Dinh dưỡng tăng cường miễn dịch, phòng dịch sởi

Dinh dưỡng tăng cường miễn dịch, phòng dịch sởi
Khi dịch sởi đang hoành hành, bên cạnh các biện pháp phòng tránh thông thường như vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh đến nơi đông người vv.., các mẹ cần chú ý tới chế độ ăn của bé sao cho vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Thiếu dinh dưỡng và miễn dịch kém là yếu tố nguy cơ bị dịch bệnh tấn công. Dưới đây là danh sách các dưỡng chất nên tăng cường bổ sung cho con trong thời điểm này:

1. Các loại vitamin

Các loại vitamin A, C, E, D đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé.

Vitamin A: đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các tế bào da, đường tiêu hóa và tế bào biểu mô phổi, tạo thành “hàng rào” chính bảo vệ trẻ khỏi các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm: cà rốt, cải xoăn, súp lơ xanh, bí, quả mơ, cá và khoai lang.

Vitamin C: tìm thấy trong dâu tây, cam, chanh, bưởi, ….giúp tăng cường sản sinh tế bào bạch cầu và kháng thể gồm interferon kháng thể. Interferon bao phủ lên bề mặt tế bào giúp hạn chế sự xâm nhập của vi rút.

Vitamin D: có trong ánh sáng mặt trời, lòng đỏ trứng, dầu cá và các thực phẩm bổ sung vitamin D. Hãy tham khảo  ý kiến bác sĩ về nồng độ an toàn được khuyến khích cho con bạn.

Vitamin E: kích thích sự sản sinh các tế bào diệt vi khuẩn tự nhiên và tế bào B giúp sản sinh kháng thể chống lại vi khuẩn. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật và ngũ cốc.

2. Khoáng chất và axit béo Omega-3

Kẽm: Kẽm rất quan trọng cho sự phát triển các tế bào bạch cầu giúp nhận biết và tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi rút xâm nhập. Có thể bổ sung kẽm thông qua các loại thực phẩm gồm: thịt bò, hàu, thịt lợn, gia cầm, sữa chua, hoặc sữa.

Selen: Selen có nhiều trong những động vật có vỏ như hàu, tôm hùm, cua và sò, giúp các tế bào bạch cầu sản xuất các cytokine-protein giúp loại bỏ vi rút gây bệnh như vi rút cúm ra khỏi cơ thể.

Sắt: Cũng giống như kẽm, thiếu sắt có thể dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm bệnh. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, đậu phụ, ngũ cốc, đậu lăng.

Axít béo omega-3: được tìm thấy trong dầu lanh và cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu) giúp tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về sử dụng acid béo omega-3 trong chế độ ăn cho bé.

3. Probiotic

Probiotic được tìm thấy trong nhiều sản phẩm sữa như sữa chua, là loại vi khuẩn lành mạnh giúp loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh ra khỏi đường ruột. Bổ sung probitic giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

4. Tỏi

Mặc dù với trẻ nhỏ việc ăn tỏi không phải dễ dàng. nhưng các bà mẹ nên cố gắng thêm một chút gia vị tỏi vào món ăn cho bé vì trong tỏi chứa nhiều allicin giúp bảo vệ trẻ khỏi các loại virus gây bệnh

Chế độ ăn uống cho trẻ bị bệnh sởi

Nếu bé nhà bạn không may mắc sởi. Các nguyên tắc dinh dưỡng sau đây có thể giúp bạn bảo vệ bé khỏi những biến chứng nghiêm trọng của bệnh:

- Nên cho bé ăn nhiều loại hoa quả trong 3 ngày đầu tiên bị bệnh. Kết hợp cả hoa quả tươi và các loại nước quả ép như nước cam, nước chanh cũng như uống nhiều nước vì ở giai đoạn này việc bổ sung nước rất quan trọng.

- Sau giai đoạn ăn nhiều loại quả này, bệnh nhân nên được ăn những đồ ăn mềm, ít muối và gia vị gồm hoa quả, ngũ cốc nguyên cám, súp nhạt. Các loại trái cây lý tưởng là dưa đỏ, nho, bưởi.

- Tiếp theo chế độ ăn mềm là chế độ ăn cân bằng chứa các loại thực phẩm tốt cho trẻ với nhiều vitamin A, B complex và C.

- Cha mẹ nên cố gắng tránh các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và thực phẩm chế biến sẵn. Tránh các loại đồ uống có chất kích thích, đồ uống có đường nhân tạo để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn

Bệnh Sởi và thiếu hụt Vitamin A

“ Thiếu vitamin A vẫn còn là vấn đề của nhiều quốc gia” đó là khuyến cáo của các tổ chức thuộc liên hợp quốc UNICEF và FAO. Chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao thế nhưng trẻ em vẫn bị thiếu hụt các yếu tố vi lượng như vitamin nhóm B, vitamin D, sắt kẽm và iot. Thật kinh ngạc không chỉ có vậy! Thiếu vitamin A vẫn còn là nguyên nhân gây chết, gây mù lòa ở nhiều nơi trên thế giới. Với Việt Nam, việc xuất hiện khô mắt rải rác trên bệnh nhi bị sởi trong thời gian vừa qua cũng là minh họa xác đáng cho thực tế trên. Vẫn còn hơn 40 quốc gia có tỷ lệ chết của trẻ dưới 5 tuổi > 50 trẻ/1000 trẻ mới sinh, được cho là do suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trong đó, ở các nước cận hoang mạc Sahara của châu Phi và và một số nước Nam Á tình trạng trên được coi là khá phổ biến.

Thực tế là suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A nhiều khi không hiển hiện một cách rõ ràng. Chúng ta có thể nói một câu lạc quan “ có ai thiếu ăn đâu” thế nhưng vẫn có những sai lầm trong nhận thức của các bậc phụ huynh:

  • Dinh dưỡng tăng cường miễn dịch, phòng dịch sởi ảnh 1  
    Những thức ăn giầu vitamin A không phải lúc nào cũng sẵn có ở mọi nơi, mọi lúc.
  • Nếu chúng sẵn có thì cha mẹ chắc gì đã cung cấp đủ lượng cần thiết cho trẻ, chế biến chưa chắc đã đúng cách để trẻ có thể hấp thu dễ dàng hoặc trẻ chê không ăn những thức ăn này.
  • Có những lúc phải dùng vitamin A bổ sung, chẳng hạn khi trẻ bị một số bệnh lý nhiễm trùng và ỉa chảy, nhưng chúng ta đã quên điều này.

Bệnh lý đường ruột, ỉa chảy, nhiễm giun làm giảm hấp thu vitamin A qua đường ăn uống. Các bệnh lý nhiễm trùng, sốt làm tăng nhu cầu xử dụng vitamin A. Ỉa chảy mãn tính, trẻ bị mắc sởi làm giảm lượng retinol( tiền chất của vitamin A) qua phân, nước tiểu.

Với bệnh nhi bị sởi, đặc biệt là thể nặng khi xét nghiệm huyết thanh người ta đều thấy nồng độ retinol( dạng động vật của vitamin A) giảm. Một loạt lý do được đưa ra theo nghiên cứu của Clive E.West là:

  • Trẻ bị sởi thường sốt rất cao trong những ngày đầu làm suy giảm tổng hợp các protein có trọng lượng phân tử thấp tại gan, cũng là các protein vận chuyển vitamin A ( retinol- binding protein), do vậy lượng retinol cũng giảm tương ứng
  • Các nốt sởi tại niêm mạc ruột thường gây ỉa chảy cho bệnh nhi bị sởi, điều này vừa làm thất thoát retinol qua phân vừa gây khó khăn cho hấp thu retinol qua đường ăn uống
  • Viêm long niêm mạc đường hô hấp, viêm kết mạc( niêm mạc của mắt) những tổn thương chính trong bệnh sởi, đều cần tiêu hao một lượng lớn retinol để hồi phục lại tính tòan vẹn của hệ thống niêm mạc

Đối với chuyên khoa mắt thì khô mắt trên bệnh nhân sởi, hâu quả của thiếu vitamin A cấp tính do những lý do đã nêu rất có thể xảy ra. Phát hiện sớm biến chứng này, ngoài vấn đề về cơ địa, tiền sử bệnh thì những dấu hiệu quan trọng để phát hiện trên lâm sàng thiếu vitamin A theo tiểu chuẩn của WHO là:

  • Nhìn mờ ban đêm( quáng gà)- XN
  • Khô kết mạc-X1A
  • Vệt Bitot-X1B
  • Khô giác mạc-X2
  • Loét giác mạc nhỏ hơn 1/3 diện tích giác mạc- X3A
  • Loét giác mạc lớn hơn 1/3 giác mạc kèm theo nhuyễn giác mạc- X3B
  • Sẹo giác mạc- XS
  •  

Cần lưu ý là với trẻ em dấu hiệu quáng gà thường xuất hiện muộn, sau cả dấu hiệu vệt Bitot và lóet giác mạc. Có những dấu hiệu phản ánh quá trình thiếu vitamin A trường diễn, ngược lại có những dấu hiệu xuất hiện trong những trường hợp thiếu vitamin A cấp tính và nặng như dấu hiệu loét giác mạc chẳng hạn. Khi đã có những biểu hiện trên mắt thì tỷ lệ chết sẽ cao hơn hẳn so với trẻ khác. Nghiên cứu tại Indonesia cho thấy trẻ có dấu hiệu quáng gà có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần trẻ không có, còn với vệt Bitot thì cao hơn tới 9 lần so với trẻ ở nhóm chứng. Thiếu vitamin A mạn tính hay gặp ở trẻ từ 3-6 tuổi, do vậy cần có những can thiệp cộng đồng mạnh mẽ cho lứa tuổi này, lứa tuổi tiền học đường.

Với trẻ bị sởi hay ỉa chảy việc dùng các thực phẩm nhiều vitamin A có vẻ như không khả dĩ do trẻ đang sốt, ỉa chảy, không thể ăn uống một lượng thực phẩm lớn. Hơn nữa cũng nên tính đến việc cung cấp cho trẻ một lượng vitamin A cần và đủ để chống lại việc tiêu hao nó cũng như tăng nhu cầu sử dụng nhất thời. Thêm nữa các nghiên cứu tại châu Âu, Tanzania, Ấn độ đều cho thấy dùng vitamin A chủ động, liều đôi làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sởi đặc biệt là nhóm có viêm hô hấp nặng. Tựu trung thiếu vitamin A vừa là hậu quả của bệnh sởi và quay ngược lại làm các tổn thương của sởi thêm trầm trọng. Do vậy, WHO khuyến cáo nên dùng vitamin A có hệ thống với bệnh nhân sởi, nếu có biểu hiện khô mắt thì càng cấp thiết. Phác đồ dùng vitamin A đường uống được WHO đưa ra là:

Công việc của chuyên khoa mắt bao gồm: Vệ sinh mắt, chống nhiễm trùng cơ hội, chống loét giác mạc, hạn chế hình thành sẹo giác mạc, phòng teo nhãn cầu hay phình giãn nhãn cầu. Một số trường hợp phải chẩn đoán phân biệt loét giác mạc không phải do thiếu vitamin A. Tuy nhiên WHO khuyến cáo vẫn nên dùng vitamin A ngay cả trong những trường hợp nghi ngờ.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.