Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô: 'Điểm tựa' đưa sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội

TP - Đến thời điểm này, Luật Thủ đô 2024 đã được công bố, còn lại hai đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065 đang ở những bước cuối cùng hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sắp tới.

Đối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt, đồ án có nhiều nội dung mới trong quy hoạch không gian, là cơ hội để Thủ đô hóa giải những áp lực đô thị trong quá trình phát triển thời gian qua.

Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô: 'Điểm tựa' đưa sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội ảnh 1

Đồ án là cơ hội để Thủ đô hóa giải những áp lực đô thị trong quá trình phát triển thời gian qua

Đề cập đến một số nội dung cơ bản của Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, KTS Phạm Quốc Tuyến – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: Qua quá trình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã bộc lộ nhiều tồn tại, đòi hỏi cần có những nghiên cứu điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô.

Một trong các vấn đề tồn tại đến nay là việc khai thác không gian, cảnh quan hai bên sông Hồng còn nhiều vướng mắc, bất cập. Khi triển khai các quy hoạch, dự án chưa giải quyết được đồng bộ các nhiệm vụ: Nâng cấp hệ thống đê điều và cải thiện quản lý lũ nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực; Tận dụng quỹ đất ven sông để phát triển các khu đô thị mới, khu công viên, và các cơ sở hạ tầng khác nhằm giảm tải cho khu vực nội đô hiện hữu và cải tạo và phục hồi cảnh quan sông Hồng, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường sinh thái ven sông.

Nhìn lại trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội từ Thăng Long, Đông Đô đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của thành – thị trước đây và đô thị ngày nay. Trong giai đoạn hiện nay, khi thành phố đang ngày càng được mở rộng, ngày càng phát triển, sức ảnh hưởng của sông Hồng đối với bộ mặt cảnh quan chung của toàn đô thị càng trở nên quan trọng. Với định hướng đô thị trung tâm thành phố Hà Nội bao gồm: khu vực đô thị phía Nam Sông Hồng, khu vực đô thị phía Đông và khu vực đô thị phía Bắc (dự kiến hình thành thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai), sông Hồng được xác định là một trong 5 trục quan trọng với định hướng phát triển là trục không gian đặc biệt đa chức năng, không gian biểu tượng, giá trị, nhiều ý nghĩa của Thủ đô Hà Nội với các chức năng chính gồm: là không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển; là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng.

Quy hoạch hai bên sông Hồng là một phần trong chiến lược phát triển đô thị tổng thể của Hà Nội, không chỉ giúp thành phố mở rộng về không gian mà còn nâng cao hình ảnh, chất lượng của Thủ đô Hà Nội ngang tầm với các Thành phố lớn trên thế giới. Với việc ban hành Luật thủ đô và 02 quy hoạch quan trọng của thành phố được phê duyệt, kỳ vọng sẽ biến khu vực ven sông Hồng trở thành một phần của trung tâm đô thị hiện đại của Hà Nội, góp phần vào sự phát triển bền vững của thủ đô.

Không gian phát triển sông Hồng là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô

Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Kết luận nêu rõ, Quy hoạch và Đồ án nói trên phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược...; thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia. Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bổ hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia cho biết, ý kiến góp ý của Bộ, ngành T.Ư, hội nghề nghiệp, chuyên gia phản biện đối với đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đã được nghiên cứu tiếp thu theo nhóm ý kiến và từng ý kiến cụ thể.

Căn cứ vào đặc điểm phát triển của đô thị Hà Nội, đối với các khu vực chức năng đặc thù như khu công nghệ cao, khu đào tạo, khu du lịch, khu văn hóa, thể dục thể thao… sẽ áp dụng các tiêu chí đặc thù.

MỚI - NÓNG