Diễn biến dịch ngày 19/5: Một ca dương tính SARS-CoV-2 từ TPHCM về Hải Phòng ở dài ngày

0:00 / 0:00
0:00
Thiết lập vùng giãn cách xã hội
Thiết lập vùng giãn cách xã hội
TPO -  Sở Y tế TP Hải Phòng vừa thông báo khẩn về trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trú tại TP Hồ Chí Minh, có lịch trình di chuyển về Hải Phòng và lưu trú dài ngày.
COVID ngày 19/5

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

19/05/2021 06:33

Sáng 19/5, thêm 30 ca mắc mới COVID-19 tại 4 tỉnh, thành

Sáng 19/5, Bộ Y tế cho biết có 31 ca mắc mới COVID-19. Trong đó 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TPHCM, 30 ca mắc ghi nhận trong nước tại Bắc Ninh (16), Bắc Giang (10), Lạng Sơn (3), TPHCM (1).

19/05/2021 06:36

Sinh viên ngành Y ĐH Thái Nguyên hỗ trợ Bắc Ninh phòng chống dịch

Đoàn sinh viên tình nguyện gồm 50 sinh viên tham gia. Đây là các sinh viên đã tình nguyện đăng kí đến tỉnh Bắc Ninh để hỗ trợ nhân lực phòng chống dịch bệnh COVID-19, thuộc ngành Bác sỹ Đa khoa và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học của Trường Đại học Y - Dược. Các tình nguyện viên này sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong công tác chăm sóc bệnh nhân và xét nghiệm mẫu trong giai đoạn hiện nay.

Diễn biến dịch ngày 19/5: Một ca dương tính SARS-CoV-2 từ TPHCM về Hải Phòng ở dài ngày ảnh 2

Hiện các tình nguyện viên này đã có mặt tại Bắc Ninh, được phân công đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh để trực tiếp góp sức cho cuộc chiến phòng, chống COVID-19. Việc thực hiện nhiệm vụ được xác định sẽ duy trì cho đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn về sức khỏe, toàn bộ những người tham gia được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2; tập huấn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó 14 học viên là bác sĩ nội trú và trên 70 sinh viên tình nguyện của nhà trường đã tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID - 19 tại tỉnh Bắc Ninh. Tại tỉnh Bắc Giang, hơn 100 sinh viên trường Đại học Y – Dược thường trú tại đây cũng đã xung phong tham gia trong cuộc chiến chống COVID - 19 những ngày qua. (Nghiêm Huê)

19/05/2021 07:09

19/05/2021 07:15

Chính phủ giao Bộ Y tế mua vắc xin phòng Covid-19 nhanh nhất

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 09 ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin phòng Covid-19.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm trên diện rộng cho nhân dân. (PV)

19/05/2021 07:16

Vĩnh Phúc: Kết thúc cách ly xã hội thành phố Vĩnh Yên từ 0h ngày 19/5

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định số 1238/QĐ-UBND về việc kết thúc thời gian thực hiện cách ly xã hội thành phố Vĩnh Yên kể từ 0h ngày 19/5.

19/05/2021 07:20

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ cao kỷ lục

Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 19/5, đại dịch thế kỷ đã lây mầm bệnh cho gần 165 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 3,4 triệu người khác ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ấn Độ tiếp tục là tâm dịch nóng nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 267.000 ca mới vào danh sách gần 25,5 triệu người nhiễm, và trên 4.500 ca tử vong mới vào tổng 283.300 nạn nhân xấu số của Covid-19. Như vậy, tuy số ca lây nhiễm ở nước này có giảm bớt nhưng số người thiệt mạng vì Covid-19 lại vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Singapore điều chỉnh chiến lược tiêm chủng

Singapore đã điều chỉnh chiến lược tiêm chủng, kéo dài khoảng cách tiêm giữa hai mũi từ 3 đến 4 tuần hiện nay lên 6-8 tuần trong thời gian tới. Quyết định mới có nghĩa là số người được tiếp cận vắc-xin sẽ tăng lên, ước tính giúp thêm 400.000 người được tiêm phòng từ nay cho tới cuối tháng 7 tới. Nhờ cách này, từ ngày 19/5, Singapore sẽ mở rộng diện tiêm chủng cho những người ở độ tuổi 40-44 tuổi. (PV)

19/05/2021 07:25

Nhiều quốc gia tăng tốc tiêm phòng Covid-19

Tính đến 6h ngày 19-5, thế giới đã có 164.857.639 ca mắc Covid-19, trong đó, 3.417.115 trường hợp tử vong. Nhiều quốc gia tiếp tục tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Đến nay, Thái Lan đã sử dụng hơn 2,3 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó hầu hết những người ở tuyến đầu chống dịch hoặc những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Dự kiến, từ tháng 6, Thái Lan bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà vì nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số là người trưởng thành trong tổng số 66 triệu dân.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hướng tới mục tiêu càng nhiều người được tiêm sớm càng tốt, Singapore đã điều chỉnh chiến lược tiêm vắc xin ngừa Covid-19, kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm từ 3-4 tuần lên 6-8 tuần, tổ chức các đội tiêm chủng lưu động và phê chuẩn việc sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi.

Theo số liệu thống kê mới nhất, ít nhất 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân tại Liên minh châu Âu (EU). Cột mốc quan trọng này chứng tỏ EU sẽ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vắc xin cho 70% người trưởng thành, tức là khoảng 255 triệu người trên tổng số 448 triệu dân, vào cuối tháng 7 tới.

Ít nhất 52,9 triệu người đã được tiêm 2 liều vắc xin của các hãng BioNTech/Pfizer, Moderna và AstraZeneca và hay loại 1 liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson. Con số này tương đương 11,8 % dân số EU.

Malta đứng đầu bảng xếp hạng của EU với 32,5% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi Bulgaria đứng cuối bảng với chỉ 6,1%. Trong số các nước lớn, Đức đã tiêm đầy đủ vắc xin cho 11,1% dân số, Pháp là 13,5%, Italia là 14,6% và Tây Ban Nha là 15,4%.

Từ ngày 7-6 tới, Đức sẽ bỏ danh sách ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sẽ bắt đầu tiêm cho tất cả những người trưởng thành tại nước này. Với quyết định mới trên, mọi người trên 16 tuổi đều có thể đăng ký tiêm ở Đức, thay vì việc ưu tiên tiêm chủng theo lứa tuổi, nghề nghiệp và điều kiện sức khỏe. (T/H)

19/05/2021 07:40

Công nghệ hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang

Bản đồ dịch tễ cho Bắc Giang được cung cấp tại hai địa chỉ http://covidmaps.bacgiang.gov.vn hoặc http://bandodichte.bacgiang.gov.vn.

Trên bản đồ này, người dùng có thể theo dõi được danh sách bệnh nhân, nơi bệnh nhân đã đến, các khu vực cách ly, khu vực bệnh viện... một cách trực quan.

Bản đồ được vận hành bởi hai Sở liên quan, trong đó Sở Y tế có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu về diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, như địa chỉ các cơ sở cách ly tập trung, địa chỉ các khu vực phong tỏa, tổng hợp thông tin F0, báo cáo nhanh về các trường hợp F0. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc cập nhật dữ liệu. (PV)

19/05/2021 08:00

Việt Nam: Dịch đã lan ở 28 tỉnh thành

24 giờ qua, cả nước ghi nhận thêm 183 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân trong 23 ngày lên 1.503, xuất hiện ở 28 tỉnh, thành.

Sơn La hôm qua ghi nhận ca nhiễm là "bệnh nhân 4367". Trước đó một ngày, Tuyên Quang cũng phát hiện ca Covid-19 đầu tiên trên địa bàn là "bệnh nhân 4191". Như vậy, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào ngày 27/4, đến nay 28 địa phương xuất hiện ca bệnh. Bắc Giang ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 517; kế đó là Bắc Ninh 322 và Hà Nội 246 (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 27 ca ở Bệnh viện K). (T/H)

19/05/2021 09:49

Bộ GTVT yêu cầu xây dựng kịch bản ứng phó COVID-19 sau vụ nhân viên nghi nhiễm

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc bộ, Sở GTVT các địa phương rà soát, xây dựng phương án phòng, chống COVID-19 và sẵn sàng ứng phó hiệu quả mọi tình huống. Trước đó, ngày 18/5, một nhân viên làm việc tại trụ sở Bộ GTVT xét nghiệm nhanh dương tính với SAR-CoV-2 đã khiến bộ phải phong toả tới gần nửa đêm.

Bộ GTVT nhận định, nguy cơ dịch COVID-19 xảy ra trên toàn quốc là rất cao, bất kể lúc nào, nếu xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường. Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, lo sợ; thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, từng cơ quan, đơn vị phải rà soát, cập nhật, có phương án, kịch bản phòng, chống, đối phó, khắc phục cụ thể, chủ động, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải có trách nhiệm, chủ động bảo vệ sức khoẻ chính mình và cộng đồng. Khi xảy ra sự cố dịch bệnh do chủ quan cũng theo tinh thần trên để cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Các đơn vị cũng được Bộ GTVT yêu cầu tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, lĩnh vực quản lý; cấp trên kiểm tra cấp dưới; kiểm tra đi liền với biểu dương, khen thưởng các điển hình làm tốt, phê bình, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm, không nể nang, né tránh.

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ, các cục vận tải chuyên ngành, Sở GTVT các đại phương tập trung chỉ đạo không để đình trệ, ách tắc các hoạt động vận tải.

Trước đó, ngày 18/5, một công chức thuộc Văn phòng Bộ GTVT có biểu hiện rát họng đã đi khám tại Bệnh viện 198, qua xét nghiệm nhanh, nhân viên này được định dương tính với SAR-CoV-2. Sau đó, trụ sở Bộ GTVT (số 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), đã tạm thời phong toả, phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm mở rộng, toàn bộ nhân sự tại cơ quan được yêu cầu ở lại đợi kết quả xét nghiệm khẳng định.

Tối cùng ngày, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của nhân viên trên theo phương pháp PCR do Bệnh viện Nhi trung ương thực hiện đã cho kết quả âm tính SAR-CoV-2, nhân viên này được yêu cầu cách ly để theo dõi tiếp. Tới 22h cùng ngày, Bộ GTVT gỡ lệnh phong toả và cho cán bộ, nhân viên bộ về nhà. (LêViệt)

19/05/2021 09:54

Quân đội cấp tốc lập 2 bệnh viện dã chiến ở Bắc Ninh và Bắc Giang

Hai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm được cấp tốc triển khai tại cơ sở 2 Trường Sĩ quan Chính trị ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

19/05/2021 09:58

Hầu hết các địa phương hoàn thành tiêm vắc xin, đánh giá chuẩn bị đợt tiêm mới

Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, đại diện Chương trình Tiêm chủng Quốc gia cho biết: Hầu hết các tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc tiêm vắc xin và đang tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai cho những đợt tiêm tiếp theo.

Tính đến 16 giờ ngày 18/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.011.395 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.852 người.

Tính đến 16 giờ ngày 18/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.011.395 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.852 người. (Lê Vũ)

19/05/2021 10:07

24 giờ, thế giới ghi nhận thêm 12.665 ca tử vong vì COVID-19

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới

Cả thế giới có 164.850.287 ca mắc, trong đó 143.684.954 đã khỏi bệnh; 3.416.888 tử vong và 17,748.446 điều trị (100.868 ca diễn biến nặng)

Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 578.137 ca, tử vong tăng 12.665 ca

Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 16.442 ca, trong đó: Malaysia tăng 4.865 ca, Philippines tăng 4.487 ca, Indonesia tăng 4.185 ca, Thái Lan tăng 2.473 ca, Campuchia tăng 345 ca, Lào tăng 49 ca, Singapore tăng 38 ca.

Tại Việt Nam, tính từ 18h ngày 18/5 đến 6h ngày 19/5 có 31 ca mắc mới (BN4513-4543 ):

- 01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hồ Chí Minh.

- 30 ca mắc ghi nhận trong nước tại Bắc Ninh (16), Bắc Giang (10), Lạng Sơn (3), Hồ Chí Minh (1), trong đó:

+ Số ca mới trong khu cách ly: 08 ca

+ Số ca mới trong khu vực được phong tỏa: 22 ca

Tính đến 6h ngày 19/5:

- Việt Nam có tổng cộng 3.072 ca ghi nhận trong nước và 1.471 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 1.502 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 121.010, trong đó:

- Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 2.217

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 32.348

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 86.445

- Tính đến ngày 18/5/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 3.324.043 mẫu tương đương 4.398.533 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện được 548.538 mẫu tương đương 871.594 lượt người. (Thuận Phương)

19/05/2021 10:17

19/05/2021 10:44

TPHCM: Kết quả xét nghiệm các trường hợp liên quan đến 2 ca mắc mới COVID-19

Ngày 19/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) báo tin vui khi hầu hết các mẫu xét nghiệm COVID-19 có liên quan đến 2 bệnh nhân ở Thành phố Thủ Đức và quận 7 (TPHCM) đều có kết quả âm tính.

Trước đó, ngày 18/5 ghi nhận bệnh nhân 4514 cư ngụ tại Thành phố Thủ Đức là trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng. Chiều tối cùng ngày phát hiện thêm 1 trường hợp nghi nhiễm cư trú tại quận 7 (đang chờ Bộ Y tế công bố). Đây là 2 trường hợp cùng làm việc theo dự án tại công ty Grove ở phường 6, quận 3. Căn cứ kết quả xét nghiệm, yếu tố dịch tễ, dấu hiệu lâm sàng, thành phố nhận định nguồn lây là từ bệnh nhân tại quận 7. HCDC đang tiếp tục triển khai các biện pháp truy vết, xác định nguồn lây.

“Đối với bệnh nhân 4514, bốn trường hợp sống cùng nhà bao gồm mẹ, vợ và 2 con đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Bảy người làm việc chung nhóm thì có 1 trường hợp nghi nhiễm là bệnh nhân tại quận 7, sáu người còn lại âm tính lần 1. Mở rộng xét nghiệm giám sát với 700 mẫu tại công ty mà vợ bệnh nhân 4514 làm việc, 4.505 mẫu tại chung cư SunView Town, tất cả cũng đã có kết quả âm tính.

Đối với trường hợp nghi nhiễm tại quận 7, 60 người cư ngụ tại căn nhà cho thuê trọ cùng bệnh nhân này cũng đã có kết quả âm tính” – ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC cho biết.

Thành phố tiếp tục thực hiện giám sát người sau cách ly về cư trú trên địa bàn. Giám sát bệnh nhân sau xuất viện theo quy định, hiện số bệnh nhân đang trong thời gian giám sát là 24 người. Tăng cường giám sát hoạt động tại các khu cách ly tập trung. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, khu cách ly tập trung.

Lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại Thành phố; Xét nghiệm đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly về cư trú tại thành phố. Lấy mẫu giám sát định kỳ nhân viên làm tại sân bay, nhân viên làm việc tại cảng hàng hải.

Tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện, lấy mẫu toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân từ ngày 12/5/2021. Hiện chưa phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Triển khai giám sát ngẫu nhiên hành khách từ các tỉnh thành khác đến thành phố tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 4/5, 5.549 mẫu xét nghiệm đã có kết quả âm tính.

Được biết từ ngày 30/4 đến nay, ngành y tế Thành phố đã mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên các khu vực nguy cơ như bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, cảng hàng hải, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, người lao động tại các doanh nghiệp… 37.795 mẫu đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC khuyến cáo: “Người dân cần cảnh giác cao độ vì ai cũng có thể là F0; luôn thực hiện 5K khi ra khỏi nhà và theo dõi thông tin và thực hiện theo khuyến cáo ngành y tế”.

Hiện, Thành phố có 3.895 người đang cách ly tập trung, 296 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. (Uyên Phương)

19/05/2021 11:36

Bắc Ninh: Một ca mắc COVID – 19 nặng phải lọc máu liên tục

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống COVID – 19 tỉnh Bắc Ninh, tính đến 6h00’ ngày 19/5, toàn tỉnh nghi nhận 336 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 39 ca mắc mới (tất cả đều là những trường hợp đã được cách ly). Huyện Thuận Thành có số ca cao nhất với 277 người.

Tỉnh Bắc Ninh đã rà soát được 3.191 trường hợp F1, 27.081 trường hợp F2. Tổng số mẫu lấy xét nghiệm là 197.427 mẫu (trong ngày 18/5/2021 lấy tổng số 36.441 mẫu, trong đó 890 mẫu làm test nhanh và 35.551 mẫu làm PCR), có 174.945 mẫu đã có kết quả, 22.482 mẫu đang chờ kết quả.

Tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện cách ly y tế 28.969 trường hợp, trong đó tại cơ sở y tế 550 trường hợp, tại cơ sở tập trung 2.630 trường hợp, tại khách sạn 418 trường hợp, tại nơi lưu trú 25.371 trường hợp.

Số bệnh nhân chuyển viện trong ngày 18/5/2021 có 1 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh là 24 ca, trong đó có 2 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân lọc máu liên tục.

Tỉnh Bắc Ninh phong tỏa cách ly y tế đối với toàn bộ thành phố Bắc Ninh gồm 19 phường, 114 khu dân cư với tổng số 84.338 gia đình, 267.980 nhân khẩu. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ xã Đông Phong, huyện Yên Phong, với tổng số 2.673 hộ gia đình, 12.450 nhân khẩu, kể từ 12 giờ 00 phút ngày 18/5 đến ngày 21/5.

Tỉnh Bắc Ninh thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân trên địa bàn. Tạm dừng tất cả hoạt động vận tải hành khách đối với các tuyến xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe khách du lịch và taxi (trừ trường hợp xe hợp đồng đưa đón công nhân, chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID – 19 theo quy định).

Tăng cường hỗ trợ các xe vận chuyển hàng hóa của một số tỉnh/thành lân cận đi qua các chốt/trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; đảm bảo các phương tiện phải tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS - CoV-2 bằng phương pháp test nhanh cho người lao động, người cung cấp dịch vụ làm việc tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tại các chợ đầu mối và cho đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh triển khai xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng, lấy mẫu tại các khu nhà trọ của công nhân trên địa bàn tỉnh, lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho người dân xã Mão Điền.

Tỉnh Bắc Ninh duy trì nghiêm hoạt động 8 chốt liên ngành kiểm soát cấp tỉnh, 19 chốt cấp huyện, 297 chốt cấp xã tại các khu vực thiết lập vùng cách ly y tế đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào phục vụ công tác phòng chống dịch. (Nguyễn Thắng)

19/05/2021 11:49

Một ca dương tính SARS-CoV-2 từ TPHCM về Hải Phòng ở dài ngày

Sáng 19/5, Sở Y tế TP Hải Phòng thông báo khẩn về trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trú tại TP Hồ Chí Minh, có lịch trình di chuyển về Hải Phòng và lưu trú dài ngày.

Trường hợp này là chị Đ.M (SN 1987, trú phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh), là chuyên viên kiểm toán tại Công ty TNHH Deloitte địa chỉ 36 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé (quận 1).

Theo dịch tễ bước đầu xác định, ngày 24/4, chị Đ.M di chuyển trên chuyến bay VN1180 từ sân bay Tân Sơn Nhất về Cát Bi. Sau đó, chị di chuyển bằng taxi về nhà mẹ ở 75 Lý Thánh Tông, phường Vạn Sơn (quận Đồ Sơn).

Từ 24/4-1/5, chị ở nhà với mẹ. Từ 1-3/5, chị sang nhà thăm nhà người thân tại xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên. Từ 3-5/5, chị trở lại nhà mẹ tại quận Đồ Sơn. Chiều 5/5, di chuyển ra sân bay Cát Bi rồi lên trên chuyến VN1179 vào Tân Sơn Nhất sau đó di chuyển về nhà. Sau khi về TP Hồ Chí Minh, từ 6-7/5, bệnh nhân đi làm.

Đến 8/5, chị Đ.M có biểu hiện ốm sốt, tự mua thuốc dùng tại nhà. Những ngay sau đó, bệnh nhân có đi làm và đi đến một số địa điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 18/5 do được xác định có tiếp xúc gần với BN4514 được phát hiện trước đó, chị được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, chị Đ.M được cách ly y tế tại Quận 7, TP HCM.

Sở Y tế thành phố đề nghị những người tiếp xúc gần, liên quan lịch trình di chuyển của bệnh nhân cần đến ngay trạm y tế nơi cư trú khai báo y tế để được hướng dẫn xét nghiệm, áp dụng biện pháp phòng chống COVID-19. (Nguyễn Hoàn)

19/05/2021 17:47

Ca mắc COVID-19 ở TP Thủ Đức nhiễm biến chủng Ấn Độ

Trước đó, TPHCM ghi nhận 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có BN 4514 cư ngụ tại chung cư SunVeiw Town, Thành phố Thủ Đức. Bệnh nhân là N.Q.N. (nam, 35 tuổi), nhân viên kiểm toán của Công ty Deloitte, có địa chỉ ở phường 6, quận 3. Trong vòng 30 ngày qua, người này không ra khỏi thành phố.

Theo thông tin báo cáo, nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng Đại Học Oxford, đã lấy mẫu bệnh phẩm ngày 18/5 của BN 4514 và thu nhận được 1 bộ gene SARS-CoV-2 từ 1 mẫu RNA đưa vào phân tích.

Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy bộ gene thu được thuộc biến chủng B.1.617.2. Kết quả xác định đột biến bằng COV-GLUE cho thấy, bộ gene mang 6 đột biến thay đổi aminoacid tiêu biểu (T19R, L452R, T478K, D614G, P681R, D950N) và một đột biến đứt đoạn (156-158) trên vùng protein gai của biến chủng B.1.617.2. Qua đó kết luận BN4514 nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng Ấn Độ B.1.617.2, cùng chủng đang lưu hành hiện nay tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Liên quan đến BN 4514 còn có trường hợp nhiễm đã được xác định (đang đợi Bộ Y tế công bố) cư ngụ tại quận 7. Hai người cùng làm việc chung trong một đội 8 người tại một phòng làm việc trong công ty Grove, đường Pasteur, ở quận 3. Bệnh nhân cư ngụ tại quận 7, theo lời khai, đã rời khỏi TP.HCM từ ngày 24/4 đi Hải Phòng và trở về thành phố ngày 5/5 trên chuyến bay đi VN1179 từ Hải Phòng đến TP.HCM.

Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, tự mua thuốc uống vào ngày 8/5. Căn cứ kết quả dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ và xét nghiệm thì có nhiều chứng cứ cho thấy BN 4514 bị lây từ bệnh nhân cư ngụ tại Quận 7.

"Tuy nhiên, đối với trường hợp bệnh nhân ở quận 7, do tình trạng bệnh đang quá trình hồi phục nên rất khó để thực hiện giải trình tự gene. Nhưng nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng hết sức để có thể giải trình tự bộ gen của SARS-CoV trên bệnh nhân này" - HCDC cho biết. (Uyên Phương-40)

19/05/2021 20:18

TT-Huế tiếp tục cấp căn cước công dân, hủy giãn cách, khoanh vùng một số nơi

Chiều 19/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế tổ chức họp bàn các biện pháp tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm điều kiện tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23/5 tới.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, trên cơ sở kết quả xét nghiệm các F1, F2, tầm soát diện rộng và các biện pháp phòng chống dịch, đến ngày 19/5, tỉnh TT-Huế quyết định điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các địa bàn phong tỏa, giãn cách.

Cụ thể, tỉnh TT-Huế thực hiện lệnh dỡ bỏ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với huyện Phong Điền bắt đầu có hiệu lực từ 7 giờ sáng 19/5.

Xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, nơi có ca mắc COVID-19) dỡ bỏ biện pháp khoanh vùng, phong tỏa kể từ 7 giờ sáng 19/5; chuyển sang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.

Tỉnh TT-Huế cũng quyết định dỡ bỏ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, kể từ 7 giờ sáng 19/5.

Trước đó, huyện Phong Điền đã thực hiện giãn cách xã hội đối với thị trấn Phong Điền, xã Phong Hòa và xã Phong Thu. Riêng xã Phong Hiền bị khoanh vùng, phong tỏa và cách ly tạm thời vào trưa 9/5 do có ca mắc COVID-19...

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế, đến nay, tại TT-Huế không phát sinh thêm ca mắc mới, dịch bệnh đang được kiểm soát.

Tuy nhiên, tình hình dịch trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và mọi người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Tại cuộc họp chiều 19/5, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ chấp nhận đề xuất tiếp tục triển khai cấp căn cước công dân sau thời gian tạm dừng, và yêu cầu phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch cho người dân và cán bộ chiến sĩ; chỉ thực hiện đối với công dân trong tỉnh chưa đi ra khỏi địa phương trong 21 ngày. (Ngọc Văn)

Ngay sau khi kết thúc chương trình làm việc với Bắc Giang, chiều 18/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tới Bắc Ninh làm việc về công tác phòng chống dịch COVID-19. Bày tỏ mối lo ngại dịch xảy ra tại các KCN, khu cộng đồng nơi có công nhân ở, bà Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, toàn tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp với 1.600 doanh nghiệp, hơn 332.000 công nhân. “Đáng lo là ngay trong tối 17/5, số người Bắc Giang về Bắc Ninh rất đông. Họ tá túc tại nhà trọ, nhà người quen nên lực lượng y tế rất vất vả trong việc truy vết rà soát đối tượng này”, bà Lan nói.

Theo thống kê, 10% trong số công nhân ở Bắc Ninh là người Bắc Giang sang làm việc, tỉnh đã rà soát toàn bộ người liên quan đến Bắc Giang và yêu cầu xét nghiệm ngay, đồng thời đề nghị khu dân cư quản lý chặt, không để người dân ra khỏi nhà khi chưa có kết quả. Tuy nhiên, tại nhiều khu công nghiệp, công nhân đã tỏa đi các nơi.

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.000 chuyên gia, trong đó có 4.000 chuyên gia ở Bắc Ninh nhưng làm việc tại Bắc Giang, tập trung ở những khu công nghiệp đang “nóng” về dịch ở Bắc Giang.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị sẵn kịch bản có 3.000 ca mắc để phòng chống dịch. Còn GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư gợi ý Bắc Ninh bắt buộc xét nghiệm mẫu đơn đối với F1, còn F2 có thể gộp mẫu để xét nghiệm. Khu vực có nguy cơ cao nên sử dụng xét nghiệm PCR, những nơi không có nguy cơ cao thì nên xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Về điều trị, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng có bất cập khi gần 300 bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Ninh đang được điều trị rải rác ở 12 cơ sở y tế. “Điều này sẽ khiến nguy cơ lây sang bệnh nhân khác cao hơn. Tỉnh nên gom bệnh nhân COVID-19 điều trị tại một số cơ sở y tế nhất định, trong đó có đơn vị chuyên điều trị bệnh nhân nặng”, ông Cơ nói.

Ngăn chặn dịch trong cộng đồng

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng của Bắc Ninh là phải đảm bảo ngăn chặn dịch trong cộng đồng, đặc biệt hơn cả là đảm bảo an toàn tối đa cho các nhà máy, doanh nghiệp. Nếu để lây lan trong KCN thì rất vất vả. Bài học của Bắc Giang là ví dụ điển hình.

“Điều quan ngại nhất ở Bắc Ninh là lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp. Hiện một số nhà máy đã xuất hiện ca nhiễm”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh phải song song cả kiểm soát tốt dịch ở cộng đồng và ở KCN. Ông lưu ý tỉnh Bắc Ninh về vấn đề cách ly, phải “đóng băng” xã Mão Điền và giám sát chặt chẽ mới ngăn được nguồn lây. Còn huyện Thuận Thành phải áp theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nhưng ở cấp độ cao hơn, vì giãn cách là để tăng tốc độ đuổi theo dịch.

Về xét nghiệm, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế sẽ chuyển 10.000 test xét nghiệm RT-PCR cho Bắc Ninh, nếu tỉnh cần thêm thì Bộ sẽ điều phối cấp thêm; đồng thời giao Đại học Y Hà Nội phối hợp địa phương lấy mẫu và xét nghiệm.

“Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Bắc Ninh ở khả năng cao nhất. Phòng chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh thành công thì sẽ thành công trên toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. (Thái Hà-BG)

MỚI - NÓNG