Điều hành giá xăng dầu: 'Ngoài khó chịu, trong khóc thầm'

Điều hành giá xăng dầu: 'Ngoài khó chịu, trong khóc thầm'
TP - Theo đại diện các doanh nghiệp, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là minh bạch nhưng vì điều hành và thực hiện không đúng nên dẫn tới gây sốc cho thị trường. Việc này khiến người ngoài khó chịu, còn người trong khóc thầm.

> Điều chỉnh quy định tăng giảm giá xăng dầu
> Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu

Gây khó doanh nghiệp?

Tại Hội thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu ngày 17/5, Tổng giám đốc Cty TNHH một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) Nguyễn Thế Dũng cho biết, cách điều hành thuế của Bộ Tài chính hiện nay quá đột ngột. Ông dẫn chứng, mới đây, khi điều chỉnh tăng thuế, đầu giờ chiều Bộ có văn bản điều chỉnh thuế nhưng lại áp dụng từ lúc 0 giờ ngày trước đó.

“Vô lý mà vẫn thực hiện. Thuế lúc lên lúc xuống, tàu bè về thất thường. Cách điều hành này của Bộ Tài chính không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông nói. Theo ông Dũng, vì kiểu điều hành giật cục, gây sốc cho thị trường của Bộ Tài chính nên gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, bình quân cứ 3 năm chúng ta lại sửa đổi Nghị định xăng dầu. Nếu chúng ta sửa đổi mà không thực hiện theo đúng quy định thì lại phải tiếp tục sửa đổi. Như nếu thực hiện Điều 27 lại trái với Điều 26, ông Bảo cho biết.

Cũng vì thực hiện điều hành không đúng nên khiến người tiêu dùng và xã hội không thể hiểu được về kinh doanh xăng dầu. Vì thế, lúc giá thế giới xuống chúng ta lên, lúc giá lên vừa vừa thì lại điều chỉnh lên rất cao, khi xuống lại xuống nhỏ giọt.

“Kiểu điều hành này nếu ai không phải trong nghề xăng dầu thì không thể hiểu được. Bản chất Nghị định 84 là rất minh bạch, chỉ cần vận hành đúng”, ông nói.

Theo các doanh nghiệp, cách điều hành giá xăng dầu hiện nay khiến nhiều người dân không hiểu được cách tính giá. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo các doanh nghiệp, cách điều hành giá xăng dầu hiện nay khiến nhiều người dân không hiểu được cách tính giá.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Việc quản lý, trích lập quỹ bình ổn thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý, việc sử dụng quỹ không minh bạch, không đúng thời điểm, quá lạm dụng quỹ bình ổn để điều tiết giá bán lẻ đã gây ra những cú sốc không cần thiết, gây bức xúc trong xã hội.

Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, Bộ Tài chính cũng không thực hiện đầy đủ thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp được quy định.

“Tôi khảo sát thấy, từ ngày 9/8/2010 đến nay, giá bán trong nước đều do Bộ Tài chính quy định”, ông Ruệ nói.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Võ Văn Quyền cũng cho rằng việc điều hành giá chưa được công khai, minh bạch nên dư luận xã hội bất bình.

Đúng ra phải công khai giá cơ sở hằng ngày, thậm chí hằng quý phải công khai việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn. Như hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu đúng là người ngoài khó chịu người trong khóc thầm.

Có thể bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu

Với ba phương án giá do Bộ Công Thương đề xuất, đa số các chuyên gia đồng thuận với phương án một. Theo ông Ruệ, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3%, doanh nghiệp được tự điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng, thay vì 5% như dự thảo Bộ Công Thương quy định.

Khi giá cơ sở tăng 3-7%, doanh nghiệp được tăng 3% cộng thêm 60% mức tăng giá trên 3-7%, 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn. Giá cơ sở tăng trên 7% thì Nhà nước sử dụng các biện pháp bình ổn thông qua Quỹ Bình ổn và thuế.

Cũng theo ông Ruệ, hiện có thể bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu, bởi khi doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán xăng dầu thì Quỹ Bình ổn không cần thiết. Ngoài ra, nguồn dự trữ lưu thông xăng dầu 30 ngày nếu được sử dụng hiệu quả cũng là biện pháp tốt để bình ổn.

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, doanh nghiệp chỉ nên được phép tự điều chỉnh trong phạm vi tối đa 3%, thay vì 5% như dự thảo của Bộ Công Thương.

“Mức 5% tương đương với 1.000 đồng là con số tương đối lớn. Doanh nghiệp chỉ nên được điều chỉnh trong phạm vi từ 400-600 đồng/lít là hợp lý. Nếu Quỹ Bình ổn xăng dầu tiếp tục được Bộ Công Thương sử dụng, có thể đổi tên là Quỹ Dự trữ tài chính. Theo đó, doanh nghiệp trích từ 0,5% doanh số hoặc từ một phần lợi nhuận trước thuế để lập quỹ và do doanh nghiệp tự quản lý”, ông Bảo đề xuất.

Vẫn mệnh lệnh, thiếu tính thị trường

TS Nguyễn Minh Phong cho biết, cơ chế điều hành hiện nay có thể dẫn đến sự lạm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, dựa vào cơ chế điều hành bằng mệnh lệnh hành chính xin, cho cả về thời điểm cũng như mức trích lập và sử dụng quỹ. Minh bạch ở thị trường xăng dầu không chỉ là thông tin về cách tính giá, điều hành giá, các quy định về những yếu tố cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... như cách nói của cơ quan điều hành giá xăng dầu, mà còn cần phải công khai giá mua theo hợp đồng gốc, minh bạch lỗ lãi của doanh nghiệp theo thực tế kinh doanh chứ không phải theo giá giao dịch trên thị trường thế giới.

Trên thực tế, hiện nay chỉ một số ít người trong ngành xăng dầu nắm được giá xăng dầu thành phẩm vì đây là thông tin phải mua với giá rất cao. Nếu chỉ có một loại sở hữu nhà nước và không có cạnh tranh với các mức giá khác nhau thì không thể gọi là thị trường đầy đủ và đúng nghĩa.

Do đó, sửa nghị định 84 theo hướng lâu dài cần phải tăng tính cạnh tranh. Một điểm bất hợp lý nữa trong điều hành giá xăng dầu hiện nay là nghị định 84 chưa có quy định cụ thể nào tạo sức ép buộc doanh nghiệp giảm giá khi giá thế giới giảm.

Còn giá bán ra là giá cơ sở cộng với tất cả những khoản thuế, phí, lợi nhuận định mức doanh nghiệp do Bộ Tài chính quy định. Khi đó, sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp than phải bán dưới giá cơ sở, luôn kêu lỗ. Đồng thời tính thị trường trong kinh doanh xăng dầu cũng sẽ tăng lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG