TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, năm nay, dịch SXH đến sớm hơn mọi năm và diễn biến bất thường. Tại Khoa Truyền nhiễm, từ đầu năm 2017 đã có 60 ca SXH nhập viện điều trị nội trú. Trên thực tế số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú lớn hơn rất nhiều. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là học sinh, sinh viên đến từ các khu dân cư đông đúc như các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy là nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên khi điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo.
Điển hình là trường hợp em T.T.N.Q, 22 tuổi, sinh viên thuê trọ tại đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội. Ngày 10/5, T.T.N.Q được chuyển đến Khoa Truyền Nhiễm trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, kinh nguyệt ra sớm và nhiều hơn bình thường.
Điều đáng chú ý là do nhận thức và hiểu biết về bệnh SXH còn hạn chế nên bệnh nhân sốt cao liên tục đến ngày thứ 5 mới đi khám và nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus SXH Dengue, tiểu cầu hạ chỉ còn 69 G/L, men gan tăng. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện ngày 15/5.
Theo TS Đoàn Thu Trà, Phó Khoa Truyền nhiễm, SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt theo phác đồ của Bộ Y tế, theo dõi tiến triển bệnh bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.
Đặc điểm của muỗi truyền virus gây bệnh SXH thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Nếu trong nhà có người bị SXH, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi...), đồng thời vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng.
SXH có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí nhiều người tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù SXH là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Các chuyên gia đánh giá, sự nguy hiểm của căn bệnh SXH ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị các bệnh viện khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, các chế phẩm máu, nhân lực để tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh SXH. Duy trì “Nhóm điều trị SXH Dengue” tại bệnh viện. Duy trì liên tục “Đường dây nóng phòng chống dịch SXH” để tuyến dưới có thể thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn cho tuyến dưới.