Tôi nghĩ về điều đó những ngày tháng qua, khi giông bão của dư luận rền vang trên đầu ngành Y. Bao lần lặng lẽ quan sát họ, tự hỏi: họ sẽ trở về nghỉ ngơi, tìm một chốn nương náu sau những mệt mỏi, áp lực của cuộc sống, hay đó như là phút giải lao của một trận đấu, rồi lại xuống sân, đi tiếp những đường bóng mà ở đó sự vô tư, công bằng, quyết tâm để bóng vào lưới như trách nhiệm mà khán giả đặt trên vai họ, mà nếu phản bội, họ sẽ trả giá.
Sân bóng cuộc đời lắm cay nghiệt. Đằng sau mỗi cánh cửa phòng bệnh là những dấu hỏi về sự tồn tại của đời sống. Tạo hóa vốn công bằng, là có sinh có tử, nhưng tạo hóa cũng… chơi khăm, khi sinh ra ngành Y và thầy thuốc. Họ đứng giữa sinh - tử, như cây cầu bắc qua bên này hoa tươi cỏ dại, bên kia là hố thẳm hung hiểm. Thoáng, thấy họ như diễn viên xiếc đi dây. Bây giờ, hình như đúng vậy. Đòi hỏi của tạo hóa, hình như không có giới hạn dành cho họ.
“Chúng ta phải đi thôi vì chúng ta có nghề. Nghề chúng ta là để cứu người. Chúng ta không lên đường thì ai?”. Câu hỏi mà như lời khẳng định giữa chuỗi ngày cơn bão dịch bệnh hất văng những mạng người! Đi thôi! Và họ đã lên đường dẫu phía trước là trùng trùng những đợt sóng sẵn sàng nhấn chìm phận người nhỏ bé.
Không có nghề nào đòi hỏi sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và bản lĩnh vững vàng như ngành Y. Hãy hình dung 24 giờ trong một ngày đêm với họ, là gì? Nỗi đau, sự mất mát và những trạng thái mẫn cảm nhất của con người buộc họ phải đối diện và cuốn theo. Không có cửa hậu để họ thoái thác. Không có đường lui để họ bảo toàn. Cái nghề nó vậy. Và vì thế họ tự trang bị sự tinh tế trong ứng xử và đồng cảm trong tâm hồn, bên cạnh kiến thức. Giữa hơn - thua, được - mất, những người vốn được ví như thiên sứ hiểu rằng cảm thông là chìa khóa mở cửa trái tim, rút ngắn khoảng cách của không gian, thời gian, xoa dịu nỗi đau và làm tan biến hận thù. Và như thế họ âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hi sinh tình cảm và lợi ích bản thân để mang lại cuộc sống bình an cho người khác với tâm niệm không "chọn việc nhẹ nhàng"...
Từng phút giây níu giữ sinh mệnh người bệnh |
“Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết và suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…” là lời thề mà những thiên sứ ngành Y đã khắc sâu trong tâm trí. Đối với họ trong bất kì hoàn cảnh nào, sự chịu đựng và lòng trắc ẩn chính là phẩm giá cao đẹp nhất. Gần 3 năm, gần 1.000 ngày đi giữa những cuồng điên của cơn địa chấn mang tên COVID-19 họ càng thấm hơn giá trị của sinh mạng bởi từ xưa đến nay cứu người là việc thiện lớn nhất. Những xót xa hằn trong ánh mắt, trong cái xoắn vặn đôi bàn tay dường như bất lực khi không giữ lại cho đời một mạng người. Và những mất mát ấy như vết sẹo không có thuốc đặc trị nào làm mờ được. Nó khắc sâu, hằn lên nhức nhối, thôi thúc những con người đã ít nhất một lần trong đời cất lên lời thề Hippocrates phải vượt qua mọi nỗi đau, phải bù đắp lại những thương tổn mà đồng loại của mình đã gánh chịu.
Trong cuộc đời hành nghề, một bác sĩ đem lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân nhưng phía sau ánh hào quang là biết bao gian truân, vất vả. Dẫu được ví như thiên thần áo trắng thì thẳm sâu họ cũng là con người bình dị với những niềm vui, nỗi đau. Đôi khi nội tâm như sóng ngầm, muốn trồi lên cuốn phăng tất cả những dị nghị, xoi mói, những ánh nhìn nghi ngại nhưng rồi như một phép màu tự thân, họ lại lặng lẽ ẩn mình, không đòi hỏi sự thấu hiểu, cảm thông mà cứ âm thầm đi tiếp mạch nguồn đã chọn. Giới hạn để họ vượt qua, vượt lên, là không rời chiếc áo trắng. Những tín đồ Hồi giáo có thánh địa Mecca để hành hương. Phật giáo có cây bồ đề mà Đức Phật nhập diệt và đốn ngộ. Thiên chúa giáo có La Mã để đến… Ai cũng có chỗ để hướng về, thì họ cũng có, đó là nụ cười sau cơn bạo bệnh của đồng loại. Vậy, thử một lần ngồi xuống, ngắn gọn với nhau một từ thôi, là tên gọi của đức tin của họ, là gì?
“Nếu thấy con nói “sau này thích làm bác sĩ”, thì thay vì mỉm cười mãn nguyện, bố mẹ sẽ nói cho con biết, nghề Y chỉ dành cho những người biết cố gắng và hi sinh”, tôi nhớ lời gan ruột đó thốt ra từ một người mang sứ mệnh cứu người. Và dường như đó không chỉ là tự sự của người đã dùng cả cuộc đời để giành lại từng hơi thở cho đồng loại, mà nó minh chứng một điều, cuộc sống vô nghĩa hay có nghĩa là do ta lựa chọn. Hi sinh chứ không phải là gì khác, khiến họ tồn tại và tha thiết với nghề. Cuộc sống có ý nghĩa, cần lắm đức hi sinh thầm lặng để người khác có được những điều tốt đẹp hơn. Đức Phật từng dạy: “Phụng sự chúng sinh như cúng dường chư Phật”, nghĩa là một người sống quên mình vì lợi ích cho chúng sinh đó chính là hành động cúng dường đúng nghĩa. Muốn thế, người đó phải có tâm hi sinh rộng lớn. Chỉ có tâm hi sinh mới vượt qua những khó khăn, thử thách để dấn thân vào đời, cứu độ chúng sinh.
Dù trong hoàn cảnh nào những thiên thần áo trắng cũng luôn lạc quan |
Chiến sĩ quân y chia tay gia đình vào trận tuyến chống kẻ thù vô hình. Ảnh: Nguyễn Minh |
Chính vì thế sau những bối rối, phẫn nộ, chán nản vẫn còn những người kiên trung với ngành Y, vẫn khoác áo blouse trắng, chiếc áo của sự thánh thiện, không toan tính, không vụ lợi, không cơ hội. Với họ, sau những xô đẩy nghiệt ngã của cuộc đời thì sự dâng hiến, hi sinh vẫn là lựa chọn của những con người mang đức tin vào thiện lành. Và như thế càng cho ta nhận chân ra ai là đồng, ai là thau.
Mỗi người chỉ được sinh ra và sống trên trần gian này có một lần. Sống thế nào để có ý nghĩa và mang lại nhiều giá trị thiêng liêng, tỏa hương thơm nhân đức, trở thành thứ tài sản vô giá để bước vào mai sau? Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn. Không ai bắt chúng ta phải sống thế nào. Nhưng nhiều người trong nhân gian này đã lựa chọn sống đời dâng hiến. Lòng thiện cao quý nhất của con người là cho đi mà không chờ nhận lại. Tình yêu thương đích thực là vô điều kiện, không mong cầu đáp trả. Khái niệm cho và nhận không tồn tại, chỉ còn sự tương giao một cách trọn vẹn và vô ngã.
Chọn sống đời dâng hiến là chấp nhận một con đường không trải đầy hoa. Trái lại nó là con đường hẹp nhất, chông gai nhất nhưng mang con người đến với tâm thế an nhiên và mãn nguyện nhất bởi đã tìm ra lí tưởng và mục đích, biết trả lời một cách xác tín và chân thực cho câu hỏi: “Tại sao tôi chọn cuộc sống này?”. Không ai bắt mỗi y bác sĩ phải như một cao tăng đã giác ngộ lẽ từ bi cao cả, nhưng hãy tin rằng, đằng sau tấm áo trắng ấy, là những trái tim từ bi, bởi nghề Y sinh ra vốn vậy. Rồi sẽ đến ngày, đến lúc cùng nhau cất lời ca “và con tim sẽ vui trở lại”, để thấy cuộc sống tràn ngập tình thương yêu giữa người với người, giữa cuộc đời với muôn vàn thử thách…