Lâm Đồng:

Điều tra vụ công ty “ma” lừa đảo người lao động

3 lao động đến từ Quảng Trị trình báo bị lừa đảo.
3 lao động đến từ Quảng Trị trình báo bị lừa đảo.
TPO - Sở LĐ-TBXH và Công an Lâm Đồng đã tập hợp được 3 người còn lại trong số 4 người mà thân nhân của họ trình báo bị mất liên lạc. Bước đầu xác định nhóm thanh niên này bị “cò” lừa đảo chứ không bị đánh đập, giam giữ và mất tích như các thông tin lan truyền trên mạng gây hoang mang dư luận. 

Ngày 28/7, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết bước đầu có thể nhận định các thanh niên này không có kỹ năng kiểm chứng thông tin tuyển dụng nên bị “cò” Tuấn lừa. Công an Lâm Đồng đang phối hợp điều tra xác định danh tính “cò” Tuấn và làm rõ mối quan hệ của Tuấn với Công ty Tâm Đức Lộc (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) trong việc tuyển dụng và môi giới lao động, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Mặt khác, Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Lạt đang phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng điều tra làm rõ công ty “ma” lấy địa chỉ số 4, Trần Hưng Đạo, Đà Lạt (địa chỉ trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng) để lừa đảo người lao động.

Hôm trước (27/7), Sở LĐ-TBXH và Công an Lâm Đồng đã đưa nhóm thanh niên đến làm việc với Cty Tâm Đức Lộc và ông Dương Huy Vũ (người sử dụng lao động) để làm rõ những vấn đề liên quan. Sau đó, các cơ quan này đã trực tiếp liên lạc với nhà xe đi tuyến Lâm Đồng- Quảng Trị để đưa Đạt, Tú và Cường về lại địa phương.

Như Tiền Phong đã thông tin, nhóm thanh niên gồm Hồ Xuân Cường, Võ Thanh Tú, Hồ Quang Đạt và Phạm Bá Hợp (cùng trú tại Quảng Trị) đọc được thông tin trên tờ rơi tuyển lao động của Cty CP Hoa Việt với nội dung tuyển nhân viên làm vườn, chăm sóc hoa với mức lương 6 triệu đồng, bao ăn ở và có xe đón miễn phí.

Họ đã gọi vào số điện thoại 0987193884 ghi trên tờ rơi. Người bắt điện thoại xưng tên là Tuấn hướng dẫn 4 thanh niên lên ô tô do anh ta chỉ định để vào Lâm Đồng. Ngày 23/7, họ được chở tới Cty Tâm Đức Lộc. Tại đây, 4 người nhận ra đã bị lừa vì mức lương chỉ từ 2,5 - 3 triệu đồng tháng. Khi họ từ chối ký hợp đồng thì bị buộc phải trả 1,7 triệu đồng (1,2 triệu đồng tiền môi giới và 500 ngàn tiền xe). Vì không đủ tiền nên họ phải ở lại làm việc.

Tuy đã bị thu điện thoại và giấy tờ nhưng Hợp mượn được điện thoại của người khác gọi về nhà xin tiền chuộc. Sau khi nộp đủ 2,6 triệu đồng cho người sử dụng lao động, Hợp bắt xe về quê rồi đến cơ quan công an trình báo. Đạt và Tú làm việc cho ông Vũ ở thôn 4, xã Tà Tung, Đà Lạt. Thấy điều kiện ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo, công việc lại nặng nhọc nên muốn thôi hợp đồng. 

Ông Vũ nói đã trả 2,4 triệu đồng/người cho công ty giới thiệu việc làm nên nếu muốn về nhà phải hoàn lại khoản tiền này cho ông. Do hành lý và điện thoại đã bị ông Vũ thu giữ nên sáng 26/7, Đạt và Tú bỏ trốn, bán chiếc lắc bạc để vào tiệm internet liên lạc với gia đình, sau đó đến cơ quan công an và Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng trình báo bị lừa đảo.  

MỚI - NÓNG