Định mệnh bất chợt

Định mệnh bất chợt
TP - Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo vừa trở về từ Pháp, tiếp tục theo đuổi dự án đưa 'Truyện Kiều' lên sân khấu thể hiện bằng opera, ballet, kịch thoại dưới tên gọi 'Định mệnh bất chợt'.

> Tham vọng đưa dàn nhạc dân tộc Việt ra thế giới

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chờ ngày “Định mệnh bất chợt” lên sàn tập. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chờ ngày “Định mệnh bất chợt” lên sàn tập. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Dự định đưa kiệt tác của Nguyễn Du thành tác phẩm nhạc kịch tầm cỡ, vốn nảy nở từ dăm năm trước, khi NSND Nguyễn Công Nhạc còn làm Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam. Nhưng phải đến bây giờ, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo mới có cơ hội biến ý tưởng thành vở opera- ballet Định mệnh bất chợt, hợp tác với Nhà hát Vũ kịch Việt Nam, NSƯT Lê Chức làm đạo diễn, NSND Phạm Anh Phương biên đạo múa.

“Tôi từ lâu ấp ủ dự định tôn vinh Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du. Tôn vinh ở đây không phải phổ nhạc cho thơ: Theo tôi nghĩ thơ Kiều là áng văn chương kiệt tác, không hình thức nào vượt qua, nếu phổ thơ dễ đưa tới thất bại”, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo nói. Vì lẽ ấy, vở kịch là tổng hợp nhiều loại hình ngoài opera và ballet: kịch thoại, ngâm thơ, đoạn video.

Do tổng hợp nhiều loại hình, nên riêng Thúy Kiều ít nhất do 3 diễn viên đảm nhiệm: nghệ sĩ opera, ballet và nghệ sĩ đảm phần ngâm thơ. Tương tự với Từ Hải, ít ra cũng vời đến 2 diễn viên. Người lãnh trách nhiệm viết nhạc cho vở diễn nói, nhẩm tính số diễn viên chắc lên đến vài trăm: Riêng dàn nhạc giao hưởng đã bảy, tám chục người.

Là người đặt tên vở Định mệnh bất chợt, Nguyễn Thiện Đạo muốn nhấn cơ duyên giữa Nguyễn Du và nàng Kiều. Chính vì vậy ông đưa cả thi hào Nguyễn Du lên sân khấu. 11 chương của vở diễn tái hiện diễn biến Truyện Kiều, thời lượng gần 90 phút. Riêng chương đầu và chương cuối dành cho Nguyễn Du gặp gỡ Thúy Kiều và kết lại bằng hình ảnh Nguyễn Du, Thúy Kiều cùng Từ Hải bay lên nơi xa nào đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo tiết lộ, ông muốn đưa cả nhạc rock, jazz vào Định mệnh bất chợt: “Vì tôn vinh Truyện Kiều nên không chọn phổ thơ, mà chọn nghệ thuật tổng hợp, để vở diễn phải giữ hồn dân tộc, nên tôi cũng băn khoăn. Nhưng tôi nghĩ dù đưa rock vào, nó phải ăn khớp với diễn biến trên sân khấu. Đoạn rock này sử dụng trong cảnh Kiều chấp nhận tiếp khách làng chơi sau khi bị Tú Bà hành hạ, đưa về nhốt ở lầu Ngưng Bích. Đánh giá thế nào tùy khán giả”.

Nếu e dè ở vài phần thổi yếu tố hiện đại vào vở diễn, có những đoạn nhạc sĩ tin tưởng sẽ tạo ấn tượng mạnh. Đó là cảnh đặc tả Vương Viên ngoại lâm nạn: Mở màn bằng không khí im lặng khủng khiếp bao quanh gia đình họ Vương, lột tả cảnh cướp bóc của lũ sai nha được ví như ruồi xanh. “Sự im lặng đôi khi còn tác động mạnh hơn cả dùng âm nhạc”, nhạc sĩ nói.

Tổng phổ viết xong, ông quay lại Pháp chờ ngày 11-3 năm sau về Việt Nam chứng kiến Định mệnh bất chợt lên sàn tập. Dự kiến, vở kịch ra mắt giữa năm sau. Tự hào vì không hề có áp lực gì khi quyết định dấn thân đưa Truyện Kiều thành vở nhạc kịch, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo tiên liệu chẳng có thảm đỏ trải sẵn.

Nhạc sĩ Việt có tên trong cuốn từ điển danh nhân Pháp-Le Petit Larousse và Le Petit Robert- thậm chí tiên liệu nhiều chông gai chờ đợi ông và các nghệ sĩ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.