nhân. Đằng này công ty cho nghỉ hết. Nghĩ đến thời gian sắp tới đã thấy khó khăn chồng chất” - chị Huê thở dài.
Tìm việc cho người thất nghiệp
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết, Công ty giày da Huê Phong là DN lớn nhất trên địa bàn quận với 4.700 lao động. Do gặp khó khăn về đơn hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, đồng thời cắt giảm 2.200 lao động, giải quyết chế độ theo đúng quy định. “Chúng tôi đã kết nối với các DN có nhu cầu tuyển dụng để giới thiệu người lao động nghỉ việc từ Huê Phong. Hiện đã có 10 DN đồng ý tiếp nhận lao động” - bà Yến chia sẻ.
Về hỗ trợ công nhân sau khi mất việc, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TPHCM (HEPZA), cho biết ngoài hỗ trợ của Chính phủ, công đoàn đã có đề xuất lên Liên đoàn Lao động TP để có chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TPHCM nhìn nhận: “Nguyên nhân cắt giảm lao động do tình hình khó khăn chung của ngành dệt may, da giày hiện nay. Nhiều DN vẫn không có đơn hàng, một số thị trường nhập khẩu vẫn chưa trở về trạng thái bình thường nên việc tái sản xuất hoặc duy trì đủ việc làm cho nhân công không hề đơn giản chút nào”.
Công ty Mannequins Đông Á (Đài Loan) có 25 năm hoạt động trong Khu chế xuất Tân Thuận, chuyên sản xuất mặt hàng manơcanh xuất sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu... đã phải tuyên bố dừng hoạt động. Lúc sản xuất cao điểm, công ty này thu hút hơn 800 lao động làm việc. Ông chủ người Đài Loan báo cáo với Ban quản lý Hepza lý do dừng hoạt động vì không thể tìm được thị trường xuất khẩu.