Điều tra vụ doanh thu nghìn tỷ, lãi chỉ vài trăm triệu

Công nhân thu gom mủ cao su Ảnh minh họa của vũ long
Công nhân thu gom mủ cao su Ảnh minh họa của vũ long
TP - Kiểm toán Nhà nước vừa chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Bình Phước để điều tra về dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn trái phép của 2 doanh nghiệp chuyên kinh doanh mua bán cao su, mủ cao su ở tỉnh này.

Vốn ít, doanh thu “khủng”, lãi thấp

Hai công ty có dấu hiệu vi phạm là Cty TNHH MTV Cao su Bảo Long (Cty Bảo Long, trụ sở tại xã Minh Long, huyện Chơn Thành, Bình Phước) và Cty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (Cty Thành Phước, trụ sở ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành).

Theo hồ sơ, Cty Bảo Long được thành lập ngày 10/3/2014 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là mua bán cao su, mủ cao su. Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế huyện Chơn Thành, KTNN phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Cụ thể, công ty có vốn điều lệ và nợ vay thấp nhưng doanh thu rất lớn và tăng mạnh trong 2 năm 2018, 2019 (năm 2017 doanh thu chỉ có 182 tỷ đồng, sang năm 2018 lên 1.668 tỷ đồng, năm 2019 doanh thu là 2.447 tỷ đồng). Đáng chú ý, dù doanh thu lớn nhưng lợi nhuận của Bảo Long lại rất thấp hoặc lỗ (lợi nhuận năm 2018 là 5,8 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 156 triệu đồng). Khi mua bán mủ cao su, DN này thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng nhưng đa số được rút ngay bằng tiền mặt trong ngày.

Cũng theo KTNN, trong 2 năm 2018 và 2019, Bảo Long mua bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su nhưng công ty lại không có kho hàng, phương tiện vận chuyển. Hàng hóa chủ yếu được ký gửi và thuê kho nhưng chi phí ký gửi, thuê kho hàng tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế, KTNN phát hiện Cty Bảo Long đã kê khai hóa đơn đầu vào của 4 công ty đã tạm dừng kinh doanh, 3 công ty không kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và 1 công ty đã bị thu hồi giấy phép hoạt động. “Có khả năng Bảo Long đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN)”, KTNN thông tin.

KTNN cho hay, năm 2019, Cty Bảo Long ký hợp đồng mua mủ cao su của Cty Thành Minh Khang (địa chỉ ở Mỹ Tho, Tiền Giang) với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng, tương ứng 25.000 tấn mủ cao su. Sau đó Cty Bảo Long bán lại cho Cty TNHH Vạn Lợi với địa chỉ giao hàng tại cảng Cát Lái, TPHCM. KTNN nhận thấy, hợp đồng giữa Cty Bảo Long và  Cty Thành Minh Khang quy định địa chỉ giao hàng tại kho của Cty Bảo Long ở Phú Giáo (Bình Dương), trong khi theo sổ sách thì  Cty Bảo Long không có kho hàng ở đây.

Như vậy khoảng 25.000 tấn mủ cao su được vận chuyển từ TPHCM lên Phú Giáo (Bình Dương), sau đó lại chuyển xuống cảng Cát Lái (TPHCM). Theo hợp đồng mua bán giữa 2 bên thì chi phí bốc xếp hàng mỗi bên chịu một đầu, nhưng sổ sách phía KTNN tiếp cận được cho thấy Cty Bảo Long không phát sinh chi phí bốc xếp với lượng hàng hóa này. Do đó, KTNN cho rằng, có khả năng việc mua bán cao su theo các hợp đồng nêu trên là giả. Và, Cty Bảo Long sử dụng các hóa đơn mua hàng của Cty Thành Minh Khang để khấu trừ thuế GTGT đầu vào, hạch toán vào chi phí chịu thuế TNDN.

Cũng theo KTNN, năm 2019 Cty Bảo Long kê khai xuất bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su với doanh số 2.153 tỷ đồng cho Cty TNHH Vạn Lợi nhưng không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe mà xuất chung theo giá trị của từng hợp đồng mua bán với giá trị rất lớn. Các xe khi xuất hàng không có phiếu cân hoặc phiếu xuất kho để xác định trọng lượng hàng hóa của từng chuyến xe. “Không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng. Trọng lượng hàng hóa trên các hóa đơn luôn là số chẵn theo đơn vị chục, trăm tấn là không phù hợp với thông lệ vận chuyển, kinh doanh mặt hàng mủ cao su. Đây là bằng chứng cho thấy việc mua bán cao su nhiều khả năng không có thật”, KTNN cho hay.

Qua xác minh hóa đơn mua hàng của Cty Bảo Long, Cục Thuế tỉnh Bình Phước phát hiện Cty Bảo Long mua hơn 710 triệu đồng mủ cao su của 2 công ty mới thành lập năm 2018 nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Ngoài ra, KTNN cũng nhận thấy, hóa đơn của một số công ty đã bán hàng cho Cty Bảo Long với doanh số lớn chưa được cục thuế tỉnh này xác minh hoặc gửi xác minh nhưng chưa được trả lời.

 Kiểm soát liên tục

Với trường hợp Cty Thành Phước, đoàn kiểm tra của KTNN phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm tương tự trường hợp Cty Bảo Long. Cụ thể, công ty này có vốn điều lệ nhỏ nhưng doanh thu lớn và tăng mạnh trong 2 năm 2018, 2019 (quý IV 2018 doanh thu đạt 359 tỷ đồng, năm 2019 đạt 2.015 tỷ đồng). Dù doanh thu lớn như vậy nhưng Thành Phước khai báo lợi nhuận rất thấp hoặc lỗ (năm 2019 chỉ lãi 219 triệu đồng).

Tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế, KTNN nhận thấy, năm 2019 Cty Thành Phước mua hàng của 2 công ty đã tạm dừng kinh doanh, 1 công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. “Có khả năng Thành Phước đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp”, KTNN nhận định. Theo KTNN, Cty Thành Phước cũng có một số dấu hiệu tương tự  Cty Bảo Long, cho thấy việc mua bán cao su nhiều khả năng không có thật.

Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, để ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn trái phép, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định này để áp dụng với tất cả tổ chức, cá nhân.

“Khi sử dụng hóa đơn điện tử, thông tin về hóa đơn của DN được tập trung tại cơ quan thuế một cách liên tục, cơ quan thuế có ngay thông tin về doanh thu, chi phí hằng ngày của DN. Nhờ đó có thể kịp thời phát hiện những bất thường khi DN xuất hóa đơn. Đây là biện pháp góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước, hạn chế việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp”, đại diện Tổng cục Thuế nói.

Tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế, KTNN phát hiện Cty Bảo Long đã kê khai hóa đơn đầu vào của 4 công ty đã tạm dừng kinh doanh, 3 công ty không kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và 1 công ty đã bị thu hồi giấy phép hoạt động. “Có khả năng Bảo Long đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng  và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp  phải nộp ngân sách nhà nước ”, KTNN thông tin.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.