Vài ngày trước, vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên xa lộ Hà Nội, giữa xe khách và xe container làm 3 người bị thương đã thực sự đẩy nỗi bức xúc liên quan đến việc thi công công trình cẩu thả lên đến cao trào.
Thi công gây họa
Bức xúc nhiều nhất có lẽ là cư dân quận 2. Theo họ, nguyên nhân vụ tai nạn nêu trên xuất phát từ việc dải phân cách bị đẩy ra ngoài để phục thi công công trình trên xa lộ Hà Nội nhưng không hề cảnh báo từ xa.
Cụ thể, ở thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe container lưu thông trên xa lộ Hà Nội, hướng từ quận Thủ Đức qua quận Bình Thạnh. Khi qua vòng xoay trạm thu phí cũ (phường Thảo Điền, quận 2) khoảng 200 m, do dải phân cách giữa 2 làn ô tô và xe máy bị đẩy lùi ra ngoài khiến tài xế phải thắng gấp để cho xe chuyển làn. Cùng lúc, xe khách chở 29 người lưu thông cùng chiều phía sau không kịp xử lý đã tông thẳng vào đuôi xe container.
“Vị trí xảy ra vụ tai nạn vốn có 3 làn ô tô nhưng chỉ còn 2 do đoạn dải phân cách bằng bê-tông dài gần 200 m bị đẩy ra ngoài để phục vụ công trình thi công dự án Mastery Thảo Điền do Công ty CP Đầu tư Thảo Điền là chủ đầu tư. Thế nhưng, xung quanh khu vực này chỉ có 1 biển báo được treo tạm bên lề xa lộ Hà Nội với nội dung thông tin tên nhà thầu chính chứ không hề cảnh báo sự thay đổi việc bố trí dải phân cách” - anh Trung, một cư dân quận 2, nói.
Tuy tai nạn đã xảy ra, dân bức xúc nhưng hôm 14/12, tức sau 4 ngày xảy ra vụ tai nạn, chúng tôi trở lại khu vực này vẫn chưa thấy có biển báo từ xa để cảnh báo cho xe cộ chủ động chuyển làn, tránh tai nạn đáng tiếc như trên. “Đa số tài xế đều bị bất ngờ và phải đột ngột thắng lại khiến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao” - một tài xế tên Thành lo sợ sẽ có tai nạn xảy ra tiếp nếu không được khắc phục.
Cũng ở địa bàn quận 2, cả tháng nay cứ có việc đi trên đường Mai Chí Thọ vào ban đêm là người dân lại lo sợ. “Đoạn đường này có rất nhiều địa điểm thi công vô cùng bầy hầy. May mà mình là dân địa phương nên biết để né chứ không như không ít trường hợp người dân nơi khác phải thắng gấp, té xe, trầy xước” - anh Trung nói.
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (đơn vị quản lý tuyến xa lộ Hà Nội), việc dời dải phân cách ra ngoài và phương án tổ chức giao thông qua khu vực trên đã được Sở Giao thông Vận tải TP HCM phê duyệt. Đoạn rào chắn để thi công trên 1 làn đường của xe 2 bánh hiện đang được chủ đầu tư triển khai xây cầu vượt qua đường ống thoát nước. “Tuy nhiên, nếu đơn vị thi công chưa thực hiện đúng việc lắp các biển báo thông tin cụ thể về công trình và sự thay đổi dải phân cách trên xa lộ Hà Nội, chúng tôi sẽ gấp rút kiểm tra và xử lý theo đúng quy định” - ông Hùng khẳng định.
“Dân bức xúc, tai nạn xảy ra đã gần chục ngày nhưng đến nay đơn vị quản lý tuyến đường mới gấp rút kiểm tra. Công tác kiểm tra an toàn giao thông liệu có ổn?” - anh Trung đặt câu hỏi.
Thiếu khoa học
Ngoài công trình thi công gây họa thì việc bố trí, tổ chức giao thông bất hợp lý cũng trở thành những cái bẫy rình rập người đi đường.
Hiện nay, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ cầu Bình Lợi đến cầu Gò Dưa (thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), đang có nhiều nút giao thông khiến xe cộ lưu thông rối rắm, thường xảy ra tai nạn và kẹt xe.
Ghi nhận tại nút giao đường Hiệp Bình trổ ra đường Phạm Văn Đồng, hệ thống tín hiệu giao thông không có đèn quẹo trái từ Phạm Văn Đồng vào đường Hiệp Bình. Bất cập này khiến xe cộ quẹo trái vào đường Hiệp Bình phải cắt ngang làn ô tô. “Nhìn cảnh này ai cũng phát ớn. Mà ớn cũng phải vì TNGT xảy ra thường xuyên” - anh Nguyễn Đình Chí, một người dân ngụ tại đường Hiệp Bình, cho biết.
Cũng theo anh Chí, ngoài tai nạn rình rập ở nút giao thông trên thì tại cầu vượt vòng xoay cầu Bình Lợi, xe lưu thông từ cầu vượt qua cầu Bình Lợi và từ Quốc lộ 13 lên đường dẫn lên cầu Bình Lợi có hiện tượng cắt mặt nhau trên cầu khi xe máy từ cầu vượt phải tạt sang phải cầu để vào làn xe máy, trong khi ô tô từ đường dẫn lên phải cắt sang trái. “Ở đây đã có không ít vụ tai nạn xảy ra” - anh Chí thông tin thêm.
Ghi nhận tại khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) vào giờ cao điểm đi lại (từ 17 giờ đến 19 giờ) ngày 14-12, ngoài chuyện ùn ứ phương tiện thì ít nhất đã có 3 vụ va chạm giao thông xảy ra, bởi việc bố trí giao thông chưa phù hợp.
Ở nút giao thông này, lượng phương tiện chủ yếu đổ dồn từ đường Nguyễn Thái Sơn vào vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng để qua đường Hoàng Minh Giám, chỉ một lượng nhỏ ôm cua theo vòng xoay để qua đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, do bị xung đột với chiều lưu thông từ đường Hồng Hà ôm cua theo vòng xoay ra đường Phạm Văn Đồng đã dẫn đến ùn ứ và tai nạn.
Tai nạn hay xảy ra ở 2 cây cầu nối liền quận 5 và quận 8 là cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng cũng do việc bố trí giao thông không phù hợp. Nguy hiểm nổi lên nhất ở cầu Chánh Hưng chính là đèn tín hiệu giao thông đặt ngay dưới chân cầu, trong khi cầu này có độ dốc lớn, gây nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Theo TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM), các trục đường chính trên địa bàn TP vẫn còn nhiều nơi bố trí giao thông chưa phù hợp, gây ra tình trạng xung đột giao thông dẫn đến tai nạn và ùn tắc. Còn theo nghiên cứu của bà Nguyễn Phương Nguyệt Minh và các cộng sự (Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), việc thiết kế nhiều nút giao thông trên địa bàn TP hiện đã không còn phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế đô thị. Do đó, ngành giao thông TP cần rà soát những điểm bất hợp lý hiện hữu để từ đó khắc phục.
Ô tô dừng bừa bãi là hiểm họa trên đường cao tốc
Thống kê tại hội nghị bảo đảm an toàn giao thông cho cao tốc TP HCM - Trung Lương diễn ra ngày 18/12 cho thấy từ đầu năm đến nay trên tuyến cao tốc này đã xảy ra 74 vụ TNGT, làm 14 người chết, 35 người bị thương.
Theo đại diện Cục CSGT - Bộ Công an nguyên nhân dẫn đến việc TNGT xảy ra trên đường cao tốc đa phần là do việc tùy tiện dừng đậu của tài xế. “Hiện nay, mặc dù trên đường cao tốc cấm phương tiện dừng đậu nhưng nhiều tài xế vẫn ngang nhiên dừng, gây nguy hiểm” - đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.