Ngủ ngày, cày đêm
22h đêm một ngày cuối tháng 8, DJ Kathy hẹn tôi đến beer club Vevezula (Trường Sơn, Q.Tân Bình) để “mục sở thị” buổi làm việc của cô. Trong căn phòng khá rộng nhưng không đủ sáng, tôi phải nhắm mắt vài giây để quen với ánh sáng mờ ảo từ những trục đèn màu trong club. Trên sân khấu, Kathy liên tục phối những bản nhạc mà một người “ngoại đạo” như tôi không nhận ra đó là bài gì. Chỉ biết, nghe tới đâu, cơ thể mình cũng muốn lắc lư theo tới đó. Vừa chỉnh nhạc, cô vừa quan sát đối tượng khách, bầu không khí để chọn lựa những bản nhạc phù hợp.
Nhận thấy sự có mặt của tôi, cô cười, nheo mắt. Điện thoại tôi sáng lên dòng tin nhắn của Kathy: “Sao chị không lên ngồi gần chỗ em đây!” Lúc này, tôi được nhìn rõ hơn công việc của Kathy. Dụng cụ “mix” (trộn) nhạc gồm hai chiếc bàn xoay và hàng chục nút vặn, đi kèm với đó là chiếc laptop hỗ trợ công nghệ. Đôi tay thon dài của Kathy điệu nghệ vừa liên tục “nhảy múa” trên chiếc bàn xoay, vừa điều chỉnh các nút điệu nghệ. Kathy còn lắc lư, mời gọi khách cùng mình hòa vào điệu nhảy của bản nhạc, không khí khán phòng càng lúc càng sôi động.
DJ không phải chỉ là người biết chơi nhạc, họ còn phải có kỹ nghệ “khuấy” bầu không khí sôi đến cực đỉnh. Bởi, khách càng cuồng nhiệt, quán càng đắt thì DJ ấy càng được trọng dụng. Và tất nhiên, “chỗ đứng" cũng sẽ lâu dài.
Nguyễn Thị Mai mới vào nghề DJ được tròm trèm 1 năm bộc bạch, công việc của cô thường bắt đầu khoảng 1-3h. “Lúc đầu không quen vì dù thức đến sáng nhưng ngày cũng không ngủ được. Sau đó tôi tập thích nghi dần. Đa số các bar, beer club đều hoạt động chủ yếu từ 21h-3h hôm sau. Nếu mình không làm được giờ này thì chỉ có đói” - Mai nói.
Món “lẩu” âm nhạc của DJ cho khách thưởng thức rất hệ thống và khoa học. “Màn dạo đầu” là những bản nhạc được mix nhẹ rồi dần dần tăng nhịp độ cũng như âm lượng theo thời gian và lượng khách nhất định. Tầm 23h, khách đến đông chính là lúc các DJ chơi “sung” nhất. Họ bắt đầu trổ hết tài năng của mình trên bàn trộn với những âm thanh, tiết tấu cuồng nhiệt, sôi nổi nhằm kích thích đám đông. Lúc này, đội ngũ dancer (vũ công) cũng lên sàn bằng những động tác khiêu gợi, khuyến khích và gây hứng thú cho khách. Khi tất cả hòa mình vào bữa tiệc âm nhạc thì quyền làm chủ được trao lại cho các DJ. “Nhìn không khí hôm đó, vẻ mặt, cử điệu của khách mà DJ chơi nhạc. Lúc này, DJ không còn bị gò bó theo quy luật nào cả, hoàn toàn theo cảm hứng nhưng lại rất có hiệu quả” - DJ Hảo Lê, người có thâm niên nghề chia sẻ.
Bỏ ngàn USD “tầm sư, học DJ”
DJ (còn gọi là deejay) là tên viết tắt của cụm từ Disc Jockey, được hiểu là một người chuyên làm công việc lựa chọn và phát đi các bản nhạc đã được ghi âm từ trước; đồng thời điều chỉnh, biến tấu âm thanh cho phù hợp với các đối tượng thưởng thức âm nhạc khác nhau.
Tại một lớp học DJ trên đường Trần Quang Khải (Q.3), tôi được hướng dẫn cách học để trở thành DJ. Thời gian học khoảng 3 tháng, học phí từ 4-6 triệu đồng/khóa. “Sư phụ” (danh xưng thường gọi thầy/cô dạy DJ) hứa hẹn khi học xong tôi sẽ có việc làm ngay, thu nhập tối thiểu cũng chục triệu đồng/tháng. Chỉ cần làm 1 tháng là lấy lại được vốn.
Cứ tưởng DJ là một nghề… dễ ăn, chỉ cần xoay đĩa, chỉnh mixer lên - xuống là “ăn tiền”. Thực ra để có thể chơi nhạc một cách hoàn chỉnh và chuyên nghiệp, mỗi DJ phải trải qua quá trình học tập và tự rèn luyện gian khổ. Thùy (20 tuổi), đã trút hầu bao gần 50 triệu đồng học DJ mà vẫn chưa ra nghề: “Không phải thích là làm được đâu, còn phải có năng khiếu nữa. Tôi tốn nhiều tiền để tầm nhiều sư mà vẫn chưa nên cơm cháo gì. Lời hứa “học 3 tháng ra nghề, có việc làm” chỉ là mơ thôi. Nhiều người học chung với mình cũng lận đận lắm, ra nghề có việc làm ngay đâu”.
Thêm vào đó, để tạo được sự hưng phấn và sức lan tỏa của âm nhạc đến người nghe. Nếu DJ biết chơi nhạc cụ, hát hay đọc rap thì càng tuyệt vời hơn. Do đó, mình phải đầu tư học nhảy, ca hát nữa thì mới trụ được với nghề - Bảo Thy bộc bạch.
Xách xe chạy một vòng quanh con phố được mệnh danh là “chốn ăn chơi của giới thượng lưu” ở trung tâm quận 1 như Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Viện… Sài thành về đêm trong lành nhưng không kém phần ồn ã bởi đủ thứ âm thanh của xe cộ, âm nhạc cùng những cô gái “bốc lửa”… Giờ làm việc của DJ lúc này mới thực sự bắt đầu!