Điều chỉnh chiến lược chữa trị ca bệnh COVID-19 là phi công người Anh

Hội đồng chuyên môn hội chẩn ca bệnh số 91
Hội đồng chuyên môn hội chẩn ca bệnh số 91
TP - Ngày 29/5, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Tiểu ban Điều trị đã cùng Hội đồng chuyên môn hội chẩn bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), quyết định thay đổi chiến lược chữa trị cho bệnh nhân nặng nhất này.

Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 29/5, bệnh nhân 91 có những dấu hiệu khá hơn. Sau khi bệnh nhân ngưng thuốc an thần giãn cơ, bệnh nhân đã tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và cử động được ngón tay, cơ hoành và cơ khác còn liệt. Phổi bệnh nhân cải thiện thêm một phần, thông khí phổi đã tăng lên 40% (trước đó là 30%-20%-10%). Bệnh nhân vẫn tiên lượng còn nặng vì lưu lượng ECMO (tim phổi nhân tạo) còn cao, dù đang giảm dần các thông số. Cùng với đó nam phi công còn bị nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, cải thiện bước đầu của bệnh nhân 91 đã khẳng định việc chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy là hoàn toàn chính xác và đúng thời điểm dù vẫn còn tình trạng nhiễm trùng phổi. Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, trường hợp bệnh nhân 91 là ca bệnh COVID-19 khó nhất từ trước đến nay. Do đó chiến lược điều trị tiếp theo là tập trung điều trị nhiễm trùng phổi và từng bước cai ECMO.

GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam đề nghị bệnh viện xem xét sử dụng loại thuốc mới trong điều trị nấm cho bệnh nhân, đồng thời thay đổi bằng thuốc tiêm cho người bệnh. Các chuyên gia cũng đề nghị quan tâm đặc biệt đến dinh dưỡng để cải thiện cơ hô hấp, cơ hoành cho phi công.

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia về bệnh nhân 91, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung điều trị nhiễm trùng phổi; thay thế thuốc điều trị chống nấm cho bệnh nhân; lưu ý điều trị chức năng gan, thận, tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, Bệnh viện Việt Đức phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục theo dõi tình trạng người bệnh, tìm kiếm nguồn cho phổi phù hợp.

Cùng ngày Bộ Y tế công bố 1 ca tái dương tính khỏi bệnh. Đó là ca bệnh số 315 - người đàn ông từ Campuchia về nước và nhập cảnh trái phép qua đường mòn vào lúc 15h30 ngày 2/5, đi cách ly hôm 3/5. Ngày 5/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhưng đến ngày 15/5, kết quả xét nghiệm lại dương tính trở lại. Bệnh nhân được nhập viện vào ngày 16/5. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã có 2 lần xét nghiệm âm tính vào hai ngày 27-28/5. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Trường hợp này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, hiện Việt Nam có 278/ 327 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi (chiếm tổng số 85% ca bệnh). 49 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị nhiều nhất với 19 ca bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu có 13 ca, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình có 7 ca...

Tính đến tối ngày 29/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 17 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

MỚI - NÓNG