Doanh nghiệp dược “ậm ạch” phát triển vùng nguyên liệu

Vùng trồng Actiso của Traphaco tại SaPa đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào vùng cao.
Vùng trồng Actiso của Traphaco tại SaPa đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào vùng cao.
Phát triển vùng nguyên liệu tập trung có ý nghĩa sống còn không chỉ với ngành dược mà với hầu hết các ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có vẻ như doanh nghiệp dược trong nước không mặn mà với công việc này….

Phụ thuộc quá lớn vào “hàng xóm”

Trên danh mục quan hệ thương mại hiện nay, Trung Quốc đang giữ vị trí dẫn đầu trong việc cung cấp nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho Việt Nam. Đặc biệt, riêng với ngành dược, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm của Việt Nam đạt 112,7 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 62 triệu USD, chiếm 57%.

Thực tế, Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc không còn là câu chuyện mới. Nhưng trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang "dậy sóng," nhu cầu đa dạng hóa thị trường càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt với lĩnh vực dược, luôn đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng nhưng mỗi khi “hàng xóm hắt hơi, sổ mũi" là doanh nghiệp Việt lại lao đao. Chưa kể cách thức làm ăn không chuyên nghiệp, chất lượng nguyên liệu không ổn định, nhất quán khiến cho doanh nghiệp dược Việt Nam không ít lần “méo mặt”.

Theo ông Trần Túc Mã – Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco, 5 nước cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho ngành dược Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Áo, Tây Ban Nha và Thái Lan. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm gần 70% thị phần thị trường nguyên phụ liệu dược phẩm Việt Nam. Ba nước tiếp theo ở nhóm lớn thứ 2 là Áo, Tây Ban Nha và Thái Lan lần lượt chiếm 6%, 5% và 4%. “Đương nhiên có những sản phẩm dược để sản xuất buộc chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu nhưng có những loại đông dược với nguyên liệu rất sẵn có ở Việt Nam mà phải nhập khẩu thì thật sự rất đáng buồn”, ông Mã thẳng thắn nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước không tự phát minh ra thuốc mà chủ yếu sản xuất thuốc generic - là các loại thuốc phát minh đã hết thời hạn bảo hộ, có chi phí và giá thành sản xuất thấp hơn nhiều lần so với thuốc phát minh do không tốn chi phí nghiên cứu ban đầu. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu trong sản xuất dược phẩm dẫn đến nhiều hệ lụy như khả năng cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, chưa kể những biến động về thị trường có thể khiến DN phải dừng sản xuất một khi nguồn nguyên liệu bị thao túng.

Giảm lệ thuộc, chỉ có một con đường

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển chăm sóc sức khỏe bằng các thuốc y học cổ truyền. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là có khoảng 4.000 loài cây thuốc và một kho tàng các kinh nghiệm sử dụng cây thuốc, nhiều bài thuốc gia truyền quí báu.

Doanh nghiệp dược “ậm ạch” phát triển vùng nguyên liệu ảnh 1

Vùng trồng Đinh lăng sản xuất thuốc bổ thần kinh Hoạt huyết dưỡng não – Cebraton theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Traphco tại Nam Định.

Vì vậy, việc giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm dược và đặc biệt là phát triển các sản phẩm dược có lợi thế như đông dược là một hướng đi đúng đắn. Có thể hiện nay, số doanh nghiệp dược trong nước đã và đang phát triển được vùng nguyên liệu riêng còn khá khiêm tốn, quy mô các vùng nguyên liệu cũng chưa hẳn lớn nhưng bước đầu đã thấy những lợi thế không thể bàn cãi.

Một ví dụ về hướng đi này ở Traphaco – một doanh nghiệp lớn của ngành dược Việt Nam. Bản thân doanh nghiệp này có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm sản xuất đông dược lâu năm nên việc sớm phát triển các vùng dược liệu trong cả nước cũng không quá bất ngờ.

Traphaco cũng đã trải qua những bài học lớn trong công tác thu mua dược liệu bán sẵn, đó là tình trạng dược liệu không rõ nguồn gốc, không đúng chủng loại yêu cầu, không nắm được khả năng cung ứng thực tế, dược liệu có hiệu quả tác dụng kém và không an toàn, còn chứa dư lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học, kim loại nặng, tạp chất gây bệnh... ảnh hưởng lớn tới kế hoạch nghiên cứu, sản xuất, mất thời cơ phân phối sản phẩm gây thiệt hại đối với công ty. Vì lẽ đó, việc Traphaco đang sở hữu những vùng nguyên liệu đáng mơ ước trên cả nước như hiện nay là kết quả tất yếu của một chiến lược phát triển dài hạn.

Theo ông Trần Túc Mã, công ty đã chủ động đưa ra một chiến lược đầu tư nguồn dược liệu đầu vào ổn định và chất lượng. Bên cạnh đó, công ty đã hợp tác rộng rãi với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, các đơn vị đối tác thực hiện các đề tài, dự án phát triển dược liệu nhằm thu được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng cao. Ðối với nguồn dược liệu tự nhiên, Traphaco đã chủ động khoanh vùng dược liệu ngay khi có hướng đầu tư (Đinh lăng, Chè dây…) để một mặt khai thác, bảo tồn và phát triển. Mặt khác, tổ chức liên doanh với các công ty, xí nghiệp để có thể chế biến tại chỗ nhằm thu được dược liệu đảm bảo chất lượng đã được tiêu chuẩn hóa, giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng kịp thời trong thời vụ thu hái cây thuốc.

Như vậy, nhờ chủ động nguồn dược liệu, Traphaco đã có những sản phẩm đứng đầu thị trường như như thuốc bổ thần kinh Hoạt huyết dưỡng não – Cebraton, thuốc bổ gan Boganic, thuốc dạ dày Ampelop…

Doanh nghiệp dược “ậm ạch” phát triển vùng nguyên liệu ảnh 2

4 cây dược liệu của Traphaco được công nhận đạt chuẩn GACP-WHO là Đinh lăng, Actiso, Bìm bìm, Rau đắng đất

Cách làm như của Traphaco hiện cũng đang được nhiều doanh nghiệp dược trong nước khác thực hiện. Một số vùng nguyên liệu ở Bắc Ninh, Bắc Giang và miền núi phía Bắc hiện đã và đang được xây dựng, mở rộng hoặc đã cho thu hoạch. Những doanh nghiệp đang sở hữu các vùng nguyên liệu này dù phát triển muộn hơn các doanh nghiệp đầu đàn khác những dẫu sao họ đã nhìn thấy một hướng đi tích cực, hay nói đúng ra đó là con đường duy nhất để thoát khỏi sự lệ thuộc, tiến tới chủ động hoàn toàn trong thu mua, chế biến tại chỗ, bảo tồn các cây thuốc trong nhân dân, trồng trọt các dược liệu quý hiếm, tạo được nguồn dược liệu ổn định cả về số lượng và chất lượng, tiêu chuẩn hoá và  kiểm soát đầu vào nguồn dược liệu, giảm chi phí, ổn định chất lượng sản phẩm.

Traphaco hiện có 827 ha dược liệu trồng và thu hái được Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền công nhận đạt chuẩn GACP – WHO (trồng trọt và thu hái tốt cây thuốc) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là kết quả của hàng chục năm lăn lộn, tâm huyết cùng cây thuốc, qua rất nhiều giai đoạn, từ việc khảo sát, lựa chọn vùng trồng/thu hái tại hàng chục tỉnh thành; làm việc với các đối tác, nhà khoa học đến việc đào tạo, tập huấn cho người nông dân, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quy trình, tiêu chuẩn. Trong quá trình này, Traphaco đã đóng vai trò trung tâm kết nối hợp tác 4 nhà: nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – nhà doanh nghiệp để mở rộng và phát triển bền vững nguồn dược liệu.  

MỚI - NÓNG