Đổ nợ vì đua tiêu chí

Nhà văn hóa xã Vĩnh Phú Tây Phước Long hoạt động không hiệu quả.
Nhà văn hóa xã Vĩnh Phú Tây Phước Long hoạt động không hiệu quả.
TP - Từ một huyện nghèo của tỉnh Minh Hải (cũ), rồi huyện nghèo của tỉnh Bạc Liêu được tái lập vào cuối năm 2000. Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) 2010 - 2015, các ngành T.Ư và tỉnh Bạc Liêu đã phúc tra, xác nhận huyện Phước Long cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Các tiêu chí cần xây dựng như giao thông, thủy lợi, trường, điện, chợ… trên vùng sông nước rất tốn kém. Ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long nói: “Chi phí xây dựng công trình để chạy về đích NTM rất tốn kém. Từ hạt cát cũng phải từ Sông Hậu, Sông Tiền. Viên đá cũng chở từ An Giang… Trong khi đó, T.Ư hỗ trợ gần 29 tỷ đồng, vốn địa phương 175,6 tỷ đồng nên phát sinh nợ đọng”.

Đổ nợ để đạt tiêu chí

Ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long khẳng định: “Chúng tôi đã báo cáo tình hình ngân sách, nợ đọng hằng năm cho lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về xây dựng NTM và UBND tỉnh cũng đã rót ngân sách ứng trước để giải quyết nợ đọng mang tính bức xúc, trước mắt”.

Vào năm 2013, nhiều doanh nghiệp “đầu tư xây dựng trước, ngân sách trả sau” điêu đứng vì nợ đọng nên đã khẩn thiết kêu cứu.

Đầu năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với 3 cán bộ chủ chốt lúc bấy giờ là ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy, ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND và ông Lâm Thành Sáo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long chung quanh điều hành ngân sách xây dựng NTM (mốc kiểm tra ngày 1/1/2011- 31/12/2015).

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định từ năm 2013 đến cuối năm 2015, nợ đọng của huyện Phước Long từ 124,836 tỷ lên 211,219 tỷ và chốt lại 397,410 tỷ đồng. Phần lớn nợ tồn đọng tại huyện Phước Long là chi xây dựng các tiêu chí NTM.

Việc chạy đua thành tích, cố về đích đúng hẹn năm 2015 phải trả giá đắt. Mới đây, Ban chấp hành Tỉnh ủy Bạc Liêu thống nhất để Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu ra quyết định cảnh cáo về Đảng đối với ông Trần Hoàng Duyên.

Trước đó, cán bộ giữ chức Chủ tich, Phó chủ tịch huyện cũng bị cảnh cáo. 

Ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long nói: “Kết quả phúc tra của T.Ư và của tỉnh Bạc Liêu ghi nhận Phước Long đạt 19/19 tiêu chí NTM nhưng không được công nhận huyện NTM vì nợ nần”.

Ông Trần Anh Khiêm, Chánh văn phòng UBND huyện Phước Long nói: “Từ đầu năm đến nay, huyện Phước Long trả nợ được gần 30 tỷ đồng. Trong khi ngân sách còn quá khó khăn, huyện Phước Long chỉ đầu tư khoảng 20 tỷ đồng xây dựng các công trình bức xúc, dở dang”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói: “Ưu tiên cho Phước Long xử lý nợ đọng”.

Cũng theo ông Trung, ngân sách tỉnh Bạc Liêu đã ứng trước để giải quyết khó khăn cho Phước Long. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ bàn bạc cách tăng nguồn ngân sách cho huyện trả nợ vì nợ đọng không nhỏ. Đồng thời, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành T.Ư tìm cơ chế, hỗ trợ gỡ khó cho Phước Long.

Theo thống kê, tổng vốn Phước Long xây dựng NTM trong 5 năm (2010- 2015) gần 5.188 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là vốn của dân từ hiến đất, góp công đến đầu tư sản xuất chiếm 42,86%; vốn tín dụng đầu tư sản xuất 42,23%; vốn ngân sách nhà nước cả trung ương, địa phương và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 13,04%; vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân 1,87%.

MỚI - NÓNG