Trong email gửi phóng viên Tiền phong, Công ty Gia Bảo cho hay: Dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên do Tổng Công ty đường sắt làm chậm (thực tế dự án này đã được Bộ GTVT giao ban Quản lý dự án Đường sắt - đơn vị độc lập với Tổng Cty Đường sắt Việt Nam thực hiện - PV) và đang chờ kinh phí từ Chính phủ.
"Nên công ty Gia Bảo xin đề xuất lo phần giải phóng mặt bằng và 1 số việc nhỏ khác (phần đối ứng 15% của phía Việt Nam còn lại 85% là do Nhật bản xây dựng và cung cấp trang thiết bị vì dự án đã được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản) nên công ty Gia Bảo tư vấn cho dự án được nhanh và nghĩ ra phương án đổi đất lấy hạ tầng để lo cho phần giải phóng mặt bằng và 1 số việc nhỏ khác" - công ty này cho hay và cam kết nếu được giao thì công ty gia bảo sẽ cam kết làm nhanh hơn.
Trong văn bản gửi kèm, công ty này cho rằng, khi có các diện tích đất được giao để tạo vốn, công ty này lấy 9% lợi nhuận; nếu lợi nhuận vượt sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Việc thực hiện này có sự tham gia của cơ quan kiểm toán quốc tế.
Liên quan đến vấn đề vì sao công ty lại phê phán Văn phòng Chính phủ "buồn cười quá" rồi lại rút văn bản nội dung này trên website, công ty Gia Bảo cho hay: "Mong Báo Tiền phong có cái nhìn khách quan với đề nghị của Công ty Gia Bảo vì Công ty Gia Bảo, cũng như các thành viên, cán bộ công nhân viên Công ty chúng tôi luôn trân trọng, tin tưởng và ủng hộ các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí, nhà báo ...".
Liên quan đến đề nghị của công ty Gia Bảo, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ việc doanh nghiệp đề xuất thực hiện các dự án giao thông, trong đó có dự án Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội.
"Công ty Gia Bảo không có kinh nghiệm thực hiện dự án lớn như đường sắt đô thị số 1 nhưng nếu họ thực sự có năng lực, khả năng kinh tế, thuê các đơn vị tư vấn, quản lý dự án tốt họ có thể thực hiện dự án" - ông Đông nói.
Nói về việc công ty Gia Bảo đề nghị được giao đất để tạo vốn (cụ thể là khu đất vàng 107 Trần Hưng Đạo - Hà Nội), ông Đông cho hay, khu đất này đang được giao cho Tổng Cty Đường sắt Hà Nội sử dụng, muốn lấy ra để làm dự án phải tuân thủ theo các quy định hiện hành về đất đai, Luật Doanh nghiệp... "Nếu Công ty Gia Bảo có các đề xuất cụ thể, lãnh đạo Bộ GTVT sẵn sàng tiếp đón để làm việc. Nếu họ gửi đơn đi khắp nơi, gửi đi gửi lại cùng một nội dung sơ lược chỉ 2 trang giấy, chúng tôi không có điều kiện để xem xét, tham mưu cho Chính phủ".
Hiện dự án Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (Ngọc Hồi - Yên Viên) chưa có nhiều tiến triển, nhất là sau khi nhiều cán bộ liên quan đến dự án này bị bắt vì nhận hối lộ của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hồi năm 2014. Ông Đông cũng xác nhận, việc bố trí phần vốn ngân sách đối ứng (15%) để giải phóng mặt bằng cũng là điểm nghẽn cho dự án. "Phía Nhật Bản đã yêu cầu chúng ta giải phóng 50-60% mặt bằng mới tiến hành thực hiện dự án. Hiện việc tìm nguồn vốn đối ứng đang trong giai đoạn xem xét" - ông Đông nói.
Trả lời về việc công ty Gia Bảo "phê bình" Văn phòng Chính phủ là "buồn cười quá" khi chuyển đề nghị của công ty cho Bộ GTVT xem xét, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho hay: Trước khi trình Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ phải có sự tham mưu của bộ chuyên ngành (trường hợp này là Bộ GTVT) và không trình Thủ tướng những nội dung nhỏ nhặt.
Gia Bảo là công ty chưa nhiều tên tuổi tại Việt Nam, có vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 120 tỷ. Công ty này hiện chỉ được biết đến với duy nhất một dự án xây mới toà nhà trên nền đất khu chung cư cũ tại phố Giảng Võ - Hà Nội. Trụ sở của công ty Gia Bảo cũng được đặt tại toà nhà này.