Chiều 2/12, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan đến việc lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng từ tiếp viên Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh quan điểm, phải xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm.
“Trách nhiệm đầu tiên là của chính cá nhân đó khi chưa tuân thủ đúng quy định. Quy định về quản lý phòng, chống dịch đã được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 ban hành cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế rất chặt chẽ. Đầu mối chính vẫn là các địa phương. Các cơ sở (cách ly - PV) cũng phải được sự chấp thuận của địa phương, kể cả trách nhiệm kiểm tra, giám sát”, ông Đông lý giải.
Ngoài yếu tố chủ quan khi xét nghiệm âm tính, theo ông Đông, có trách nhiệm của cơ quan chủ quản - Vietnam Airlines, đơn vị quản lý tiếp viên trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với địa phương.
“Vietnam Airlines đã có hành động ban đầu, đình chỉ người quản lý trực tiếp tiếp viên đó để kiểm điểm. Việc kiểm điểm thế nào sẽ có báo cáo cụ thể và công khai với công luận. Chúng tôi đánh giá đây là việc rất nghiêm trọng, tác động đến cộng đồng, tác động đến việc phòng, chống dịch. Trách nhiệm hành chính thế nào sẽ có cơ quan chức năng làm rõ”, ông Đông nêu.
Thứ trưởng Đông cũng cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ trong công tác vận tải công cộng, yêu cầu tổ tiếp viên, tổ lái…những người có khả năng lây nhiễm cao phải tuân thủ việc cách ly.
Cũng liên quan đến ca lây nhiễm của tiếp viên Vietnam Airlines, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin, hiện nay đang tiếp tục mở rộng với 1.392 đối tượng F2 và hơn 1 nghìn mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả.
“Tin vui là hôm nay không có ca nhiễm trong cộng đồng. Với bài học kinh nghiệm tích lũy được từ hai đợt dịch tháng 3 và tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đang phối hợp với các ngành đưa ra biện pháp rất quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tinh thần là khẩn trương, thần tốc điều tra, truy vết F1, F2, không để lây nhiễm sang người thứ 3”, ông Cường cho hay. Theo tính toán của Bộ Y tế, từ ngày 30/11 đến nay có 2 chu kỳ, nếu chậm hơn nữa sẽ sang chu kỳ thứ 3. “Chúng ta đang quyết tâm không để sang chu kỳ này”, ông Cường nhấn mạnh.
Về đề xuất giãn cách của TPHCM, ông Cường cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo những khu vực có nguy cơ cao xem xét giãn cách. Còn khu vực khác vẫn hoạt động bình thường trên tinh thần “không hoang mang, nhưng không chủ quan, lơ là” .
Ưu tiên người già, trẻ em về nước
Thông tin tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề người dân quan tâm nhất là ca mắc COVID-19 ở TPHCM vừa qua. Thủ tướng luôn quán triệt tinh thần “không để mất bò mới lo làm chuồng”. Tuy nhiên sau 90 ngày, Việt Nam lại xuất hiện ca nhiễm mới nên vấn đề này càng được đặc biệt quan tâm.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc đưa người Việt Nam tại nước ngoài về nước khi có lệnh tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiếp tục nhấn mạnh việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Qua đó vẫn cho phép các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao cùng người nhà được nhập cảnh Việt Nam. Theo ông Dũng, hiện nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài về rất lớn, trong khi đó khả năng cách ly, xử lý ở trong nước lại mức độ.
Khi xảy ra lây lan trong cộng đồng ở TPHCM, ông Dũng lưu ý, trước hết các chuyến bay thương mại vào Việt Nam phải được kiểm soát và rất hạn chế cho cách ly tại Hà Nội, vì tới đây trên địa bàn Thủ đô có nhiều sự kiện lớn. Qua đó việc cách ly sẽ được ưu tiên tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Khánh Hòa… Trong đó đối tượng người già, trẻ em, người ốm yếu sẽ được ưu tiên về trước và cách ly trong nước theo quy định. Về địa điểm cách ly, sẽ ưu tiên cách ly tại các cơ sở lưu trú, doanh trại quân đội và có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực hiện “mục tiêu kép” trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn, trong đó, TPHCM cơ bản vẫn hoạt động kinh tế-xã hội như bình thường.