Đình chỉ kinh doanh một công ty liên quan đường dây xăng giả

0:00 / 0:00
0:00
Một cây xăng của Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm
Một cây xăng của Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm
TPO - Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, đã ra quyết định đình chỉ kinh doanh với Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (Công ty Phúc Lâm) sau khi Tổng giám đốc công ty này là Trần Huy Lập bị bắt ngày 7/4 do liên quan đến đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng dầu do Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ cầm đầu.

Được biết, Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm là một trong 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được cấp phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu khi việc cấp phép ‘tăng đột biến’ ở Bộ Công Thương giai đoạn 2018-2020. Công ty này có 11 cửa hàng bán lẻ, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước khi trở thành doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, Công ty Phúc Lâm kinh doanh chính là vận tải với vốn điều lệ ban đầu chỉ 1,8 tỷ đồng. Số liệu kinh doanh cho thấy, năm 2016, công ty thu gần 590 tỷ đồng và lỗ 31 triệu đồng. Doanh thu năm 2017 của công ty tăng gấp đôi nhưng vẫn bị lỗ khoảng 500 triệu đồng.

Đến năm 2019, Phúc Lâm bất ngờ lọt top doanh nghiệp có doanh thu hơn một nghìn tỷ đồng cùng với 22 doanh nghiệp khác (năm 2019 doanh thu thuần của Phúc Lâm tới 2.260 tỷ đồng).

Trong số các doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ có những cái tên khá nổi tiếng như: Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch xuyên Việt Oil; Công ty CP Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt; Công ty CP Xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô; Công ty CP Đầu tư Nam Phúc; Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S…

Theo Bộ Công Thương, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Công thương các địa phương hậu kiểm việc kinh doanh của các đầu mối và sẽ rút giấy phép, đình chỉ hoạt động nếu phát hiện vi phạm.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã rút giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động với 3 doanh nghiệp khác do những sai phạm liên quan tới kinh doanh xăng dầu. Các đơn vị bị rút giấy phép là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty cổ phần thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt. Một doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động là Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam. Hầu hết những doanh nghiệp bị xử lý, rút giấy phép nói trên đều mới được cấp phép trong vòng 3 năm trở lại đây.

Cũng theo thông tin của Tiền Phong, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra và dự kiến sẽ có thêm các doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép do liên quan đến hoạt động buôn bán hóa đơn, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu.

Trao đổi với Tiền Phong gần đây, một chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng, việc Bộ Công Thương cấp phép ồ ạt trong thời gian ngắn đồng thời không có chế tài thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục là lỗ hổng rất lớn để một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trục lợi.

“Việc cấp phép dễ dàng, nể nang trong cấp phép cũng như trong thanh, kiểm tra là yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp chạy giấy phép kinh doanh xăng dầu để sau đó làm ăn bất chính”, vị này cho hay.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.