Doanh nghiệp 'đo lọ nước mắm...'

Doanh nghiệp 'đo lọ nước mắm...'
TP - Giảm diện tích thuê văn phòng, cho thuê chung mặt bằng, chuyển tới những tòa nhà xa trung tâm để tiết kiệm vài triệu đồng/tháng, gần như là hoàn cảnh chung của nhiều DN hiện nay. Sự chật vật có thể so sánh tới việc “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

> Quý I, hơn 2.270 doanh nghiệp giải thể
> Ngân hàng Việt loay hoay cụm từ 'đổ vỡ' hay 'phá sản?

Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) từng chặn công nhân 11 Cty thuộc Vinashin vào làm việc vì nợ tiền (tháng 1/2013). Ảnh: Phong Cầm
Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) từng chặn công nhân 11 Cty thuộc Vinashin vào làm việc vì nợ tiền (tháng 1/2013). Ảnh: Phong Cầm.

Lãnh đạo chỉ nhận lương 3 triệu đồng

Cty Chứng khoán Âu Việt từng có vốn điều lệ trên 300 tỷ đồng, thuộc hàng đầu các DN chứng khoán ở Việt Nam. Thế nhưng, mới đây nhất, HĐQT công ty này đã phải lấy ý kiến các cổ đông về việc giải thể sau 7 năm tồn tại.

Năm 2012, doanh thu môi giới của công ty này đạt 2,69 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với năm trước. Kết quả: Lỗ hơn 10 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 151 tỷ đồng. Để tiết kiệm chi phí trong quá trình bàn chuyện giải thể, lãnh đạo Chứng khoán Âu Việt chỉ dám xin cổ đông duyệt mức thù lao 3 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên HĐQT.

 “Thời buổi việc ít người nhiều, các DN chỉ cần chậm là chết. Nếu không tìm đủ mọi cách để đưa hợp đồng về, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhân viên không có việc làm thì chi phí trả cho bộ máy sẽ cạn kiệt”.  

“Công ty tôi chỉ có 3 người thường xuyên có mặt ở văn phòng tại Mễ Trì Hạ nên diện tích (văn phòng) 60 m2 là quá lớn. Chúng tôi sẽ cho thuê 2-3 chỗ ngồi tại tầng 1 và một phòng tại tầng 2 nhằm giảm bớt chi phí. Nếu thuê chỗ ngồi cho 3 người giá 1,5 triệu đồng/tháng, 2 người giá 1 triệu/tháng. Tiền nước phải trả khoảng 20 nghìn đồng/người, điện 3.000 đồng/số; internet dùng chung, chia theo đầu người. Số tiền này đủ để trả lương cho một nhân viên. Mọi thứ phải tiết giảm tối đa, thu thêm đồng nào hay đồng đấy”, anh Quang, đại diện một công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, nói.

Vay nợ tiền lương của nhân viên cũng là cách mà một công ty hoạt động đa ngành có trụ sở ở đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) áp dụng. Thị trường bất động sản đóng băng 2 năm nay, công ty này gặp nhiều khó khăn dù đã giảm tới 70% nhân sự. Thậm chí, Taxi Mai Linh còn phải kêu gọi các nhân viên “tiếp máu” để vượt khó.

Ông Lê Đình Long, Giám đốc Cty TNHH Hacota (TPHCM) cho biết, đã phải rà soát lại tất cả các khâu để cắt giảm chi phí từ những thứ rất nhỏ như chi phí văn phòng phẩm, điện, nước, xăng xe, tiếp khách… Từ năm 2012, việc nghỉ mát của cán bộ cũng phải khất lại vì khó khăn quá.

Không những thế trong thời gian qua, những bộ phận chưa làm tốt được thay đổi bằng cách cắt giảm. “Thay vì tuyển nhân viên mới, công ty này cử người kiêm nhiệm luôn. Cách này vừa giúp nhân viên có thu nhập thêm và cũng giảm gánh nặng cho công ty”, ông Long nói.

Nỗ lực hay là “chết”!

Theo ông Bùi Quốc Lợi (Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Minh Giao), so với trước đây, giờ phải nỗ lực gấp nhiều lần để tranh dự án, kiếm việc làm. Bởi vì, cùng một dự án, trước đây chỉ khoảng 5-7 nhà thầu vào chào; bây giờ có 23 nhà thầu.

Ông Lợi cũng thổ lộ: “Thời buổi việc ít, người nhiều, các DN chỉ cần chậm là chết. Nếu không tìm đủ mọi cách để đưa hợp đồng về, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhân viên không có việc làm, chi phí trả cho bộ máy sẽ cạn kiệt. Cuối năm 2012, dự kiến Minh Giao có 5 hợp đồng được thực hiện, nhưng đến nay chỉ mới có 2 hợp đồng hoàn thành. Để có thể hoạt động, Cty Minh Giao đã lên kế hoạch thay đổi phương thức kinh doanh”.

Khó khăn quá cũng khiến cuộc cạnh tranh xuất hiện nhiều “chiêu bẩn”. Phó Tổng GĐ Cty Đất xanh Tây Nam Đặng Chính Thắng, cho biết: “Năm 2012, đã đàm phán gần xong với khách hàng về một dự án. Tuy nhiên, một buổi sáng, khách hàng đọc quảng cáo thấy cùng dự án đó, giá lại hạ thấp hơn nhiều giá công ty sắp bán. Thế nhưng, khi khách hàng của Đất xanh chuyển sang mua dự án đại hạ giá kia thì được thông báo bán hết hàng”.

Còn nữa

Trước đây, trong mỗi cuộc giao lưu khi ai đó giới thiệu làm chủ doanh nghiệp (DN) thì nhiều người bày tỏ sự nể trọng. Nay, kinh tế khó khăn, danh sách DN phá sản, ngừng hoạt động dài thêm. Để sinh tồn, chủ DN phải xoay xở đủ cách. Ông chủ đã điêu đứng, nói gì tới người lao động.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.