Điều gì xảy ra nếu Việt Nam không sử dụng vắc xin Quinvaxem?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Câu chuyện nhắm vào vắc xin Quinvaxem gần đây trở nên nóng hơn và dữ dội hơn sau những tin đồn nghi ngờ về chất lượng của loại vắc xin này.

Từ bài toán về tâm lý tội phạm

Bài toán này được nhắc đến trong các bài giảng về tâm lý tội phạm như sau: một đoàn tàu mất phanh lao đến gần nơi có 9 đứa trẻ đang chơi, nếu người lái tàu chuyển sang đường ray bên cạnh thì cứu được 9 đứa trẻ này, nhưng sẽ giết chết 1 đứa trẻ đang chơi ở đó.

Nếu là người lái tàu, bạn phải lựa chọn, thì bạn chọn cái chết của 9 đứa trẻ hay của 1 đứa trẻ? Đương nhiên tất cả chúng ta không ai mong muốn điều này xảy ra, và con số dù là 9 hay 1 thì đều rất thương tâm.

Vậy lựa chọn của chúng ta là gì nếu như con số không phải là 9 và 1, mà là 9.000 trẻ và 1 trẻ? Phải chăng chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi lựa chọn bẻ lái đoàn tàu?

Rất tiếc, dù là 1 trẻ so với bao nhiêu đi chăng nữa, thì trong tâm lý tội phạm, người lái tàu sẽ phạm tội “cố ý giết người” khi bẻ lái sang đứa trẻ ấy.

Nhưng làm sao có thể làm ngơ khi thấy cái chết của 9.000 đứa trẻ đang ở ngay trước mắt???

Thế giới thay đổi ra sao khi có vắc xin?

Khi chưa có vắc xin sởi thì hầu như mọi người dân Mỹ đều bị mắc bệnh, và hàng trăm người chết vì sởi mỗi năm. Khi có vắc xin sởi, nhiều bác sỹ Mỹ ngày nay chưa từng chứng kiến một ca bệnh sởi nào.

Năm 1921 có khoảng 15.000 người Mỹ chết vì bệnh bạch hầu, năm 2004 chỉ có duy nhất 1 ca.

Năm 1964-65, có khoảng 12.5 triệu người Mỹ bị nhiễm rubella, 2000 đứa trẻ bị tử vong, 11.000 trường hợp sẩy thai. Năm 2012, có 9 trường hợp.

Rõ ràng thế giới đã tốt lên khi có vắc xin.

Bài toán đảo nghịch

Chúng ta sẽ quyết định ra sao nếu như bài toán được đảo lại: đoàn tàu nếu đi đúng hướng sẽ đâm phải một đứa trẻ, trong khi nếu chuyển hướng sẽ đâm phải 9.000 đứa trẻ? Lúc này, tâm lý của chúng ta chắc chắn là không muốn bẻ lái, hay nói cách khác, chúng ta không thể dừng việc tiêm vắc xin được. Nếu dừng lại thì chắc chắn 9.000 đứa trẻ sẽ chết, tức là tương lai của con cháu chúng ta sẽ không còn. Vấn đề còn lại phải giải quyết được đó là: làm thế nào để cứu 1 đứa trẻ đang chơi ở đường ray?

Cá thể hóa điều trị

Bản chất của việc tiêm vắc xin là tạo ra “miễn dịch cộng đồng” chứ không dừng lại ở “miễn dịch cá thể”. Khi có “miễn dịch cộng đồng” thì mầm bệnh sẽ bị cô lập và dễ dàng khống chế. Ngược lại, nếu chỉ có một số ít trẻ có “miễn dịch cá thể” thì toàn bộ cộng đồng trẻ còn lại dễ dàng bị phơi nhiễm với mầm bệnh và dẫn đến các đại dịch đã từng xuất hiện trong lịch sử.

Bản chất của việc “cứu đứa trẻ còn lại” nằm ở chỗ: đừng tạo cơ hội cho nó ra chơi nghịch ở đường ray khi đoàn tàu đi qua. Việc tiêm vắc xin ở cộng đồng đã giúp cho 9.000 đứa trẻ được đặt ở con đường an toàn, trong khi dịch bệnh với bản chất tự nhiên là “thèm khát được tồn tại” sẽ tìm đến các cá thể có miễn dịch yếu để tấn công. Những cá thể đó có thể đã mắc bệnh hiểm nghèo từ trước, hoặc được sinh ra với hệ thống miễn dịch yếu ớt và dễ bị tổn thương, hoặc mắc các bệnh gần đây khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Với trường hợp trẻ đã mắc bệnh hiểm nghèo từ trước, hoặc được sinh ra có hệ thống miễn dịch vốn đã yếu kém: những trẻ như vậy nguy cơ tử vong vốn đã cao hơn rất nhiều so với trẻ khỏe mạnh, và do vậy khó lòng có thể đảo ngược được kết cục cuối cùng, dù có tiêm vắc xin hay không. Cách duy nhất để duy trì sự sống cho những trẻ này là cách ly trẻ với tất cả các mầm bệnh: một điều kiện quá lý tưởng và chỉ có trong mơ.

Với trường hợp trẻ mắc các bệnh gần đây, việc tiêm thêm một liều vắc xin vào sẽ khiến cơ thể trẻ phải chống trọi với hai hoặc nhiều hơn hai “kẻ thù” một lúc, do đó có thể dẫn tới sập hoàn toàn hệ thống miễn dịch của trẻ rồi tử vong. Như vậy, cách tốt nhất để ngăn chặn tình huống này xảy ra là trẻ đi tiêm phòng phải được khám nhi khoa để xác nhận “đủ điều kiện sức khỏe cho tiêm chủng”.

Chúng ta cần hiểu nguồn gốc ra đời của Quinvaxem: khi các nước phát triển đã dập tắt được các dịch bệnh rồi, một ngày nọ họ lại thấy xuất hiện các ca bệnh như sởi, bạch hầu… Điểm thú vị là những ca bệnh này gặp ở các bệnh nhân nhập cư có nguồn gốc từ các nước đang phát triển. Hóa ra ở các nước này, họ không có đủ tiền để sử dụng vắc xin cho toàn dân. Quinvaxem ra đời với mong muốn: tạo ra một loại vắc xin chất lượng tốt, giá cả phù hợp với các nước đang phát triển.

Độ an toàn của Quinvaxem đã được chứng minh trong rất nhiều nghiên cứu, do vậy xét về mặt khoa học chúng ta có thể khẳng định: Quinvaxem an toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng thường tốt cho quần thể mà không tốt cho cá thể, bởi nó làm cho chúng ta lơ là khi đối mặt với từng đứa trẻ đến tiêm vắc xin. Quinvaxem an toàn với quần thể, nhưng không có nghĩa nó an toàn với mọi cá thể, đặc biệt là những cá thể nằm trong ba nhóm dễ tổn thương khi tiêm vắc xin như đã mô tả ở trên.

Với sứ mệnh giúp tạo miễn dịch quần thể của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, rõ ràng Quinvaxem rất quan trọng. Đặt ra giả thuyết tại Việt Nam có khoảng 20% dân số sẵn sàng chi trả tương đương với công dân ở các nước phát triển, như vậy nếu không có Quinvaxem thì chỉ có 20% dân số Việt Nam được tạo miễn dịch, số còn lại 80% không đủ tiền và do vậy không có miễn dịch. Với tỷ lệ miễn dịch cộng đồng chỉ là 20% thì có thể nói chúng ta không có miễn dịch cộng đồng, và như vậy dịch bệnh sẽ xảy ra, “đoàn tàu” sẽ gây ra cái chết của rất nhiều đứa trẻ.

Ngược lại, nhờ có Quinvaxem mà 80% dân số còn lại đã được tạo miễn dịch cá thể đóng góp vào hệ thống miễn dịch quần thể nhằm chống lại dịch bệnh. Những người nằm trong nhóm 20% có khả năng chi trả tốt thì hãy để họ tự do trong việc lựa chọn. Mục tiêu cuối cùng của cả cộng đồng chúng ta là: tất cả (100%) đều được tiêm phòng vắc xin để chống lại dịch bệnh.

Một lựa chọn khác là tiêm và sử dụng các mũi vắc xin lẻ thay vì sử dụng vắc xin tổng hợp 5 trong 1 (như Quinvaxem). Câu trả lời là lựa chọn vắc xin tổng hợp có lợi thế hơn trong việc tuân thủ lịch trình tiêm cũng như giảm được chi phí cho người dân.

Với tất cả những nội dung trên đây, hi vọng rằng chúng ta hiểu được toàn bộ câu chuyện và cùng chung sức tạo ra hệ thống phòng thủ chung cho cộng đồng, chống lại những dịch bệnh đáng sợ đã từng cướp đi rất nhiều sinh mạng trong quá khứ.

TS.BS. Thanh Huyền
Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG