'Đổ dầu' vào đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau hơn 19 giờ, đến 4h30’ sáng 20/8 phiên đấu giá quyền sử dụng đất xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức mới ngã ngũ. Giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 đối với LK03-12 là thửa ở góc, có 3 mặt tiền, rộng hơn 113 m2, được nhà đầu tư trả cao hơn 18 lần mức khởi điểm.

Đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức thông tin, sau 9 vòng đấu giá, kết quả giá cao nhất trúng đấu giá là 133,3 triệu đồng/m2, giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2. “Khu này rất đẹp, gần Vành đai 4 và hạ tầng được huyện đầu tư bài bản về quy hoạch. Quanh khu vực này cũng không còn nhiều khu đấu giá”, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất chia sẻ. Điều đáng nói, phiên đấu giá vừa ngã ngũ, ngay lập tức các lô đất trúng đấu giá tại đây được nhà đầu tư rao bán chênh từ 250-600 triệu đồng/lô.

Thực tế, theo một số nhà môi giới bất động sản, mức giá 133,3 triệu đồng/m2 đã thiết lập mặt bằng mới cho đất ở đây bởi giá này cao hơn nhiều so với thị trường khu vực xung quanh khu đất đấu giá. Theo đó, đất tại trục chính đường gần khu đất đấu giá đang được giao dịch với giá khoảng 80-90 triệu đồng. Còn các lô đất ở ngõ ô tô đang dao động khoảng 60-65 triệu đồng/m2.

Trước đó ít ngày, phiên đấu giá đất tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có giá trúng lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Trong khi đó, giá rao bán đất trung bình trong quý II/2024 tại địa phương này chỉ khoảng 27 triệu đồng/m2.

TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam cho rằng, về cơn sốt đất đấu giá các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức... có giá trúng cao hơn nhiều so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ thao túng, “thổi giá”. Bởi theo dõi các phiên đấu giá gần đây, xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... tham giá đấu giá, trả giá cao. Đây là yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.

Cùng diễn biến, Hiệp hội bất động sản TPHCM kiến nghị thành phố HCM xem lại phương thức khảo sát bảng giá đất điều chỉnh vì cho rằng cách tính toán chưa hợp lý.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cách tính giá đất thực tế và đề xuất các mức giá của đơn vị tư vấn với một số tuyến đường ở nhiều quận, huyện tại thành phố HCM đang lấy giá cũ theo Quyết định 02 nhân với 5-6 lần để ra giá mới. Cách làm này không có cơ sở rõ ràng. Bên cạnh tích hợp các hệ số điều chỉnh giá đất, cơ quan soạn thảo còn bổ sung thêm một chỉ số điều chỉnh làm giá đất một số nơi tăng 10-20 lần so với hiện tại.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, một số người lý giải, khi giá đất tăng thì nhà nước sẽ tăng thu ngân sách, người dân diện giải phóng mặt bằng được lợi. Nhưng đó là cái lợi rất nhỏ so với thiệt hại rất lớn là đẩy giá nhà đất lên cao, hàng triệu người không còn cơ hội mua nhà. Bản thân người dân giải phóng mặt bằng đi mua nhà cũng phải chịu chung tình cảnh đó. Mục tiêu lớn nhất của nhà nước trong trường hợp này không phải là để tăng thu ngân sách!

Trong bối cảnh niềm tin vào thị trường chứng khoán bấp bênh, tăng lương cơ sở chưa như kỳ vọng, giá vàng phi mã, nguồn cung bất động sản khó khăn, thì việc nhiều địa phương đưa ra giá đất kiểu “trên trời” chẳng khác gì thêm dầu vào nhiều lĩnh vực đang “bốc hỏa”!

MỚI - NÓNG