Điều dưỡng tại 3 bệnh viện bị phong tỏa: Không có khái niệm ngày đêm

TP - Tâm sự của những y bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại 3 bệnh viện Đà Nẵng (Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng) khiến nhiều người nghẹn lòng, xúc động. 

Chiều tối 29/7, chị Nguyễn Thị Phượng Như (nữ điều dưỡng Bệnh viện C Đà Nẵng) được chồng gửi tiếp tế cho ít đồ mà người nhà ở Huế mới chuyển vào. Đồ đạc chẳng có gì nhiều, chỉ là ít bánh kẹo, cùng tinh dầu tràm, bà con mua tận lò gửi vào cho chị. Từ ngày 22/7 đến nay, chị Như ở lại bệnh viện. Chồng con ở nhà quán xuyến mọi việc. Chị Như là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân 420 đang chữa trị ở Bệnh viện C.

Qua điện thoại, chị kể, hai ngày nay, bệnh nhân chuyển khoa nên chị được bố trí về khu cách ly để theo dõi sức khoẻ. Đồng nghiệp Bệnh viện Đà Nẵng bị lây nhiễm nhưng chị vẫn rất bình tĩnh. “Không có lo gì em ạ. Anh chị em được trang bị bảo hộ tốt nhất. Chỉ lo ở nhà chồng con không người chăm sóc. Anh chị em xác định trường kỳ kháng chiến rồi”.

Qua hai lần xét nghiệm, mẫu phẩm của chị đều cho kết quả âm tính. Mỗi lần người nhà điện vào, chị luôn trấn an bằng những câu chuyện vui, tình cảm anh chị em trong bệnh viện, sự đồng lòng hỗ trợ nhau để mọi người yên tâm. “Về khu cách ly lại thấy buồn vì ở một mình một phòng. Giờ lại thấy nhớ bệnh nhân 420 mình chăm sóc mấy ngày liền”, chị Như  cười nói. 

Chị Lê Thị Hạnh là nữ điều dưỡng lớn tuổi nhất khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, người chúng tôi từng gặp trong lần tác nghiệp trong khu vực cách ly hồi tháng 3. Bước vào cuộc chiến mới, chị Hạnh bảo: “Mọi thứ vẫn ổn em ạ. Mọi người ở ngoài đừng quá lo lắng, anh chị em chúng tôi chăm sóc bệnh nhân, nhưng bảo hộ kỹ càng và an toàn tuyệt đối.

Chị Hạnh chia sẻ: “Nơi chúng tôi đang làm việc không có khái niệm ngày và đêm. Lúc nào cũng thấy khẩn trương, vô ca, ra ca liên tục. Tranh thủ chợp mắt, tranh thủ dằn cái bụng và chạy vô ca. Tất cả như trong guồng máy, oằn mình hết sức. Đường về nhà của chúng tôi còn xa lắm nhưng ánh sáng nằm cuối con đường...”.

Chị Võ Thoa, đồng nghiệp chị Hạnh, “bật mí” nguyên nhân vì sao mọi người mang đồ bảo hộ xanh, còn khoa Y học nhiệt đới phải mang đồ trắng. “Bộ đồ trắng nóng hơn rất nhiều, nặng nề hơn rất nhiều, và đặc biệt rất ngộp thở”. Chị Thoa kể, không giống như lần đón ca bệnh đầu tiên là hai bệnh nhân người Anh hồi tháng 3, lần này trùng trùng áp lực. Áp lực vì bệnh nhân nặng, làm nhiều thủ thuật can thiệp, phải chăm sóc đặt biệt. Vì thế, nên khả năng lây nhiễm rất cao. 

“Chúng tôi không có khái niệm ngày đêm, chẳng buồn biết hôm nay là thứ mấy, ca trực nào... cứ thay phiên nhau lên chăm sóc bệnh nhân. Một ngày tắm không biết bao nhiêu lần, tóc chưa kịp khô đã mang đồ bảo hộ lại. Hôm đầu tiên, đứng 1 giờ mọi người đã hoa mắt chóng mặt, nhưng sau có thể đứng hơn 2 giờ. Khi trút bỏ đồ bảo hộ, mồ hôi thấm ướt hết bộ đồ vải đang mặc. Chúng tôi sẽ cố để không bao giờ thua cuộc. Cố không hoảng sợ, cố không chán nản cho đến khi đại dịch qua đi”, chị Thoa tâm sự.

MỚI - NÓNG