Đầu năm 2014, lãnh đạo Tập đoàn dệt may (Vinatex) cho biết, thời gian tới, khi hiệp định TPP hoàn tất, ngành dệt may Việt Nam sẽ có thể cán đích 25 tỷ USD xuất khẩu trước năm 2020 và nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 70-75% thay vì hơn 45% như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, việc cán đích không hề dễ dàng nếu doanh nghiệp dệt may Việt không nỗ lực. Bởi lẽ, ngoài những lợi thế cũng như ưu đãi khi gia nhập TPP thì doanh nghiệp Việt cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường.
Doanh nghiệp dệt may việt tham vọng cán đích tỷ USD. Ảnh: PP.
Cũng nằm trong tâm thế đưa dệt may đạt mục tiêu mới, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty Phong Phú, một doanh nghiệp dẫn đầu ngành dệt may đã tuyên bố đang chuẩn bị kế hoạch cho tham vọng cán mốc doanh thu một tỷ USD giai đoạn 2015-2020 với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ tập trung vào những nhóm kinh doanh chủ chốt như dệt, sợi, nhuộm, khăn bông, đầu tư tài chính...
Thêm vào đó, 2015-2016, Phong Phú sẽ đầu tư một dây chuyền kéo sợi với 20.000 cọc sản xuất, sản lượng ước đạt 3.200 tấn một năm. Đơn vị này dự kiến tiếp tục đầu tư một nhà máy kéo sợi với 20.000 cọc chuyên cho vải dệt kim cao cấp vào năm 2018-2019. Với kế hoạch trên, đến 2020, số lượng nhà máy sản xuất theo dây chuyền kéo sợi của công ty này sẽ cán mốc con số 10.
Năm nay, Phong Phú dự kiến đạt doanh thu 7.300 tỷ đồng, trong đó, doanh thu nội địa chiếm 1/3, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Đây là con số khá khả quan để doanh nghiệp dễ dàng cán đích tỷ USD trong 5 năm. Tuy nhiên, doanh thu cũng như lợi nhuận của công ty này không chỉ đến từ dệt may mà còn đến từ các lĩnh vực khác như bất động sản, dịch vụ. Do vậy, nếu để doanh thu dệt may đứng riêng việc cán đích tỷ USD của doanh nghiệp sẽ còn nhiều chông gai.
Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, đơn vị nằm trong top những doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam cũng đang trên đường chinh phục các ngưỡng mới khi đặt doanh thu năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp duy trì được mức doanh thu này trong 5 năm tiếp theo thì việc chinh phục mốc tỷ USD cũng không phải là quá khó.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm công ty cho thấy doanh thu đạt 2.554 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 51% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế 141 tỷ đồng. 2013 doanh thu đạt 4.791 tỷ đồng, tăng 24% so với 2012. Năm nay công ty này cũng lên kế hoạch bỏ ra 200 tỷ đồng để đầu tư tài chính và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Việt Tiến cũng cho biết họ đang triển khai chiến lược củng cố thị trường, đồng thời, tiếp tục khai thác các thị trường mới để tìm kiếm khách hàng nhằm tận dụng hết lợi thế có được từ hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước.
Một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành dệt may cũng đang nỗ lực đánh chiếm thêm thị trường trong nước. Cụ thể như Nhà Bè, May 10, Garmex Saigon… cũng đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, công nghệ, thiết kế và phát triển sản phẩm mới. Mặt khác họ đang tích cực tham gia các chương trình kích cầu nội địa cao như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Doanh nghiệp dệt may đồng hành cùng đồng bào biển đảo của Tổ quốc”… Điều này cũng khiến thị trường dệt may Việt tăng trưởng trên 2 con số.
Về xuất khẩu, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 9, xuất khẩu nhóm hàng dệt may của cả nước đạt 1,9 tỷ USD nâng kim ngạch dệt may 9 tháng lên 15,51 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, với triển vọng gia nhập TPP doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan cho nên đây cũng là động lực giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Khi ấy kỳ vọng đạt doanh số tỷ USD trong 5 năm dễ dàng hơn cho một số doanh nghiệp lớn trong ngành.
Tuy nhiên, hiện nay ngành dệt may Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều về nguồn nguyên liệu, phụ kiện nhập khẩu. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu.
Cho nên, theo ông Hồng, để phát triển nguồn nguyên, phụ liệu trong nước đòi hỏi sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, quy trình sản xuất phải khép kín từ sợi - dệt - nhuộm-may, chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm). Có như vậy doanh nghiệp mới phát triển bền vững và sống khỏe dù thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Theo Hồng Châu