Đổ đất, đá trái phép xuống Vịnh Nha Trang: Do sơ suất?

Đổ đất, đá trái phép xuống Vịnh Nha Trang: Do sơ suất?
TP - Theo lý giải của chủ dự án: Trong quá trình thi công san lấp mặt bằng, do công ty sơ suất, thiếu đôn đốc, sát sao nên phần taluy kè đá (biện pháp chắn sóng, chống sạt lở) được thi công nằm ngoài ranh giới được giao.
Đổ đất, đá trái phép xuống Vịnh Nha Trang: Do sơ suất? ảnh 1

Chủ đầu tư đang khôi phục hiện trạng ban đầu.

Chiều 9/10, nguồn tin của phóng viên cho biết, liên quan đến Dự án Khu du lịch Champarama Resort & Spa đổ hơn 17 nghìn m2 đất, đá trái phép xuống danh thắng quốc gia Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), ông Kiều Anh Tuấn - Phó TGT Công ty CP Khu du lịch Champarama (chủ đầu tư) vừa có văn bản báo cáo kết quả khắc phục, khôi phục hiện trạng.

Tại báo cáo, ông Tuấn cho biết, để nhanh chóng đưa khu nghỉ dưỡng vào hoạt động, công ty đã và đang khẩn trương triển khai các hạng mục xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công san lấp mặt bằng, do công ty sơ suất, thiếu đôn đốc, sát sao nên phần taluy kè đá (biện pháp chắn sóng, chống sạt lở) được thi công nằm ngoài ranh giới được giao. Sau khi phát hiện sơ suất, công ty đã tiến hành các biện pháp khôi phục hiện trạng ban đầu theo yêu cầu của tỉnh. 

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 29/9, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng đối với Công ty CP Khu du lịch Champarama (chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa) vì lấn vịnh Nha Trang. Theo quyết định xử phạt, công ty này đã đổ đất đá lấn biển vịnh Nha Trang với diện tích hơn 17.564 m2. Diện tích này nằm ngoài ranh giới được giao. 

Quyết định cũng yêu cầu Cty CP Khu du lịch Champarama chấm dứt ngay các hành vi vi phạm nêu trên và khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước ngày 16/10. Báo cáo kết quả khắc phục, gửi UBND tỉnh để kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, công ty này không thực hiện giám sát môi trường không khí xung quanh và nước biển ven bờ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại quyết định số 1938 ngày 5/7/2016.

Hình thức áp dụng xử phạt đối với hành vi này là phạt tiền 35 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là yêu cầu công ty thực hiện chương trình giám sát môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường nói trên. Tổng mức tiền xử phạt là 105 triệu đồng đối với các hành vi nói trên.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.