Diều gặp gió

Diều gặp gió
TP - Kể từ sau khi vượt mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vai trò của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng.

Như cánh diều gặp gió, sự lớn mạnh của nền kinh tế đã hỗ trợ cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) gặt hái được khá nhiều thuận lợi.

Sau khi Nhật Bản và Trung Quốc chính thức khởi động phiên giao dịch trực tiếp giữa hai đồng tiền NDT và đồng Yên tại hai thị trường Tokyo và Thượng Hải vào ngày 1-6, mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức đề nghị đẩy nhanh tiến trình giao dịch trực tiếp giữa đồng NDT với đồng Ruble.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều động thái nhằm hiện thực giấc mơ quốc tế hóa đồng NDT. Các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mà Trung Quốc đã ký với 8 quốc gia trong đó có Hàn Quốc, Malaysia có thể là những bước đi đầu tiên của kế hoạch này.

Tuy nhiên, bước đệm vững chắc nhất chính là sự phát triển kinh tế đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới.

Với tư cách là một thị trường nhập khẩu hàng hóa hấp dẫn, đồng NDT được sử dụng ngày càng nhiều trong các hoạt động giao dịch giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn.

Chẳng hạn với Nhật Bản, đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc, việc tiến hành giao dịch trực tiếp giữa đồng Yên với đồng NDT trước hết sẽ giúp loại trừ các chi phí phát sinh khi phải thanh toán qua một đồng tiền trung gian khác và làm đơn giản thủ tục của các hoạt động giao dịch song phương.

Doanh nghiệp hai nước sẽ rất hồ hởi khi họ giảm thiểu được rủi ro kinh doanh liên quan đến các công cụ thanh toán quốc tế truyền thống như USD và Euro trong bối cảnh hai nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang suy giảm mạnh khiến cho hai đồng tiền trên liên tục biến động.

Điều cuối cùng chính là việc thanh toán trực tiếp giữa đồng Yên và NDT là một trong những cách thức hiệu quả nhất giúp Trung Quốc và Nhật Bản tăng cường quan hệ thương mại trực tiếp và hạn chế tối đa những tác động do tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu.

Cho đến thời điểm này, khả năng NDT trở thành một công cụ thanh toán quốc tế vẫn còn là vấn đề lâu dài vì hiện tại nhà nước vẫn đóng vai trò khá lớn trong việc can thiệp tỷ giá.

Tuy nhiên, giới phân tích dự báo trong vòng từ 10 đến 20 năm tới, đồng NDT hoàn toàn có khả năng trở thành một công cụ thanh toán mới trên thị trường quốc tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG