Điều chỉnh chương trình nghệ thuật ở phố đi bộ

Một nhóm nhạc biểu diễn trên phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Một nhóm nhạc biểu diễn trên phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Dù chưa hết thời gian thử nghiệm, Thanh tra Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội vừa có đợt kiểm tra và nhắc nhở một số nhóm biểu diễn nghệ thuật tự phát ở không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, sau khi nhận được phản ánh của người dân.

Đủ điều khen chê

Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm những ngày cuối tuần sinh sắc hơn nhờ nghệ thuật, âm nhạc đường phố. Từ nhạc dân tộc, nhạc cổ điển tới nhảy hiện đại ở khắp các tuyến Đinh Tiên Hoàng, tượng đài Lý Thái Tổ, Hàng Khay, Lê Thái Tổ và kéo dài lên các phố cổ. Dòng người đi bộ đổ về khu phố đi bộ có lựa chọn để nghe, xem khá vui vẻ bên cạnh trò chơi như kéo co, ô ăn quan hay các trò chơi hiện đại hơn như đi xe điện tự cân bằng.

Khu tượng đền, tượng vua Lê chính là không gian biểu diễn âm nhạc truyền thống, một trong những khu vực do UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì và chủ động mời các nhóm nghệ sỹ trình diễn. Nhóm Xẩm Hà Thành “đóng đô” định kỳ ở đây với chương trình âm nhạc dân tộc như xẩm, chèo, hát văn. Người xem ruột của khu vực này phần nhiều là các cụ sống quanh khu phố cổ, cuối tuần nào cũng ngồi bên chiếu nghệ thuật cổ. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, thành viên Xẩm Hà Thành, hào hứng vì buổi diễn nào cũng đông người xem. “Có cụ ông 85 tuổi được con cháu chở lên để nghe xẩm, nhưng qua phần hát xẩm rồi. Con gái cụ năn nỉ vì bố có tâm nguyện được nghe một câu xẩm tàu điện, thế là cả nhóm hát tặng cụ một bài”, anh kể.

Nhiều loạt hình nghệ thuật khác hút khách không kém, sôi động nhất là phần biểu diễn của các nhóm trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm biểu diễn được quy hoạch mang đến không khí hội hè, ngày càng nhiều nhóm đem loa đài hát hò ầm ĩ và ngả mũ xin tiền khách trong các quán ăn.

Hiện tượng hát rong xin tiền không hiếm gặp, nhưng có vẻ nở rộ hơn khi có không gian phố đi bộ. Một số người dân còn phàn nàn về sự điều chỉnh âm thanh quá đà của một số nhóm gây khó chịu và ảnh hưởng tới khu vực lân cận. Tiếp nhận các ý kiến này, Thanh tra Sở VHTT Hà Nội tăng cường kiểm tra dịp cuối tuần vừa qua, đưa ra hình thức điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện hơn

Chương trình biểu diễn trong không gian phố đi bộ vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm đến hết tháng 12. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, khẳng định, Hà Nội vừa làm vừa điều chỉnh “để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, sao cho ngày càng hấp dẫn, phong phú hơn”. Ông Động cho biết, Thanh tra Sở dịp cuối tuần vừa rồi tăng cường kiểm tra, nhắc nhở một số nhóm biểu diễn tự phát về vị trí không đúng và mức âm thanh sử dụng hơi lớn.

Đó là các nhóm nhảy ở Đinh Tiên Hoàng, nhóm chơi violon và guitar ở khu vực nhà Thủy Tạ, dàn hợp xướng khu vực ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. Đội Thanh tra nhắc nhở và yêu cầu các nhóm tự phát thông báo chương trình biểu diễn trước năm ngày với Sở VHTT. Đại diện Sở ra văn bản yêu cầu dựa trên Nghị định 79 về biểu diễn nghệ thuật, trong đó nêu các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng không cần đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thực hiện các quy định trong nghị định, trong đó có việc thông báo nội dung cho Sở VHTT Hà Nội. Nếu nhắc rồi mà các nhóm không thực hiện, có thể xem xét tạm dừng biểu diễn.

“Quản lý nghệ sỹ và chương trình biểu diễn là trách nhiệm của Sở và Ban quản lý, ít ra họ cũng phải biết các nhóm hát gì. Tuy nhiên, đây là hoạt động văn hoá ngoài trời nên phải có cách quản lý cho phù hợp”, một nghệ sỹ do quận Hoàn Kiếm mời biểu diễn cố định nói. Hỏi một người khách ở không gian phố đi bộ, chị cho rằng người dân phải chấp nhận không gian phố đi bộ cần những hoạt động vui vẻ như thế, không nên quá khắt khe.

Hà Nội nỗ lực để có những hoạt động ban đầu tạo không khí cho người dân đến với phố đi bộ, tuy vậy, các chương trình này vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của nhiều người dân và du khách: Thiếu hoạt động, sự kiện văn hoá đặc sắc. “Hoạt động có nhiều nhưng chúng tôi phải lựa chọn sao cho phù hợp, chất lượng cao. Một số chương trình nghe tên thì hay nhưng hoạt động không xứng tầm. Không gian phố đi bộ quanh bờ Hồ đòi hỏi tính thẩm mỹ cao”, ông Tô Văn Động nói. Ông cho biết, sau thời gian thử nghiệm, có tổng kết và điều chỉnh để đưa ra quy chế, địa điểm biểu diễn cụ thể, nội dung hoạt động ở không gian đi bộ. Trước mắt, Sở vẫn tiếp tục tiếp nhận phản ánh và có những chấn chỉnh kịp thời, phù hợp.

Ngả mũ xin tiền, nên hay không?

Một số người dân phàn nàn hành động ngả mũ xin tiền của một số nhóm biểu diễn. Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội nói sẽ tiếp tục xem xét và điều chỉnh. Một số nghệ sỹ lại cho rằng, ngả mũ xin tiền là điều hết sức bình thường, các phường ca trù xưa đi hát còn có thẻ-sau canh hát được đổi ra tiền thưởng. Khán giả chưa đi nước ngoài nhưng qua phim ảnh cũng không lạ với hình ảnh nghệ sỹ đường phố say sưa biểu diễn, người nghe để tiền thưởng lại trong mũ hay hộp đàn. Tuy nhiên, ở ga tàu điện ngầm của Pháp chẳng hạn, sự quản lý cũng rất chặt, nghệ sỹ chỉ biểu diễn trong vòng tròn nhất định, ra khỏi đó sẽ bị phạt rất nặng.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.