Diễn biến 'lạ' khi giá USD tăng mạnh nhất trong lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỷ giá trung tâm ở mức 24.005 đồng/USD là lần đầu tiên trong lịch sử. Điều đáng nói, tỷ giá USD niêm yết của ngân hàng cao hơn thị trường chợ đen. Theo các chuyên gia, tỷ giá tăng kỷ lục làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào hàng hóa tăng lên.

Xuất hiện bất thường

Sáng 12/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.005 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng. Thế nhưng chỉ sau 9h sáng, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức tăng xuống còn 23.981 đồng/USD.

Diễn biến 'lạ' khi giá USD tăng mạnh nhất trong lịch sử ảnh 1

Tỷ giá USD tăng mạnh từ giữa năm đến nay (ảnh: Như Ý).

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán hiện ở mức 23.400 - 25.130 đồng/USD mua vào - bán ra.

Cùng với diễn biến của tỷ giá trung tâm, theo khảo sát của PV Tiền Phong, trên thị trường tự do, giá USD ở mức 24.100 - 24.180 đồng/USD mua vào - bán ra. Điều đáng nói, tỷ giá USD niêm yết của ngân hàng cao hơn thị trường chợ đen. Vietcombank niêm yết 23.890- 24.260 đồng/USD mua vào - bán ra. BIDV duy trì ở mức 23.945- 24.245 đồng/USD mua vào - bán ra.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện giá bán USD tại các ngân hàng đang cao hơn thị trường chợ đen 30 - 60 đồng/USD, trong khi giá mua thấp hơn khoảng 200 - 300 đồng. Đồng thời chênh lệch giữa giá mua và giá bán tại các ngân hàng hiện duy trì ở mức khá cao, từ 350 - 400 đồng/USD.

Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá USD đã có những biến động đáng chú ý trong thời gian gần đây.

Tăng áp lực lạm phát

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect - nhận định, tỷ giá USD tăng kéo theo áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Áp lực tỷ giá càng lớn, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp.

Theo ông Hinh, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước vẫn hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay do thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng mức giảm giá vừa phải của VND so với USD, dưới 3%, sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam", ông Hinh nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ giữa tháng 11/2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá giao dịch USD/VND trên thị trường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2023, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cân đối cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định, được cải thiện so với năm 2022.

Nhận định về diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới trong 4 tháng còn lại của năm, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh vẫn chưa thể chủ quan với áp lực lạm phát. Trong tháng 8, lạm phát CPI tăng 0,88% so với tháng trước, là mức tăng tương đối cao.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, sẽ điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, Ngân hàng Nhà nước cho hay.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.