Đình Toàn - nhí nhố và nghiêm túc

Đình Toàn - nhí nhố và nghiêm túc
TP - Ít người biết, vai Lê Long Đĩnh là vai bi, nghiêm túc đầu tiên của Đình Toàn. Trước đó, anh toàn đóng vai hài, mà là hài cho trẻ em.

Với vai vua Lê Long Đĩnh trong Khát vọng Thăng Long, nhiều người yêu điện ảnh mới biết đến Vũ Đình Toàn, nhưng với khán giả yêu kịch, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi thì đã từ lâu, Đình Toàn đã quá quen thuộc trong những vai diễn ở Idecaf.

Hết múa rối lại đến xiếc

Bố mẹ Toàn quê ngoài Bắc nhưng Toàn lại sinh tại Sài Gòn. Thủa đi học, Toàn đã yêu thích kịch và đã tham gia đội múa rối tại nhà thiếu nhi TP. Nhưng theo định hướng của gia đình, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Toàn đã đăng ký dự thi vào khoa du lịch thuộc Đại học Quốc gia và tốt nghiệp với bằng Hướng dẫn viên.

Ra trường Toàn đã đi làm tại một công ty du lịch 2 năm. Nhưng trớ trêu là Toàn lại vẫn thấy nhớ nghề diễn nên đã đăng ký tham gia lại đội múa rối. Rồi một lần tình cờ được mời tham gia nhóm Líu Lo thực hiện các chương trình văn nghệ cho thiếu nhi trên HTV, Toàn đã gặp nghệ sỹ Thành Lộc.

Cái duyên nhí nhảnh, hồn nhiên rất hợp với thiếu nhi của Toàn đã được Thành Lộc để ý nên khi cùng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn xây dựng sân khấu Idecaf, Toàn đã được mời về. “Lúc nhận lời, tôi cũng hồi hộp lắm bởi ê kíp của Idecaf lúc đó toàn những tên tuổi lớn trong làng kịch như Hữu Châu, Thành Lộc, Bạch Long, Thanh Thủy… Tôi còn nhớ vở diễn đầu tiên của seri Ngày xửa ngày xưa Tấm Cám, tôi chỉ được phân đóng vai phụ.

Được chứng kiến sự tung hứng của anh Thành Lộc với anh Hữu Châu, tôi mơ ước bao giờ mình mới diễn được như thế. Qua vài vai diễn, tôi mới hiểu những gì mình diễn trước kia chỉ là nhờ bản năng, muốn diễn hay thì phải học. Vì thế tôi đã thi vào khoa đạo diễn của trường Sân khấu điện ảnh TP HCM và ngày thì đi học, tối lại đi diễn”.

Vừa đi học lại vừa được diễn, Toàn tiến khá nhanh. Từ những vai phụ, Toàn được phân những vai quan trọng như Người rơm trong Cô bé tý hon, Thánh Gióng trong Thánh Gióng, Aladin trong Aladin và cây đèn thần, Nhân sư trong Hoàng tử Ai Cập, Tôn Ngộ Không trong Tề Thiên đại náo Thiên Cung, Chú bé trong Cậu bé rừng xanh

Cùng với ê kíp thực hiện, Toàn đã làm cho Ngày xửa ngày xưa trở thành sery kịch ăn khách nhất Việt Nam khi chương trình nào ra mắt cũng đều cháy vé trước cả tháng. Tới thời điểm này, dù đã ra được 21 vở diễn nhưng xê ri này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sau khi tốt nghiệp đại học với mảnh bằng đạo diễn, Toàn đã đạo diễn nhiều vở kịch khá ăn khách như Người và dã thú, Chú mèo đi hia, Con gái nàng tiên cá, Chuyện thần tiên xứ Phù Tang, Tề Thiên đại chiến Hồng Hài Nhi… Rồi Toàn lấn sân làm cả MC cho đài truyền hình, tổ chức các chương trình even

“Nhưng tôi thích nhất là làm diễn viên, đặc biệt là diễn cho thiếu nhi - Toàn bảo. Còn gì tuyệt vời hơn khi đang đi ngoài đường, khán giả nhỏ tuổi gọi tôi bằng tên của nhân vật, và khi xuất hiện trên sân khấu, các em vỗ tay đồng thanh nói cùng nhân vật mình thủ vai. Với tôi đó là niềm vui lớn nhất”.

Sau hơn 10 năm làm kịch thiếu nhi, Toàn trở thành một trong những diễn viên được các em nhỏ yêu thích nhất tại sân khấu Idecaf. Để làm được điều này, theo Toàn cần phải nghiêm túc trong công việc. Tại Idecaf, diễn viên không được phép vắng mặt trong những buổi tập, trừ những lý do bất khả kháng.

Toàn bảo: “Nhiều người nghĩ làm kịch cho thiếu nhi thì không cần cầu kỳ, cứ phiên phiến đi là được nhưng tôi lại không nghĩ thế. Diễn kịch cho thiếu nhi khó hơn diễn kịch cho người lớn xem vì các bé đi đều có phụ huynh đi theo. Một vở diễn nhảm nhí có thể các em không nhận ra nhưng phụ huynh thì biết ngay. Vì thế các vở thiếu nhi luôn được chúng tôi tập trung đầu tư cao. Những vở diễn của Ngày xửa ngày xưa không chỉ là kịch mà còn có cả hát, múa, đánh võ… và thậm chí cả làm xiếc. Chúng tôi đã tập luyện rất nhiều môn phụ trợ để có thể trình diễn”.

Toàn cười, kể có lần sau khi tập luyện vở diễn Cậu bé rừng xanh cùng với nhóm diễn viên xiếc, ông Giám đốc đoàn Xiếc TP HCM đã vỗ vai Toàn thân mật và bảo nếu rảnh rỗi, cứ qua đoàn xiếc để trình diễn, ông sẽ nhận luôn.

35 tuổi, đã có bạn gái vài năm nhưng có lẽ vì Toàn vẫn ở chung với bố mẹ nên xem ra còn hồn nhiên lắm. “Chắc tại tôi chơi với thiếu nhi nhiều nên lây các em. Nhưng có lẽ phải ổn định sớm thôi vì bố mẹ giục nhiều lắm” - Toàn hồn nhiên
35 tuổi, đã có bạn gái vài năm nhưng có lẽ vì Toàn vẫn ở chung với bố mẹ nên xem ra còn hồn nhiên lắm. “Chắc tại tôi chơi với thiếu nhi nhiều nên lây các em. Nhưng có lẽ phải ổn định sớm thôi vì bố mẹ giục nhiều lắm” - Toàn hồn nhiên.

Từ hài thành bi

Không chỉ là diễn viên kịch, năm 2006 Toàn lấn sân sang phim truyền hình với vai diễn trong bộ phim Mùi ngò gai. Đó chỉ là một vai phụ ít được nhớ, phải đến bộ phim thứ hai khán giả truyền hình mới biết đến Toàn. Đó là vai Ma Pungun, một ông bố vui nhộn và lý lắc trong Gia đình phép thuật.

Hơn 200 tập đã chiếu trên truyền hình thu hút được khách và ê kíp làm phim đã quyết định sẽ làm tiếp 300 tập nữa – khiến phim này sẽ trở thành phim truyền hình dài nhất Việt Nam. Cũng vì vai vui nhộn này mà trong dịp Tết vừa qua, Toàn được mời vào vai hài chính trong bộ phim truyền hình 7 tập mang tên Người hoàn hảo. Bộ phim kể về một anh chàng nuôi heo hết mơ ước làm ca sỹ lại mơ làm nhà văn, mơ thành nhạc sỹ…

Đình Toàn vui cùng các cháu thiếu nhi
Đình Toàn vui cùng các cháu thiếu nhi.

Nhưng thật bất ngờ khi một diễn viên chuyên đóng hài lại được ê kíp làm phim Khát vọng Thăng Long mời vào vai Lê Long Đĩnh - Một vai bi hoàn toàn không dính dáng gì đến hài. Như nhiều người trong giới đùa là: đang đóng vai nhí nhố thì nay chuyển gấp sang nghiêm túc. Cơ duyên của Toàn đến thật bất ngờ. “Một hôm tôi vừa đi chơi ở Cần Thơ về khuya thì có người điện thoại, mời tôi thử vai cho Khát vọng Thăng Long. Tôi nhận lời mà cũng chẳng biết mình sẽ thử vai gì, phim đó ra sao. Tôi đi thử vai xong rồi cũng quên luôn vì còn bao nhiêu chuyện phải lo. Nào ngờ một thời gian, có người gọi điện bảo tôi đã trúng vai Lê Long Đĩnh. Ban đầu tôi từ chối vì còn phải làm kịch ở Idecaf nhưng nhóm làm phim thuyết phục tôi, hứa sẽ thu xếp để tôi có thể vào vai này. Cũng may mắn là đoàn đã dời ngày quay nên tôi mới có thể tham gia được”.

Đình Toàn (trái)
Đình Toàn (trái).

Ba tháng quay phim là ba tháng cơ cực nhất mà Toàn đã trải qua. Nhiều hôm đoàn phải quay liên tục gần 24 tiếng, về nghỉ một chút lại phải ra phim trường. Là vai diễn chính, phải có mặt ở hầu hết các trường đoạn nên Toàn không được nghỉ ngơi, lúc nào cũng phải kè kè bộ áo nặng trịch trong cái nắng nóng của miền Bắc, rồi chạy, rồi nhảy xuống bùn đi cày. “Tôi sợ người khác thì sẽ qụy lâu rồi” - Toàn nói.

Để nhập vai, Toàn đã phải đọc rất nhiều sách lịch sử về Lê Long Đĩnh. Qua sách vở, Toàn mới hiểu được vua Lê Long Đĩnh là người đánh trận giỏi, thông minh, tham vọng. Tuy nhiên ông cũng là người có tâm lý cực kỳ phức tạp, bốc đồng, chồng chéo. Từ những tìm hiểu này, Toàn đã thể hiện một vua Lê Long Đĩnh rất khác so với hình dung ban đầu. Toàn đã có một vai diễn đầy ấn tượng, vai diễn đã cho anh có được giải Cánh diều Vàng Nam diễn viên chính.

Vai diễn “chạm ngõ” điện ảnh nhưng có được giải thưởng lớn, Toàn có thêm cơ hội trong điện ảnh. Nhưng Toàn bảo: “Tôi vẫn sẽ làm sân khấu thôi. Còn nếu có vai diễn nào hay, ấn tượng như vai Lê Long Đĩnh thì có thể tôi sẽ tham gia”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG