Điện Kremlin cáo buộc ông Zelensky tìm cách châm ngòi Thế chiến III

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Điện Kremlin cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cố châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ ba sau khi ông yêu cầu NATO thực hiện tấn công phủ đầu nhằm vào Nga để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Điện Kremlin cáo buộc ông Zelensky tìm cách châm ngòi Thế chiến III ảnh 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước Viện Lowy Australia hôm 6/10, Tổng thống Zelensky tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có nhiệm vụ đảm bảo Mátxcơva không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Kiev. Để làm được điều này, ông kêu gọi khối quân sự do Mỹ đứng đầu và cộng đồng quốc tế thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào Nga để nước này biết “điều gì sẽ xảy ra nếu họ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân”.

“NATO nên làm gì? Loại bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân!”, ông Zelensky nói trong hội nghị trực tuyến. “Tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, như trước ngày 24/2: Tấn công phủ đầu để Nga biết điều gì sẽ xảy ra với họ nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân, chứ không phải ngược lại".

Lời đề nghị của ông Zelensky đã vấp phải sự chỉ trích của Mátxcơva. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những phát biểu của lãnh đạo Ukraine “không khác gì nỗ lực châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới”. “Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại không thể lường trước được".

Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc ông Zelensky cố gắng kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân, với phát ngôn viên Maria Zakharova tuyên bố rằng "mọi người trên hành tinh" nên nhận ra rằng nhà lãnh đạo Ukraine – sau khi được bơm đầy vũ khí - đã trở thành “người có bàn tay hủy diệt”.

Điện Kremlin kêu gọi cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến các tuyên bố của ông Zelensky, đặc biệt là Mỹ và Anh, những nước mà phát ngôn viên Peskov nói là "trên thực tế kiểm soát các hành động của Kiev", do đó phải chịu trách nhiệm về lời nói của Tổng thống Ukraine.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này không xem xét việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine, nhưng cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ biên giới, con người và chủ quyền của mình.

Cả Washington và London cũng thừa nhận rằng không có khả năng Mátxcơva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột Ukraine, và không có dấu hiệu nào cho thấy Mátxcơva đang chuẩn bị một cuộc tấn công như vậy. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn cảnh báo Nga không nên vượt qua ranh giới này.

Theo RT
MỚI - NÓNG