Điêu khắc trên xốp – bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Điêu khắc trên xốp không chỉ là cắt gọt đơn giản mà là cả một phân ngành nghệ thuật phức tạp, điêu luyện. Tác phẩm từ xốp không chỉ là “hàng dùng một lần” mà còn có những tác phẩm giá trị, tuổi thọ kéo dài cả thế kỷ…

Xu thế vật liệu mới

Dưới cái nóng oi bức của mùa hè, không khí tại xưởng điêu khắc xốp rộng tới 600m2 nằm ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội càng “nóng” hơn. Gần hai mươi nghệ sĩ đang có mặt tại xưởng, ai cũng khẩn trương. Người vẽ, người gọt, người chà, nhám, sơn và phủ công trình để hoàn thiện hai tác phẩm hình con công cao hơn 3 mét để kịp tiến độ giao cho khách.

Tiếp chúng tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc ngắn nhuộm màu khói, mặc bộ quần áo màu xanh quân đội. Đó là chị Cao Thị Thanh Thà, chủ của xưởng điêu khắc này. Tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Mỹ thuật công nghiệp và theo nghề điêu khắc từ năm 2007, chị Thà đã có cơ hội trải nghiệm nhiều vật liệu như đồng, đá, gốm, gỗ, composite, thạch cao, đất sét và gần đây nhất là xốp.

Điêu khắc trên xốp – bảo vệ môi trường ảnh 1

Các nghệ nhân đang điêu khắc thủy cung hình rùa

Chị kể, vào năm 2014, trong một lần gặp người bạn cũ, chị được nghe về điêu khắc trên vật liệu xốp đang thịnh hành ở nước ngoài. Máu nghề, chị tìm hiểu ngay về các loại xốp và cách thực hành. Cơ duyên đã khiến chị gắn bó với vật liệu này từ đó cho đến nay.

Theo chị Thà, trong điêu khắc, xốp là vật liệu hiện đại có ưu điểm về thời gian thi công nhanh, nhẹ, bền, giá thành rẻ hơn các vật liệu khác, nguồn cung vật liệu và vận chuyển dễ dàng. Do đó, những sản phẩm được làm từ xốp là một xu hướng mới được sử dụng nhiều trong các sự kiện, trang trí điểm nhấn trong trung tâm thương mại... Xốp còn được dùng cho những công trình nghệ thuật rất lớn, lên đến hàng chục nghìn mét khối.

Như để chứng minh, chị mở điện thoại và đưa chúng tôi xem một đại công trình. Đó là một công trình điêu khắc tạo hình vỏ ngoài của thủy cung hình Rùa lớn nhất thế giới tại Phú Quốc. Vỏ ngoài của chú Rùa đó được làm từ Foam (bọt xốp).

Điêu khắc trên xốp – bảo vệ môi trường ảnh 2

Chị Thà đang sáng tác trên chất liệu xốp

Nét mặt tự hào, chị nhớ lại: “Công trình tại thời điểm đó là một cơ hội tốt để anh chị em và các nghệ sĩ trong công ty được cơ hội thử sức. Ban đầu, từ bản thiết kế được phê duyệt, xưởng cần phải làm mô hình với tỉ lệ 1/50 trước khi thực hiện trên thực tế. Khâu duyệt mô hình đã xong, chúng tôi phun Foam lên bề mặt kiến trúc toà nhà phác thảo hình rùa tỉ lệ 1/1. Đợi thời gian giãn nở của vật liệu đạt tiêu chuẩn và đủ độ dầy theo quy định, các nhà điêu khắc bắt đầu phác các chi tiết trên diện rộng và sử dụng các máy cầm tay để khắc, mài các chi tiết theo đúng thiết kế. Sau khi bề mặt đạt yêu cầu, nhóm phun một lớp phủ để bảo vệ. Cuối cùng, là công đoạn sơn các lớp màu mỹ thuật”.

Những đại công trình như thế có tuổi thọ tính tới hàng chục năm, thậm chí hơn rất nhiều. “Có những công trình sử dụng lâu dài. Nhưng có những buổi sự kiện, hoặc dịp lễ… tác phẩm chỉ để sử dụng một vài ngày”, chị Thà cho biết.

Quan tâm đến môi trường trong sạch

Theo chị lên phòng trưng bày của xưởng, chúng tôi bị thu hút bởi hai tác phẩm. Một trong hai tác phẩm được thiết kế thành các hình khối chuyển động, nối tiếp nhau như những lớp rong biển đu đưa theo nhịp các con sóng.

Điêu khắc trên xốp – bảo vệ môi trường ảnh 3

Xưởng điêu khắc xốp của chị Thà

Thấy chúng tôi ngắm nghía tác phẩm, chị Thà giới thiệu: “Tác phẩm có tên Hoa của biển”. Nó được lấy cảm hứng từ chuyến đi đảo Điệp Sơn. Thời gian ở đảo, tôi thấy những cây rong dài cả mét cứ nhún nhảy múa theo nhịp sóng nước. Bên cạnh đó là rất nhiều các mảnh phao xốp bị vỡ dạt vào đảo. Một bên là cảnh đẹp của thiên nhiên, bên còn lại là những rác thải do chính con người xả thải. Điều đó thôi thúc tôi phải làm một tác phẩm để diễn tả sự đối lập đó”, chị Thà nói.

Tiếp đó, chị giới thiệu về tác phẩm bên cạnh: “Đây là tác phẩm Vũ điệu của biển, đều nằm trong chuỗi sáng tác về chủ đề biển đảo”. Chị đưa chúng tôi xem video trên màn hình điện thoại về quá trình tác tạo. Từ những đường nét được phác thảo trên xốp, chị dùng dao gọt những vết sắc lẻm để tạo các hình chuyển động, bên trên chị Thà dùng máy khò nhiệt, những mảng xốp nóng chảy thành hai phần đen trắng bám vào nhau tạo một tổng thể hài hòa.

Tuy nhiên, điều khiến chị tâm đắc ở bộ tác phẩm này không chỉ là cách chế tác, mà còn đến từ nguồn nguyên liệu. Tác phẩm Vũ điệu của biển được tái sử dụng từ xốp phế phẩm nổi trôi trên biển, được chị gom lại trong lần đi ra đảo. Tác phẩm Vũ điệu của biển được chị gửi mẫu để chuyển thể chất liệu tham gia trưng bày tại trại sáng tác điêu khắc quốc tế sắp tới.

Chị Thà chia sẻ, những đại công trình không phải lúc nào cũng có. “Xưởng của chúng tôi cung cấp sản phẩm điêu khắc từ xốp đến nhiều điểm trên cả nước, như những khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, các sự kiện. Vào các dịp lễ lớn như 30/4, quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Noel…, nhiều đơn vị đặt hàng sản phẩm để tạo điểm nhấn trang trí, chụp ảnh nhưng thường chỉ sử dụng trong tháng, hoặc có thể chỉ vài ngày”.

Với những sản phẩm ngắn ngày, nếu không có quy trình xử lý triệt để, sẽ gây những rắc rối đến môi trường. Chị Thà cho rằng, chất liệu nào cũng có tính hai mặt của nó. Quan trọng là quy trình xử lý. Đối với đơn vị chị, những phần thừa được bỏ đi trong quá trình tạo sản phẩm, hoặc các tác phẩm được sử dụng ngắn ngày cho sự kiện, lễ hội, chị sẽ cho thu hồi và thuê đơn vị tái chế xử lý nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thêm nữa, chị Thà cũng có nhiều hoạt động cộng đồng biến những rác thải từ nhựa, phao xốp, túi nilong… thành các tác phẩm nghệ thuật. Nhiều tác phẩm nghệ thuật sáng tác từ rác thải được trưng bày ở đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), khu bảo tồn Hòn Cau (tỉnh Bình Thuận), Hòn Bảy Cạnh (thuộc Côn Đảo)... Chị cũng đang sáng tác một khối lượng tác phẩm rất lớn cho triển lãm cá nhân về chủ đề bảo vệ môi trường và biển đảo với mong muốn truyền tải thông điệp chung tay cùng bảo vệ môi trường.

Hầu hết các linh vật mèo được trưng bày tại nhiều thành phố lớn trong dịp Tết cổ truyền vừa qua có sử dụng vật liệu xốp. Qua khảo sát một số doanh nghiệp có mảng điêu khắc xốp cho thấy, sản phẩm điêu khắc bằng xốp khá đa dạng, phù hợp với nhiều thiết kế tạo hình từ nhỏ đến lớn ở các chủ đề khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ sản xuất bằng máy cắt CNC, máy cắt đa trục để tạo sản phẩm có sẵn mẫu thiết kế, tăng năng suất và giảm nhân công.

“Tùy vào yêu cầu của từng công trình, các đơn vị sẽ chọn loại xốp nào cho việc tạo hình. Xốp có nhiều loại, loại tỉ trọng cao hay thấp, loại đã đóng rắn hay thể lỏng và chờ phản ứng đóng rắn. Việc dùng loại nào phụ thuộc vào thiết kế tạo hình và yêu cầu của khách hàng cũng như quy mô của sản phẩm”, chị Thà chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.