Khác với những ngày bình thường, thay vì lên công ty vào lúc 8h sáng hàng ngày, chị H.T.H, bộ phận Digital Marketing, Công ty Cổ phần Sách Alpha được làm việc tại nhà. Gần 10 ngày nay, các cuộc họp thay vì trực tiếp như trước, giờ được chuyển sang làm việc ở chế độ online.
Theo chị H, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, các bộ phận sale (bán hàng) trực tiếp công ty phải nghỉ việc. Mỗi nhân viên chỉ được lên công ty mỗi tuần 2 ngày. Bộ phận nào không cần thiết có thể đăng ký làm việc ở nhà. “Các nhà sách của công ty đóng cửa. Hội chợ sách cũng không tổ chức được nên doanh thu sụt giảm mạnh. Công ty chỉ còn trông vào doanh số của đội Marketing Online”, chị H cho hay.
Bà Nguyễn Thị Giang, TGĐ Cty Cổ phần giáo dục và đào tạo IMAP Việt Nam cho biết, hơn 2 tháng nay, 40 cơ sở trên toàn quốc của công ty đều phải đóng cửa. Các hợp đồng với đối tác mới đều bị hoãn khiến doanh thu sụt giảm đến 80-90%, phải cắt giảm khoảng 30% nhân sự.
Trong bối cảnh đó, công ty chuyển sang hình thức giảng dạy online trên nền tảng trực tuyến Ebomb kết nối trực tiếp giữa giảng viên và học viên. Người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, với số lượng từ 12-15 người/lớp.
“Nhờ chuyển sang mô hình trực tuyến nên giáo viên vẫn có việc làm. Còn học viên không bị gián đoạn quá trình học tập khi phải nghỉ học dài ngày ở nhà. 2 tháng qua công ty may mắn chưa phải dùng đến quỹ dự phòng”, bà Giang chia sẻ.
Xu thế làm việc mới
Ông Ngô Xuân Thắng, TGĐ Cty TNHH Alibaba Việt Nam, một đơn vị đào tạo tiếng Anh chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, các lớp học offline (trực tiếp) của công ty đều không mở được, khiến nguồn thu của công ty giảm mạnh. Trong khi đó, các chi phí như thuê văn phòng, tiền lương cho nhân viên, điện nước…vẫn phải chi bình thường.
Để vượt qua mùa dịch, công ty đang xây dựng các khoá học trực tuyến với mô hình lớp học chỉ 7 đến 10 học viên, đồng thời cho ra mắt chuỗi video dạy tiếng Anh từ các giảng viên xuất sắc.
Theo ông Thắng, xu hướng học online là hướng đi hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới, đơn vị này sẽ xây dựng 1 thương hiệu tiếng Anh học qua trực tuyến nhằm đa dạng hóa các kênh kinh doanh, hạn chế các rủi ro.
Theo PGS-TS Lê Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), xu hướng làm việc online được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong thời đại công nghệ 4.0. Khi dịch bệnh hoành hành, giải pháp này còn giúp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
“Đây cũng là xu thế làm việc mới trong thời gian tới tại Việt Nam. Trong cái rủi, có cái may, các doanh nghiệp có thể thấy rõ lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, sản xuất mà đầu tư, chuyển đổi mạnh mẽ hơn”, bà Hương cho hay.
Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện các cuộc họp của Bộ đã chuyển sang hình thức online. Ngoài ra, Bộ đang có ý tưởng xây dựng một ứng dụng phần mềm trực tuyến tích hợp các vấn đề như bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động, cách lựa chọn trường nghề... Từ đó, tiến đến tích hợp 6 trụ cột an sinh, gồm: Người có công, chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hộ nghèo, hưu trí, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế trong một ứng dụng.
“Trong ngắn hạn, ứng dụng sẽ giúp cho nhiều đối tượng phòng, chống dịch COVID - 19. Nhưng về lâu dài, ứng dụng trực tuyến sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, cũng như thực hiện cụ thể hoá chủ trương Chính phủ điện tử”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung