Một số loại thuốc thường được người dân chuẩn bị. Ảnh: Thái Hà |
TS. Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo (Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y) là một trong những người thành lập Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Ông cho biết, F0 tại Hà Nội chủ yếu là nhẹ, diễn biến chỉ như cảm cúm thông thường, không cần quá sốt sắng tìm mua thuốc hay tích trữ thuốc, sử dụng thuốc trôi nổi gắn mác “phòng chống, điều trị COVID-19” giá đến 20 triệu đồng một liệu trình vì đây là thuốc chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt.
“Tùy thuộc vào triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ có đề nghị riêng vì có loại thuốc chống chỉ định mà F0 không thể nắm được hết. Người dân tự ý mua, uống thuốc không theo hướng dẫn, khuyến cáo của bác sĩ sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng”, bác sĩ Tuấn nói.
Thuốc và thiết bị thiết yếu
Các bác sĩ trên Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà khuyên người dân cần dự phòng một số thuốc và trang bị vật tư để đảm bảo cách li và tự điều trị như: Thuốc hạ sốt (Efferalgan, Panadol…) thuốc chữa ho, tiêu chảy; nước súc miệng; cồn sát trùng; các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần); các loại thuốc xịt mũi; vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho; nước uống thông thường, nước bù điện giải. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi thậm chí là thở.
“Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài. Mặt khác, đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Đặc biệt, các triệu chứng của COVID-19 lại thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để chúng ta có thể dùng ngay”, bác sĩ Tuấn nói.
Ngoài ra, cần dự phòng các thiết bị cần thiết cho việc tự cách li, tự theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình như: Nhiệt kế; máy đo SpO2; que test nhanh, khẩu trang; găng tay y tế; các máy theo dõi bệnh nền.
Những lưu ý khi tự điều trị
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô xy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), nếu trẻ em nhiễm COVID-19, khi chưa có biểu hiện gì, chỉ cần theo dõi sức khỏe, ăn uống bổ sung và súc miệng bằng nước súc họng. Nếu trẻ có biểu hiện ho, sốt, hoặc khi có biểu hiện gì thì chỉ cần điều trị biểu hiện đó, như ho thì cho dùng thuốc điều trị ho; sốt cao trên 38,5 độ thì uống thuốc hạ sốt; trẻ béo phì có nguy cơ chuyển nặng cao hơn thì gia đình cần theo dõi và chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi điều trị. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bởi nếu sử dụng không đúng liều lượng có thể khiến bệnh không giảm mà còn nặng hơn.
“Với những bệnh nhân là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc. Đặc biệt với thuốc kháng virus Molnupiravir chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lí nền về gan, thận”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh. Ông cho biết, những nhóm thuốc không nên dự phòng, không nên tự điều trị gồm: kháng sinh, kháng viêm, kháng virus vì mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hóa và phù hợp với từng bệnh nhân.
Bác sĩ Tuấn thông tin, đã có F0 lạm dụng corticoid bị đau bụng, nổi mụn... Có người dùng bị đau dạ dày, viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,... bệnh nhân tiểu đường có thể tăng đường huyết. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, F0 tự dùng thuốc kháng viêm (chứa corticoid) sẽ làm giảm sức mạnh hệ thống miễn dịch, khiến virus phát triển mạnh hơn.
Trong 5 ngày đầu, nếu dùng cả corticoid và kháng virus thì thuốc kháng virus sẽ bị mất tác dụng, virus nhân lên nhiều hơn, người bệnh dễ diễn tiến nặng và có biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, kết hợp giữa thuốc kháng virus và thuốc kháng viêm là không đúng chỉ định y khoa, không được phép. Thuốc kháng đông cũng không có giá trị trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, do lúc này cơ thể chưa xuất hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến đông máu.
Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lí thoải mái...