TPO - Việt Nam hiện có hơn 300 loài rắn được phát hiện và công bố. Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, nhiều loài trăn đã thay đổi kích thước của mình cho phù hợp với hoàn cảnh sống. Sau đây là 3 loài trăn có kích thước lớn nhất Việt Nam.
1. Trăn đất
Hình ảnh một cá thể trăn đất.
Trăn đất còn được gọi là trăn mốc, trăn hoa hay trăn đá. Đây là loài trăn sống chủ yếu ở vùng Nam và Đông Nam Á. Trăn đất có kích thước trung khoảng 3m, người ta đã phát hiện một cá thể loài trăn này dài đến 8m và nặng 120kg ở rừng U Minh. Trăn đất cái có thể đẻ từ 15 đến 25 trứng mỗi lứa, khi đẻ, chúng thường quấn quanh tổ để đẻ trứng.
Khác với nhiều loài rắn, trăn đất sống chủ yếu ở các vùng rừng thứ sinh nghèo, trảng cỏ và đất rẫy ven rừng. Nông dân các vùng mới khai hoang thường xuyên phát hiện loài trăn này trên nương rẫy. Chúng hoạt động chủ yếu vào ban đêm, ban ngày chúng nằm vắt trên cây vào mùa nóng hoặc thu mình trong hang đất, tổ mối vào mùa lạnh.
2. Trăn cộc
Da trăn cộc có thể có màu đỏ hoặc đỏ gạch.
Trăn cộc là loài trăn sinh sống ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, chúng sống chủ yếu ở miền Nam. Trăn cộc trưởng thành dài 1,5-2,5m và khá nặng, đuôi rất ngắn so với thân. Da trăn cộc có các màu: nâu vàng hoặc nâu xám, điểm các đốm màu đỏ hoặc đỏ gạch.
Loài trăn này có đầu nhỏ, hình tam giác. Ở mỗi bên mép trên của trăn có hai hõm vảy nằm ở hai vảy mép sát đầu mõm. Có hai gai nhỏ (hình cựa) ở hai bên lỗ hậu môn.
3. Trăn gấm
Trăn gấm có đầu dài và nhỏ.
Loài trăn gấm lần đầu tiên được Schneider mô tả vào năm 1801. Đây là loài trăn có đầu dài và nhỏ, màu vàng nhạt hay nâu. Chúng có một vệt xám đen mảnh chạy dọc chính giữa từ mõm tới gáy nối liền với vết trên lưng. Một vệt đen khác từ sau mắt chạy xiên xuống góc mép. Trên thân và đuôi có các đường xám đen nối với nhau tạo thành dạng mắt dưới nổi trên nền màu vàng nâu. Chiều dài của trăn gấm có thể đạt đến 6,95m. Trong lịch sử, người ta đã tìm thấy những con trăn gấm dài đến 10m, tức là dài hơn rắn khổng lồ anaconda ở Nam Mỹ.