> 1.100 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911 năm 2013
> Triển lãm Giáo dục đại học Pháp 2012
> Sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo tín chỉ
Cùng soạn giáo trình
ThS Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết: Thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý là nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, trong khi không ít doanh nghiệp không tuyển được lao động.
Ông Tuấn nói: Nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh hiểu rõ ngành mình chọn học, 20% hiểu biết tương đối đầy đủ, 75% thiếu hiểu biết.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên - ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: Nhiều trường đã bắt đầu chuyển từ hình thức “đào tạo những gì mình có” sang “đào tạo những gì xã hội cần”, nhằm thu hẹp khoảng cách cung – cầu giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, nhà trường không thể dạy hết kiến thức cần có cũng như tất cả kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang và sẽ cần.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), nói: “Đa số nhà tuyển dụng cho rằng, hầu hết sinh viên tốt nghiệp bằng kiến thức và kỹ năng được nhà trường đào tạo đã tiếp cận khá nhanh và đáp ứng một cách cơ bản công việc đảm nhận.
Việc phải “đào tạo lại”, “đào tạo tiếp” tại nơi làm việc là điều kiện đương nhiên, bởi mỗi đơn vị sử dụng lao động có những yêu cầu riêng phù hợp với lĩnh vực ngành nghề”.
Nhóm tác giả của ĐH Ngân hàng TPHCM, gồm PGS.TS Lý Hoàng Ánh và ThS Trần Mai Ước, đưa ra biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo đó, các trường ĐH cần có cơ chế để doanh nghiệp, cựu sinh viên được tham gia vào quá trình biên soạn chương trình đào tạo, tham dự các hội thảo khoa học, các buổi đối thoại, chuyên đề thỉnh giảng, chương trình tham quan thực tế doanh nghiệp…
Đây là con đường cơ bản nhất để các trường ĐH kịp thời tự điều chỉnh chương trình, nội dung phương pháp đào tạo. Từng bước nhìn lại mình để có sự chuyển đổi hình thức đào tạo nhân lực theo hướng ngày càng gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Điều này cũng giúp sinh viên có thêm kiến thức thực tế bám sát ngành nghề đang theo học.
ThS Trương Việt Khánh Trang (CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) cho rằng, doanh nghiệp cần tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo thông qua cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương trình.
Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng học liệu là tham gia hoặc cung cấp thông tin để viết các nghiên cứu tình huống. Cơ sở đào tạo rất cần các nghiên cứu tình huống sống động từ thực tiễn của doanh nghiệp để bổ sung hoạt động đào tạo.
Doanh nghiệp càng đầu tư đúc kết rút kinh nghiệm thành công, thất bại của những người đi trước bao nhiêu thì càng tăng được giá trị và giảm bớt tổn thất cho mình trong tương lai.
Một số đại biểu khác cho rằng, doanh nghiệp có thể tham gia hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp, trực tiếp tham gia giảng dạy một số học phần hoặc chuyên đề phù hợp với năng lực, thế mạnh của từng doanh nghiệp.
Đẩy mạnh mối quan hệ “hai nhà”
Tại hội thảo, các đại biểu nêu ra nhiều điểm yếu của sinh viên như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ… yếu, khiến doanh nghiệp thường chê sinh viên mới ra trường.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, trường đại học không thể chạy theo yêu cầu của doanh nghiệp, cũng không thể trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại nhất.
Nhiệm vụ của ĐH là trang bị những kiến thức cơ bản nhất, còn doanh nghiệp có trách nhiệm giúp ứng viên thành thạo trong công việc.
TS Lê Hữu Phước nói: Nhiều trường ĐH ở Việt Nam vẫn chưa xác định kiến thức nào là nền tảng, kĩ năng nào là cơ bản; nhiều trường tốp trên thường chạy theo kiến thức mang tính hàn lâm… mà quên giá trị ứng dụng của thị trường lao động.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, trong giai đoạn hiện nay, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan. Nhóm tác giả của ĐH Ngân hàng TPHCM đã chỉ ra những biện pháp đẩy mạnh mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Theo đó, nhà trường cần có những hoạt động thiết thực và mang tính dài hơi trong việc liên kết với doanh nghiệp để gửi sinh viên đến thực tập, thực tế, giúp họ vừa học vừa hành. Doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc rót vốn vào các dự án, chương trình của trường ĐH.
Ông Lê Văn Quý, (ĐH Tài chính Marketing) cho rằng, cựu sinh viên là những người am hiểu rõ về doanh nghiệp. Do đó, nên thành lập và phát triển hội cựu sinh viên nhằm góp ý cho chương trình đào tạo; tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn thực tập… để họ thực sự là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. |