Ngày 21/6, Cục Quản lý Đường bộ (QLĐB) II thông tin, ngày hôm qua (20/6) đơn vị phối hợp với Ban ATGT tỉnh Nghệ An, Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, UBND huyện Diễn Châu và một số đơn vị liên quan đã đến xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu kiểm tra.
Theo ông Lê Hồng Hà – Phòng ATGT Cục QLĐB II cho biết: “Đoạn quốc lộ 1A đi qua xã Diễn Kỷ có 3 trường học, cổng chính hướng ra quốc lộ gần với điểm mở giao thông 6m. Trước đây, Cục đã báo cáo ra Tổng cục để mở rộng ra 24m và cho phép quay đầu xe, tuy nhiên lại gần với điểm mở khác nên sợ hỗn loạn giao thông… Đoàn thống nhất kiến nghị Tổng cục mở rộng điểm giao cắt lên 18m nhưng giữ nguyên là không cho quay đầu xe đối với ô tô để tránh ùn tắc. Mặt khác, Cục yêu cầu các bên liên quan lập hồ sơ điểm đen hoặc điểm tiềm ẩn”.
“Trao đổi nhanh với Vụ An toàn giao thông - Tổng Cục Đường bộ thì được yêu cầu, đề nghị với huyện có phương án lâu dài, hạn chế học sinh ra quốc lộ. Chứ cùng một thời điểm mà học sinh cả 3 trường ra quốc lộ thì việc mở giải phân cách chưa giải quyết được. Đồng thời, làm cầu vượt cho học sinh, xe đạp, xe máy có thể qua”, ông Hà thông tin thêm.
Nói về vấn đề trên, ông Phạm Minh Tâm – Phó Vụ Trưởng Vụ An toàn Giao thông (Tổng Cục Đường bộ - Bộ GTVT) cho biết: “Sau khi tiếp nhận phản ánh từ báo Tiền Phong và xem video ghi lại cảnh qua đường tại đoạn QL1 qua Diễn Kỷ, Diễn Châu, (Nghệ An), Tổng cục đã có ý kiến với Cục QLĐB II. Trước mắt, Cục QLĐB II đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp xuống hiện trường khảo sát, thảo luận để thống nhất phương án đảm bảo an toàn giao thông qua đoạn đường này, báo cáo Tổng cục quyết định trong thẩm quyền, hoặc vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Bộ GTVT quyết định”.
Học sinh đứng đợi qua đường giờ tan lớp.
Dù vậy, theo ông Tâm, phương án tối ưu và an toàn nhất là làm cầu vượt dân sinh qua đoạn này. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc địa phương có đảm bảo giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu vượt được không. Nếu địa phương giải phóng được mặt bằng, sẽ thực hiện xây dựng cầu vượt nối tuyến đường dân sinh bắc qua QL1. Cầu vượt có thể ở mức đảm bảo cho xe máy, xe đạp lưu thông, lớn hơn có thể là xe thô sơ, xe con đi qua được. “Việc đầu tư làm cầu vượt cũng không quá tốn kém, nhưng phụ thuộc vào địa phương có giải phóng được bằng không”, ông Tâm nói.
Về giải pháp trước mắt, theo lãnh đạo Vụ An toàn Giao thông, địa phương có thể bố trí thêm lực lượng công an, cảnh sát giao thông, thanh niên tình nguyện… cắm chốt điều tiết, hướng dẫn giao thông vào giờ cao điểm (giờ tới lớp và tan trường). Đồng thời, các trường học có thể mở thêm cổng phụ không hướng ra QL1, để học sinh về nhà không phải qua QL1 có thể đi phía cổng phụ, thay vì tất cả cùng đổ ra quốc lộ. Cùng với đó là bố trí thêm biển báo, gờ giảm tốc…
“Trong tương lai, các địa phương cũng không nên bố trí xây dựng trường học, bệnh viện, chợ, khu công nghiệp… bám theo QL1, hoặc mở cổng thẳng ra quốc lộ. Vì cách bố trí như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn lên giao thông và luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”, ông Tâm nói thêm.
Với phương án mở rộng điểm mở ở giải phân cách QL1, theo ông Tâm, điều này chưa hẳn tốt, vì đoạn mở hẹp xe lưu thông trên QL1 qua đoạn giao cắt nguy hiểm sẽ ít hơn, giảm rủi ro. Còn nếu mở rộng lối sang đường, đoạn đường nguy hiểm dài hơn, rủi ro sẽ tăng thêm.
Nói về phương án tổ chức nút giao có đèn đỏ tại khu vực này, ông Tâm cũng không đồng tình, phương án này cũng không phải tốt. Vị này lý giải, trong tổ chức giao thông, việc làm đèn đỏ trên các tuyến quốc lộ chính, như QL1 đều không được ưu tiên. Điển hình như vụ xe tải đâm hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ đoạn QL1 qua Long An hồi tháng 1 vừa qua. Ngoài ra, khi dừng đèn đỏ, các phương tiện, đặc biệt xe máy thường hay vượt đèn ở những giây cuối, hoặc khoảng đèn vàng. Chưa kể, khi xe tải dừng, đỗ, đạp ga đi tiếp… thường phá hỏng kết cấu đường bộ.
Như Tiền Phong đưa tin, người dân tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An), phản ánh, các điểm mở quá ngắn và lệch với đường ngang từ phía dân cư đi ra QL 1A nên gây khó khăn cho người dân. Bất cập nhất là tại khu vực khoảng 100m tập trung 3 trường học gồm tiểu học, trung học sở sở và trung học phổ thông với hàng ngàn học sinh nhưng chỉ có một điểm mở rất ngắn.