Kỷ niệm không phai
Gần đây, tôi có dịp đến dự một cuộc gặp mặt tại nhà anh Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ trên chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 lịch sử. Những người gặp hôm đó tôi đều quen, duy có một người lạ. Anh Nguyên giới thiệu: “Đây là nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng, một cựu lính tăng cùng Binh chủng Tăng-Thiết giáp với chúng tôi. Anh là tác giả bài hát Mãi mãi tuổi hai mươi mà chúng tôi rất thích”.
Nghe giới thiệu, tôi nhớ ra cách đây chưa lâu, trong chương trình truyền hình “Cỏ sắc mà sao ấm quá” phát sóng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng đã đứng trong dàn đồng ca cùng với các đoàn viên thanh niên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) biểu diễn bài hát “Mãi mãi tuổi hai mươi” do anh sáng tác. Dẫn chương trình khi đó là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sau đó, khi trò chuyện trong chương trình giao lưu, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng có dịp ôn lại một vài kỷ niệm của họ với liệt sĩ (LS) Nguyễn Văn Thạc - người bạn cùng trường, cùng nhập ngũ với hai anh - đã ra đi mãi mãi không về…
Sau cuộc gặp trên, tôi đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Quý Lăng để tìm hiểu kỹ hơn về bài hát “Mãi mãi tuổi hai mươi” và những kỷ niệm của nhạc sĩ với LS Nguyễn Văn Thạc. Nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng cho biết, năm 1970, anh học khoa Toán-Cơ khóa 15, Trường Đại học Tổng hợp, cùng lớp với Nguyễn Văn Thạc. Vào trường ít ngày, có người bạn đã chỉ Nguyễn Văn Thạc, rồi nói với Quý Lăng: “Cậu ấy đoạt giải nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc năm học vừa qua đấy”. Quý Lăng tò mò, sau hỏi thẳng Nguyễn Văn Thạc: “Sao cậu giỏi văn mà lại thi vào khoa Toán?”, thì người bạn đồng học chỉ nhỏ nhẹ nói: “Tớ rất thích học toán”. Tìm hiểu thêm, Quý Lăng được biết thời phổ thông bạn mình giỏi cả văn lẫn toán, nhưng kỳ thi học sinh giỏi năm đó thấy trong trường không ai giỏi văn hơn Nguyễn Văn Thạc nên nhà trường khuyến khích Thạc thi văn và kết quả đã đạt giải cao. Ngoài học giỏi, Nguyễn Văn Thạc còn thích đá bóng. “Thạc chơi bóng với phong thái điềm tĩnh và đá rất hay”- Nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng cho biết.
Khi mới vào năm học thứ 2, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Quý Lăng cùng nhiều sinh viên khác của Trường Đại học Tổng hợp nhận được lệnh nhập ngũ. Ngày 6/9/1971, hai anh cùng khoảng 30 sinh viên lớp Toán-Cơ K15 chính thức khoác lên mình bộ áo lính và nhập ngũ. Trong thời gian huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Thạc và Nguyễn Quý Lăng ở cùng tiểu đội.
Những ngày đầu đóng quân tại Yên Sở (Hà Nội), một hôm Thạc và Lăng được phân công đi lấy gạo thì gặp Hoàng Nhuận Cầm (bạn cùng khóa, học khoa Văn) đang ngồi chơi đàn măng-đô-lin. Cả hai cùng lắng nghe, và Quý Lăng nghĩ sau này có điều kiện mình sẽ học thêm âm nhạc. “Lần khác, tôi và Thạc được phân công gác cùng ca. Trong đêm, chúng tôi bỗng giật mình khi thấy một bóng đen nhảy ào trước mặt, định thần mới nhận ra đó là Hoàng Nhuận Cầm. Cầm dáng nhỏ bé, lại được phát chiếc quần ngoại cỡ nên cậu ta cố ý kéo quần lên tận ngực rồi chùm đầu để dọa chúng tôi”- nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày đầu quân ngũ, khi anh cùng các bạn vẫn còn những nét hồn nhiên của người sinh viên mới mặc áo lính.
Thấm thoắt hết 3 tháng huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Thạc được phân về đơn vị bộ đội thông tin, còn Nguyễn Quý Lăng về đơn vị xe tăng. Quý Lăng đi trước. Hôm đó mới 5 giờ sáng, anh muốn để Nguyễn Văn Thạc ngủ nên viết lại mảnh giấy chia tay để ở đầu giường bạn. Kỷ niệm đó sau này anh có dịp nhớ lại khi đọc trong nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”: “Mới sớm nay bọn lính tăng mới đi. Lăng đi rồi, lúc 5 giờ sáng. Bọn mình còn mệt nằm ngủ, nó không gọi và để lại mảnh giấy nhỏ. Chia tay, giản dị và thân mến quá…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng (trái) và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trao đổi về ca khúc “Mãi mãi tuổi hai mươi”.
Ca khúc của tuổi trẻ
Vào Binh chủng Tăng Thiết giáp, Quý Lăng được học lớp kỹ thuật viên của Đoàn 10, rồi được giữ làm trợ giảng. Năm 1973, khi Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp thành lập Đội Tuyên văn, Quý Lăng được gọi tham gia, sau được cử đi học âm nhạc. “Những ngày đầu nhập học, tôi mượn được cuốn dạy kiến thức cơ bản về nhạc lý, đọc thấy rất hứng thú. Sau đó, tại lớp học ca khúc, chúng tôi thêm say mê khi được các nhạc sĩ nổi tiếng của quân đội như Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối… giảng dạy” - Nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng chia sẻ.
Sau giải phóng miền Nam, Nguyễn Quý Lăng trở lại trường tiếp tục học tập. Tốt nghiệp, anh về trường Đại học Thủy lợi giảng dạy, đồng thời vẫn làm thêm việc “tay trái” là sáng tác ca khúc. Nhạc sĩ Quý Lăng cho biết, khi trở lại giảng đường, điều tiếc nuối đối với các anh là một số bạn đồng học đã mãi mãi không về, trong đó có LS Nguyễn Văn Thạc. Vì vậy, cứ vào dịp Thương binh liệt sĩ 27/7 hoặc ngày nhập ngũ 6/9 hằng năm, các anh lại tổ chức gặp mặt để có dịp tưởng nhớ những bạn đồng học đã khuất, cũng như nhớ về một thời hoa lửa ở lứa tuổi đôi mươi. Qua những lần gặp gỡ, Nguyễn Quý Lăng luôn ấp ủ sáng tác một ca khúc về thế hệ học sinh, sinh viên ra trận. Năm 2005, khi mua một tờ báo, Quý Lăng thấy có bài “Khúc bi tráng của người đoạt giải nhất văn miền Bắc” nên thầm thốt lên: “Ôi, Thạc đây rồi!”. Sau khi đọc báo, anh tiếp tục tìm cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” để đọc. Những trang nhật ký của LS Nguyễn Văn Thạc khiến Nguyễn Quý Lăng rất xúc động. Bất chợt, những ý thơ, nét nhạc âm ỉ lâu ngày bỗng ùa đến với anh. Nguyễn Quý Lăng viết một mạch bài hát, mở đầu bằng những ca từ: “Chúng tôi lên đường tuổi hai mươi/Để lại trang thơ viết dở/Và một tình yêu chớm nở…”. Tuy nhiên, tới phần cuối bài hát anh bỗng thấy tắc, viết đi viết lại vẫn chưa ưng ý.
Thời điểm đó gần dịp 27/7, nên tuy chưa hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng vẫn đến gặp ông Nguyễn Văn Thục, anh ruột LS Nguyễn Văn Thạc để ông nghe thử ca khúc. Ông Thục nghe xong thấy thích, nhận xét bài hát như một hồi ức về những năm tháng đầy hào hùng, bi tráng của một thế hệ học sinh, sinh viên ra trận. “Đêm đó về nhà tôi không ngủ được, cứ chập chờn hình ảnh Nguyễn Văn Thạc. Bất chợt tôi nghĩ ra, vội vùng dậy viết nốt đoạn cuối: “Và nước mắt/Và tình yêu/Và mai sau rực cháy/Mãi mãi tuổi hai mươi”, với ngụ ý dù qua lớp lớp thời gian, thì ngọn lửa tuổi hai mươi của thế hệ trẻ vẫn luôn cháy mãi” - nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng chia sẻ.
Trung tuần tháng 8/2005, khi Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” ra mắt tại Văn miếu-Quốc Tử Giám với mục đích giúp đỡ những tài năng trẻ, thì bài hát “Mãi mãi tuổi hai mươi” cũng lần đầu được vang lên tại đây. Đến nay, bài hát “Mãi mãi tuổi hai mươi” vẫn được giới trẻ yêu thích, vì âm hưởng của ca khúc không chỉ dừng lại ở câu chuyện của một thế hệ, mà còn nói lên được khát vọng cống hiến của tuổi trẻ hôm nay…
Khi mới vào năm học thứ 2, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Quý Lăng cùng nhiều sinh viên khác của Trường Ðại học Tổng hợp nhận được lệnh nhập ngũ. Ngày 6/9/1971, hai anh cùng khoảng 30 sinh viên lớp Toán-Cơ K15 chính thức khoác lên mình bộ áo lính và nhập ngũ. Trong thời gian huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Thạc và Nguyễn Quý Lăng ở cùng tiểu đội.
Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc khiến Nguyễn Quý Lăng rất xúc động. Bất chợt, những ý thơ, nét nhạc âm ỉ lâu ngày bỗng ùa đến với anh. Nguyễn Quý Lăng viết một mạch bài hát, mở đầu bằng những ca từ: “Chúng tôi lên đường tuổi hai mươi/Ðể lại trang thơ viết dở/Và một tình yêu chớm nở…”.