Bà Diệp trong ngôi đền thờ đang bị yêu cầu phát mại. |
Lừa cả đền thờ mang đi thế chấp
Hương khói nghi ngút vẫn tỏa ra từ căn nhà số 122 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Căn nhà lợp ngói ta như nhà chùa, xây tường gạch nhưng toàn bộ phía trong là khung gỗ, chạm khắc rồng phượng.
Căn nhà có diện tích khoảng 100 m2, chia làm 3 gian, 2 gian phía trong là nơi thờ phật, thánh, phía ngoài có ban thờ gia tiên. Đây không phải là căn nhà bình thường, nó giống như một đền thờ thì đúng hơn.
Thế nhưng không hiểu vì sao nó vẫn được Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, Chi nhánh Vĩnh Phúc chấp nhận cho thế chấp, vay tiền.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp (76 tuổi) ngồi một mình trên bộ tràng kỷ ở gian ngoài bên cạnh mâm cơm do con cháu dọn lên mà chẳng buồn ăn. Bà xem ti vi chuyển hết từ kênh này sang kênh khác, con cháu nhắc nhở ăn cơm bà cứ ậm ừ cho qua.
Bà Diệp ở một mình căn nhà này để trông coi, hương hỏa. Nơi này được giao cho gia đình bà trông coi, thờ tự từ nhiều thế hệ nay. Bà có 3 người con đều đã lập gia đình ra ở riêng.
Chồng bà là Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Cao Minh Phi. Ông nguyên là đại tá an ninh, công tác ở Bộ Công an, hy sinh tết Mậu Thân năm 1968 tại Nha Trang.
“Đầu năm 2008, Đỗ Thị Liên, nhà ở Tây Hồ thường xuyên đến đây lễ bái. Cô ta là người rất khéo léo và có vẻ thành tâm nên tôi coi như một “con nhang đệ tử” của Nhà Đền.
Khi cô ta đặt vấn đề mượn sổ đỏ 2 tháng để đi vay tiền hoàn thiện ngôi nhà, tôi chỉ nghĩ mình theo nhà Phật thì nên giúp đỡ người khó khăn. Khoảng 2 tháng sau, cô ấy lại cho người đến bảo tôi ký vào mấy giấy tờ gì đó để lấy sổ đỏ về.
Nào ngờ, chính vì lần ký ấy cô ta đã mang giấy tờ nhà đất đi thế chấp tại ngân hàng. Chỉ đến khi cán bộ ngân hàng đến nhà, chúng tôi mới phát hiện căn nhà đã bị cô ta thế chấp lấy 7 tỷ đồng…”, bà Diệp kể.
Bà Diệp và các con đi tìm Liên, nhưng cô ta đã "mất tích". Sau này, bà Diệp mới biết Liên là một trùm lừa đảo và có tới 25 hộ khác ở Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh như bà.
Ngày 11-8, trong một vụ án khác, Đỗ Thị Liên đã bị TAND TP Hà Nội xử tù chung thân về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 60 tỷ đồng của 20 cá nhân và 2 chi nhánh ngân hàng.
Liên bị xử tù, bà Diệp càng lo lắng vì không có ai đứng ra giải quyết lấy sổ đỏ về cho mình. Trong khi đó, qua 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm, tòa tuyên phần thắng thuộc về ngân hàng, yêu cầu kê biên, phát mại ngôi đền trên.
Vay 30 triệu, nguy cơ mất trắng 1.000 m2 đất
Những ngày này, 15 hộ dân ở Yên Lạc (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) cũng như đang ngồi trên lửa. Họ chỉ biết mình bị lừa khi có cán bộ thi hành án tìm đến yêu cầu kê biên, phát mại mảnh đất và ngôi nhà họ đang ở.
15 hộ dân, chủ yếu là anh em họ hàng với nhau có nhu cầu vay ít vốn để đầu tư sản xuất chăn nuôi.
Giữa năm 2008, nắm bắt được nhu cầu này, một phụ nữ có tên là Hoa Thị Mai xưng là Giám đốc Cty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp điện máy Thanh An tìm đến nhà từng người nói sẽ vay vốn giúp với lãi suất thấp. Mai còn nói nếu giao ngay sổ đỏ và ký vào một số giấy tờ sẽ nhận được tiền sớm.
“Đùng một cái cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh Ba Đình cùng cán bộ thi hành án đến đòi phát mại nhà dân. Vừa rồi tòa xử cũng chẳng ngó ngàng đến quyền lợi của người dân. 15 hộ dân đã làm đơn kiến nghị lên tòa án cấp trên”- ông Kiều Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm nói.
Được biết, hộ vay ít 20 triệu, hộ vay nhiều 30 triệu đồng, tổng cộng 15 hộ vay tiền từ Mai 350 triệu đồng. Ông Kiều Văn Thứ có mảnh đất khoảng 400m2 cũng giao sổ đỏ cho Mai để vay 20 triệu đồng.
Ông Thứ và 14 hộ dân không hề biết, sau khi có sổ đỏ của họ (sổ nhiều nhất đến 1.000m2 đất), Mai đã sang tên Cty của mình, đem đi thế chấp vay tiền ngân hàng.
Quá hạn, ngân hàng khởi kiện doanh nghiệp của Mai ra tòa đòi nợ. Tòa xử phần thắng thuộc về ngân hàng, 15 hộ dân không hề có bất cứ một quyền lợi nào tại phiên tòa. Mới đây, các hộ dân mới té ngửa khi biết cả tiền gốc và lãi Mai vay ngân hàng lên đến 4,5 tỷ đồng.
“Cần làm rõ trách nhiệm cán bộ ngân hàng”
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Cục phó Thi hành án Hà Nội, người trực tiếp đi thi hành án đối với 15 hộ trên, cho biết: Tình trạng người dân giao sổ đỏ, trót ký vào những loại hợp đồng có công chứng (hợp đồng ủy quyền, hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng chuyển nhượng…) để nhờ vay ít vốn đầu tư làm ăn diễn ra ở nhiều vùng ngoại thành và nông thôn của Hà Nội, từ nhiều năm nay.
Thống kê sơ bộ, hiện số vụ phải thi hành án đã lên tới hàng trăm trường hợp, đồng nghĩa hàng trăm hộ dân có nguy cơ mất nhà khi ngân hàng kê biên, phát mại.
Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, tình trạng người dân mất nhà do ủy quyền còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành, khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân lao đao, khốn khó. Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc, bắt 11 đối tượng lừa đảo liên quan đến các vụ việc trên. |
Theo ông Sơn, trên địa bàn Hà Nội hình thành một số nhóm người dưới danh nghĩa là giám đốc các doanh nghiệp chuyên đi dụ dỗ người dân giao sổ đỏ.
“Người dân đã mất cảnh giác khi giao sổ đỏ, ký một số loại hợp đồng, đồng nghĩa với việc đã giao toàn bộ tài sản của mình cho người khác toàn quyền quyết định. Có những trường hợp biết rõ là có dấu hiệu lừa đảo, nhưng cũng mới chỉ xử lý được về mặt dân sự”- ông Sơn nói.
Ông Trịnh Cao Sơn, Chấp hành viên Cục Thi hành án Hà Nội (người trực tiếp thi hành án vụ nhà bà Diệp) nói thêm: “Qua việc thế chấp nhà bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho thấy cần phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ ngân hàng. Sao cán bộ ngân hàng lại nhận thế chấp cả điện thờ? Sau này bán cho ai, ai dám mua?".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết thêm, trong khi sổ đỏ của căn nhà đã mang đi thế chấp, không có một cán bộ ngân hàng nào đến gặp bà để thẩm định, xác minh tài sản.
Có lần cán bộ ngân hàng đến nhà yêu cầu bà ký vào biên bản định giá thế chấp tài sản, bà không ký. Nhưng không hiểu sao, khi ra tòa ngân hàng vẫn có biên bản kia cùng chữ ký của bà. Bà Diệp nghi ngờ liệu có sự câu kết giữa Liên và cán bộ ngân hàng trong vụ việc?