Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 17: Thất bại?

Dù không thể giành HCV song thành tích ấn tượng của lực sĩ Thạch Kim Tuấn là một trong những điểm sáng hiếm hoi của TTVN tại Asiad 2014
Dù không thể giành HCV song thành tích ấn tượng của lực sĩ Thạch Kim Tuấn là một trong những điểm sáng hiếm hoi của TTVN tại Asiad 2014
TP - Thể thao Việt Nam coi như không hoàn thành chỉ tiêu đề ra khi chỉ giành 1 HCV tại ASIAD 17 cho đến trước lễ bế mạc tại Incheon (Hàn Quốc). Chúng ta đã thực sự thất bại tại kỳ Á vận hội lần này hay đó chỉ là bước lùi về mặt con số?

Đánh giá về thể thao Việt Nam tại Á vận hội Incheon 2014 này chính là sự vươn lên của các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, với 10/15 môn có huy chương. 

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, người có nhiều năm dẫn dắt các đoàn thể thao Việt Nam dự các giải đấu lớn như ASIAD hay SEA Games, cho biết ông rất hài lòng với màn trình diễn của các VĐV ở các môn Olympic. Đặc biệt là HCB của lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn, 2 HCĐ bơi lội của Nguyễn Thị Ánh Viên, 2 HCĐ đấu kiếm, 2 HCĐ boxing nữ. Ghi nhận tại kỳ Á vận hội lần này là HCB xe đạp đường trường nữ của Nguyễn Thị Thật hay vị trí thứ hai của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo. 

Nếu nhìn ở khía cạnh thành tích đơn thuần thì đây quả là một kỳ ASIAD thất bại với các VĐV Việt Nam. Chúng ta có những ứng viên hàng đầu như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội)…

Nhưng tấm HCV quý giá lại đến từ môn wushu của Thúy Vi, một tấm HCV nằm ngoài dự kiến. Điều này khiến người ta liên tưởng đến thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2010 ở Quảng Châu, khi chúng ta đặt ra rất nhiều chỉ tiêu nhưng cuối cùng người đạt thành tích tốt nhất lại là Lê Bích Phương, một tấm HCV cũng nằm ngoài dự kiến.

Cho đến trước lễ bế mạc ASIAD 17, đoàn Việt Nam giành tổng cộng 36 huy chương (1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ), xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp. Rất khó để đánh giá nhưng nếu chỉ so sánh những con số thì sự tụt hậu của thể thao Việt Nam quả thực đáng quan ngại nếu so với những quốc gia trong khu vực ASEAN. Thái Lan đứng hạng 6 với 12 HCV, 7 HCB, 28 HCĐ; Malaysia có 5 HCV đứng hạng 14, Singapore cũng có 5 HCV nhưng tạm xếp thứ 15 do ít hơn số HCB. Indonesia giành 4 HCV trong khi Myanmar cũng có 2 HCV, đứng thứ 20.

Rõ ràng thể thao Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn bởi nếu đầu tư cho các môn Olympic thì rất tốn kém (Ánh Viên khoảng 3 tỷ/năm, Thạch Kim Tuấn cũng tương tự…) nhưng thành công lại chậm đến trong khi dồn tiền vào wushu, cầu mây, bi-a hay thậm chí khi dự SEA Games là những môn leo tường hay đánh bài… lại nhanh có kết quả.
Khá nhiều tranh cãi nổ ra nhưng việc các nhà hoạch định thể thao Việt Nam đưa ra chỉ tiêu Vàng rất thấp khi lên đường (chỉ 2-3 HCV) nhưng cũng không hoàn thành khiến nhiều người có cái nhìn rất khác. Rõ ràng chúng ta đang có những “bước tụt hậu” trên mặt bằng chung dù có những “tia hy vọng” như lời của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu.

Vài kỳ SEA Games gần đây thể thao Việt Nam luôn được vinh danh ở vị trí tốp 3. Nhưng thoát khỏi ao làng ấy chúng ta lại trở nên thua kém trước những quốc gia trong khu vực ở những đấu trường lớn như ASIAD. Dù rằng các môn thể thao Olympic có những tiến bộ nhưng việc các VĐV của chúng ta trước ngưỡng cửa vinh quang (như bắn súng là ví dụ điển hình) đều không là chính mình cho thấy công tác đào tạo và chuẩn bị thi đấu của thể thao Việt Nam còn nhiều điều đáng nói.

Không kể đến số lượng huy chương vì điều đó sẽ khiến người ta liên tưởng đến bệnh thành tích, nhưng rõ ràng thống kê bằng con số cho thấy thể thao Việt Nam đang thất bại. Dù rằng trong ngày xuất quân, những nhà lãnh đạo đã mạnh miệng nói về việc vượt chỉ tiêu…

MỚI - NÓNG