Hoa tam giác mạch ở phố đi bộ Hà Nội

TP - Không phải chờ tới ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 tại Hà Giang, người dân thủ đô có ba ngày cuối tuần lạc vào không gian văn hóa dân tộc Mông Hà Giang tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ.

Hà Giang từng có vài dịp giới thiệu văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông ở thủ đô, lần này phong phú hơn. “Khác biệt lớn nhất là các nghệ nhân Mông trực tiếp tái hiện không gian văn hóa của họ giữa thủ đô”, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chia sẻ. Trò chơi, dân ca dân vũ đặc sắc như khèn, sáo Mông, gậy sinh tiền, kèn lá, kèn môi được dịp xôm tụ trong không gian phố đi bộ cuối tuần này. Khoảng 40 nghệ nhân giới thiệu các nét văn hoá đặc trưng, tái hiện không khí lễ hội mùa xuân, lễ hội Gầu Tào và quảng bá du lịch Hà Giang.

Nghệ nhân Mông xuống thủ đô dịp này không thể vắng những phụ nữ Mông dệt lanh nổi tiếng ở Lùng Tám, Quản Bạ. Thổ cẩm Lùng Tám đặc sắc từ công đoạn trồng lanh, phơi cho đến xe sợi, dệt và dùng sáp ong vẽ hoa văn. “Mong bạn bè trong nước và quốc tế biết đến bản sắc Mông nhiều hơn. Tôn vinh bản sắc ấy là trách nhiệm của các nhà quản lý, và không chỉ làm một lần rồi thôi”, bà Tình nói.

Du khách từng hoặc chưa từng đặt chân đến Hà Giang cũng có thể biết đến ẩm thực vùng cao của đồng bào Mông như bò khô, hồng không hạt Yên Minh, cam Hà Giang, rượu hoa tam giác mạch. Không gian ẩm thực Hà Giang tại Hà Nội cũng là dịp để khẳng định bản sắc. Không chỉ có sản phẩm từ hoa tam giác mạch, BTC đem một lượng hoa nhất định về Hà Nội để giới thiệu. Tam giác mạch trồng trong bồn, dựng thành tiểu cảnh để người tham quan chụp ảnh. Giữa tháng 10 Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch, tuy nhiên năm nay khí hậu không thuận lợi nên hoa kém sắc. Lãnh đạo tỉnh nói, thời điểm này có mưa, hoa nở đẹp hơn. Cây tam giác mạch được cho là cứu đói mùa giáp hạt cho đồng bào Mông, hoạt động gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Không gian văn hóa dân tộc Mông Hà Giang tại Hà Nội là hoạt động đón đầu Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 tại Hà Giang 18-19/11, với 13 tỉnh tham dự. Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng sẽ trình diễn trang phục phụ nữ dân tộc Mông, trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc, giới thiệu đặc sản, trò chơi, thể thao dân tộc...

Chuỗi hoạt động Tuần Đại đoàn kết dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2016, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam từ 18-23/11. Họp báo sáng 8/11, BQL Làng cho biết khoảng 120 già làng, trưởng bản, nghệ nhân và đồng bào một số dân tộc Tày, Kinh, Xơ Đăng, Gia Rai, Ba Na quy tụ về làng, bên cạnh nhóm 40 người hoạt động hằng ngày tại Làng tham gia các hoạt động suốt tuần Đại đoàn kết. Hoạt động chính: Thi ảnh và triển lãm về Làng, tái hiện cuộc sống hàng ngày như nghề thủ công truyền thống, dân ca dân vũ, lễ hội truyền thống. BTC huy động cả diễn viên, nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.