Dở khóc dở cười làm phim mùa dịch

Giữa mùa dịch, có những trường quay vẫn sáng đèn để phục vụ khán giả
Giữa mùa dịch, có những trường quay vẫn sáng đèn để phục vụ khán giả
TP - Giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19, các đoàn làm phim không còn rộn rã cười đùa, cũng không còn tiếng quát nạt căng thẳng, mà tất cả cùng lặng lẽ đồng lòng, quyết tâm, nhắc nhở nhau cố gắng, tận dụng mọi thời gian để có chất lượng tốt nhất.

Cả đoàn đeo khẩu trang trừ… diễn viên

Hồi giữa tháng 3, diễn viên Ngọc Lan từng đăng lên trang cá nhân hình ảnh hậu trường quay phim “Gia đình hòa thuận” với những dòng chia sẻ về khó khăn của diễn viên khi phải quay phim giữa mùa dịch COVID-19. Nữ nghệ sĩ cho biết “cả đoàn đều được đeo khẩu trang chỉ có diễn viên là không. Cái nghề có khả năng lây nhiễm cao nhất, nhưng phim đang đi đến giai đoạn cuối”. Vì phim chỉ còn 3 ngày quay nữa là đóng máy nên mọi người đều cố gắng giữ an toàn, nhà sản xuất trang bị đầy đủ xịt kháng khuẩn và rửa tay, đo thân nhiệt đầu giờ và bắt buộc phải đeo khẩu trang. Do đặc thù của công việc, trong khi tất cả nhân viên của đoàn đều đeo khẩu trang thì các diễn viên vì phải diễn trước ống kính nên không thể.

Đồng cảnh ngộ, giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, diễn viên Phương Trinh Jolie cũng phải tất bật trên phim trường để thực hiện những cảnh quay cho bộ phim truyền hình sitcom “Gia đình là số 1” phần 3. “Mùa dịch có điều bất tiện là trước khi đi quay, tôi luôn hóa trang kỹ, nhưng tháo khẩu trang ra để ghi hình thì có khi chỉ còn lại có một tí son phấn ở trên mặt”, nữ diễn viên tâm sự.

Sau vai diễn nữ giang hồ trong phim “Về nhà đi con”, diễn viên Minh Cúc nhận thêm một dự án phim dài tập và cũng gặp không ít rắc rối khi quay phim đúng thời gian dịch bệnh COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp. Nữ diễn viên cho biết mỗi lần đi quay lại đóng một bộ đồ “bảo hộ” kín mít từ đầu đến chân khiến mọi người trong đoàn cứ cười mãi. “Trong suốt quá trình làm việc, trao đổi với mọi người, tôi không hề tháo lớp bảo hộ ra khỏi người. Lúc vào quay, tôi bắt buộc phải cởi trang phục và tất nhiên không thể đeo khẩu trang rồi. Sát khuẩn tay bằng cồn khô, súc họng xong, tôi mới dám bước vào quay”, cô cười nhớ lại.

Đặc biệt, nữ diễn viên của Nhà hát kịch Tuổi trẻ đã có phân đoạn “cảnh nóng” không bao giờ quên trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Minh Cúc cho biết, trong dự án phim này, cô có một cảnh ân ái với người bạn đồng giới. “Xong phân đoạn hai chị em ôm ấp nhau, tôi lại bịt khẩu trang vào, lập tức chạy ra ngoài, lén lấy nước rửa tay, dùng chai xịt kháng khuẩn xịt lên người và súc họng. Nói thật, bình thường không phải dịch bệnh mà hành động như vậy chắc mọi người ghét lắm nhưng trong thời điểm căng thẳng về dịch bệnh thì tôi nghĩ diễn viên nào cũng sẽ làm vậy”, cô chia sẻ.

Chấp nhận “sống chung với dịch”, các đoàn phim đều đề cao nguyên tắc: lúc đến đoàn, từng người một sẽ phải qua “cửa kiểm duyệt”, được đo thân nhiệt. Nếu thấy bất cứ ai, dù là diễn viên, đạo diễn, quay phim hay nhân viên hậu kỳ có dấu hiệu ốm, cảm cúm… là lập tức dừng công việc, giải tán. Thay vì có đồ ăn gì cũng chia cho nhau ăn cùng như trước đây thì trong lúc dịch bệnh, của ai người ấy ăn. Hạn chế chuyện trò như trước. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền còn “đút túi” bí kíp “cứ 30 phút thì hít dầu 1 lần và ăn mỗi ngày 1 củ tỏi giúp đề kháng cho cơ thể”.

Đoàn làm phim trở thành… đoàn làm phiền

Đạo diễn phim “Vua bánh mỳ” Nguyễn Phương Điền chia sẻ, dịch bệnh đến bất ngờ, còn kế hoạch làm phim đã có sẵn từ năm ngoái, nên ê-kíp khốn khổ vì phải đổi bối cảnh quay. Tái khởi động ngày mùng 9 Tết, để giảm thiểu tối đa khả năng lây nhiễm, đoàn phim đã phải lựa chọn quay ở những bối cảnh sông nước, thiên nhiên nắng nóng, những cảnh quay vùng sâu vùng xa, nơi có đồng lúa, nhà hoang... ít có sự chú ý của người dân, thay vì tập trung ở các phòng ốc máy lạnh. Nhưng khổ là phim làm về nghề bánh, muốn có cảnh quay trong xưởng làm bánh nhưng đến đâu xin quay cũng bị từ chối.

Theo kế hoạch ban đầu, ê-kíp làm phim “Tình yêu và tham vọng” sẽ đóng máy vào tháng 5 tới đây, tuy nhiên, đến thời điểm này, phim đang phải dừng quay do chỉ thị cách li toàn xã hội. Đạo diễn Bùi Tiến Huy cho biết, một số bối cảnh quay tại phía Bắc đã lên kế hoạch trước đó, như quay ở các khu chung cư, đều phải hủy. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn, vì máy móc thiết bị, diễn viên quần chúng… đều đã thuê từ trước. Ê-kíp sẽ phải tăng tốc, làm thêm giờ bởi phim đã phát sóng được gần 10 tập, không khác gì “leo lên lưng hổ”.

Tái khởi động sản xuất sau kì nghỉ Tết, đoàn phim “Nhà trọ Balanha”, “Người nối nghiệp” cũng gặp không ít khó khăn do thời gian quay liên tục bị lùi ngày và gặp nhiều trở ngại trong khâu bối cảnh. “Bình thường đoàn phim đến đâu là được ở đó hồ hởi chào đón, người dân đứng vây quanh để xem, nhưng từ lúc có dịch, chúng tôi đi đâu cũng bị xua đuổi, né tránh. Mấy chỗ hứa cho thuê mượn bối cảnh cũng sợ nên từ chối. Đoàn làm phim giờ đã trở thành đoàn làm phiền mất rồi”, một trợ lý đoàn phim ngậm ngùi.

Trường quay sáng đèn “thời cách ly”

Có lẽ, “Những ngày không quên” là bộ phim Việt đặc biệt nhất từ trước đến nay. Đặc biệt vì ê-kíp được triệu tập trong thời gian gấp gáp, phim quay trong thời gian cả nước thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội của chính phủ, và đây cũng là đoàn phim duy nhất trong mùa dịch COVID-19 mà diễn viên có cơ hội thoải mái… đeo khẩu trang.

“Những ngày không quên” là bộ phim duy nhất đang được thực hiện trong thời gian cách ly, của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC), do NSƯT Danh Dũng và Trịnh Lê Phong đạo diễn. Phim được kết hợp giữa hai dự án ăn khách từng phát sóng trước đó là “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta”, tái hiện đời sống hai không gian điển hình là thành phố và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Phim có tính chất tuyên truyền cho việc phòng chống dịch bệnh xen lẫn yếu tố giải trí.

Phim lên sóng tập đầu tiên vào ngày 6/4 nên trước đó khoảng 10 ngày, cả ê-kíp đã phải chia thành 2 mũi, gấp gáp lên đường thực hiện các cảnh quay. Lúc này, kịch bản mới chỉ có khoảng 2 tập phim. Điều đó có nghĩa, ê-kíp vừa phải viết tiếp kịch bản, vừa quay phim. Ngay khi có lệnh giãn cách xã hội 14 ngày của Chính phủ, nhiều bối cảnh của phim đã được thực hiện ngay trong Đài truyền hình Việt Nam. Vì tần suất phim phát sóng khá dày, liên tục trong tuần nên cả đoàn phim đang gấp rút thực hiện các cảnh quay mới cho phim.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định, đây là một trong những dự án khó khăn và nhiều thách thức nhất của VFC. “Thậm chí, những ngày gần đây, chúng tôi đã vận động anh em ở hẳn lại cơ quan, tránh đi lại và về nhà”, Giám đốc VFC cho biết.

Những ngày trên phim trường “Những ngày không quên” đã trở thành khoảng thời gian không thể quên với các diễn viên. Nữ diễn viên Thanh Hương cho biết: “Đoàn phim cố gắng mỗi ngày có ít nhất diễn viên tham gia, lựa chọn phân đoạn để không tụ tập chỗ đông người. Mỗi người có một chai nước riêng. Nhiều người tự chuẩn bị cơm từ nhà. Những diễn viên có xe thì thường ngồi trong xe, khi đến phân đoạn mới ra quay”. Có ngày, cô vừa nấu cơm xong, đắp được miếng mặt nạ dưỡng da thì lại nhận được điện thoại yêu cầu có mặt ngay, thế là vội vàng lên đường, quên cả… tháo mặt nạ.

Diễn viên Đào Hoàng Yến, vào vai cô Xuyến trong phim thì hào hứng kể: “Làm phim thời COVID-19 hay lắm. Có cảnh trang điểm thật xinh, đạo diễn bảo cảnh này đeo khẩu trang vào. Thế là cả đoàn phim lại cười như nắc nẻ”.

Diễn viên Quốc Trường thì có trải nghiệm đáng nhớ khi phải dùng ngay căn hộ của mình tại Cần Thơ làm bối cảnh phim. Đang trong thời gian cách ly xã hội nên anh không thể bay ra Hà Nội cùng đoàn phim được. Nam diễn viên phải cùng lúc đảm nhận tất cả các vai trò, từ set-up bối cảnh, ánh sáng, phục trang, trang điểm... đến diễn xuất. Việc kết nối với đoàn phim và tập thoại với các diễn viên khác được thực hiện qua internet.

Dở khóc dở cười làm phim mùa dịch ảnh 1 Hậu trường của đoàn làm phim đặc biệt “Những ngày không quên”
MỚI - NÓNG