Dịch giả Việt và lần gặp nữ nhà văn Han Kang vừa giành Nobel Văn học 2024

TPO - Dịch giả Hoàng Hải Vân là một trong những người đầu tiên chuyển ngữ tác phẩm của nhà văn Han Kang sang tiếng Việt. Vô tình đọc được truyện ngắn "Vết chàm Mongolia" và bị cuốn hút bởi phong cách của tác giả, dịch giả Hoàng Hải Vân quyết định đưa tác phẩm này đến với bạn đọc Việt Nam.

Khắc sâu nỗi đau tâm lý

Người ăn chay là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Han Kang được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Liên truyện do Hoàng Hải Vân dịch sang tiếng Việt và được NXB Trẻ xuất bản năm 2011. Đến gần 10 năm sau, các tác phẩm khác của Han Kang mới được dịch và xuất bản tiếp tại Việt Nam.

Người ăn chay được coi là một trong những tác phẩm đưa tên tuổi nữ nhà văn vừa đạt Nobel Văn học ra nước ngoài. Người ăn chay là liên truyện gồm 3 truyện ngắn được kể dưới góc nhìn của ba nhân vật trong gia đình về Yeong Hye sau khi cô từ chối ăn thịt.

Dịch giả Việt và lần gặp nữ nhà văn Han Kang vừa giành Nobel Văn học 2024 ảnh 1

Người ăn chay là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Han Kang được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Truyện ngắn Người ăn chay được kể bằng giọng của người chồng, Vết chàm Mongolia được kể dưới giọng của người anh rể và Cây pháo hoa được kể dưới giọng của người chị gái.

Ba người đều kể câu chuyện về Yeong Hye trong mối liên quan về quan hệ của họ với cô, và mối tương quan với những mưu cầu, mong muốn, cảm xúc, tình cảm của họ với nhân vật chính dưới góc nhìn của họ.

Dịch giả Hoàng Hải Vân ấn tượng với phong cách viết của nhà văn Han Kang và quyết định chuyển ngữ Người ăn chay. Khi đọc truyện và thực hiện chuyển ngữ cho tiểu thuyết cô cho biết truyện "quá ám ảnh".

Dịch giả Việt và lần gặp nữ nhà văn Han Kang vừa giành Nobel Văn học 2024 ảnh 2

Người ăn chay được xuất bản bằng tiếng Hàn vào năm 2007 và sau đó được dịch sang nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Italy, tiếng Thụy Điển…

"Tuyệt nhiên Yeong Hye không được cất lên tiếng nói của mình. Hành động của cô rất kỳ quái trong mắt họ, đầu tiên từ việc cô không thích mặc áo ngực vì khó chịu với sự bó buộc, đến việc cô không chịu ăn thịt sau những cơn ác mộng, chuyển sang ăn chay. Sau đó cô dần có cảm nhận mình muốn biến thành cây, cô cảm thấy khoái cảm khi người anh rể vẽ hoa lên người mình, cô như tìm được bản thể của mình, chỉ muốn được phơi nắng giống như quá trình quang hợp của cây hoặc chỉ cần tưới nước không cần ăn...", dịch giả Hoàng Hải Vân nêu.

Dịch giả Việt và lần gặp nữ nhà văn Han Kang vừa giành Nobel Văn học 2024 ảnh 3

Người ăn chay được coi là một trong những tác phẩm đưa tên tuổi nữ nhà văn vừa đạt giải Nobel Văn học ra nước ngoài.

Cả gia đình bố mẹ, chị gái, chồng, anh rể không ai hiểu được tại sao cô lại như vậy, nhưng không ai chịu tìm hiểu. Tác phẩm khắc họa rõ một người bố có di chứng tâm lý sau chiến tranh kéo theo những ám ảnh tâm lý lên người các con.

Người chị nhẫn nhịn cam chịu, dù chồng có tệ thế nào cũng không dám hé răng kêu nửa lời. Yeong Hye bị ám ảnh bởi bạo lực, máu, chết chóc dẫn đến ác mộng và sợ ăn thịt. Còn người em trai lại đánh nhau, bạo lực với bạn bè cùng lứa.

Yeong Hye chịu di chứng nặng nề nhất nên được lựa chọn tác giả để miêu tả điển hình. Khi không thể đáp ứng được kỳ vọng theo đúng mong cầu của những người xung quanh trong gia đình, cô đã trở thành nạn nhân của họ.

Kỷ niệm với Han Kang

Dịch giả Hoàng Hải Vân tự hào khi là một trong những người đầu tiên dịch truyện của nhà văn Han Kang.

Cô từng gặp và làm việc cùng nhà văn Han Kang. “Thời điểm đó tôi đang học thạc sĩ văn học hiện đại tại Đại học quốc gia Seoul và bắt đầu dịch văn học Hàn Quốc. Tôi đã có nhiều dịp đi điền dã văn học cùng các nhà văn Hàn Quốc trong đó có nhà văn Han Kang. Cô Han Kang rất ít nói, khiêm tốn giản dị, hòa đồng với mọi người", dịch giả Hoàng Hải Vân chia sẻ.

Thêm một điều ấn tượng về nhà văn Han Kang là nữ nhà văn luôn thể hiện sự trân trọng với những dịch giả - người giúp tác giả lan tỏa tác phẩm của mình ra thế giới.

Dịch giả Việt và lần gặp nữ nhà văn Han Kang vừa giành Nobel Văn học 2024 ảnh 4

Dịch giả Hoàng Hải Vân (giữa) và các dịch giả truyện Người ăn chay trong Festival Văn học châu Á vào năm 2018. Ảnh: NVCC.

Tại thời điểm thực hiện chuyển ngữ Người ăn chay, nhà văn Han Kang chỉ có truyện ngắn Vết chàm Mongolia trong liên truyện được giải thưởng văn học Lee Sang năm 2005. Cô vô tình đọc được truyện ngắn Vết chàm Mongolia của nhà văn Han Kang và bị cuốn hút bởi phong cách của tác giả.

"Tôi đã đọc một lèo trong một ngày, không thể dứt ra được vì truyện quá hay, quá ám ảnh. Tôi đã tìm đọc Han Kang thêm và đã quyết định dịch Người ăn chay. Tôi đã được Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc tài trợ để dịch cuốn này”, Hoàng Hải Vân kể lại.

Dịch giả Việt và lần gặp nữ nhà văn Han Kang vừa giành Nobel Văn học 2024 ảnh 5

Dịch giả Hoàng Hải Vân (áo xanh bên phải) cùng đoàn dịch giả quốc tế gặp mặt các nhà văn Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

Hoàng Hải Vân không gặp khó khăn khi dịch cuốn Người ăn chay, bởi Han Kang viết không khó hiểu. Tuy nhiên, dịch giả vẫn mất khá nhiều thời gian để tìm các từ ngữ tượng thanh, tượng hình hay các tính từ sao cho miêu tả bằng được không khí mà câu văn đang nói đến, hay những cảm xúc ẩn chứa trong từng câu chữ.

"Câu văn của nhà văn Han Kang rõ ràng mạch lạc, ngắn gọn, miêu tả chi tiết nhưng không dùng từ ngữ quá trừu tượng. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc câu văn không có chiều sâu hay không đem lại cảm xúc. Trái lại, tôi có thể cảm nhận được cảm xúc mãnh liệt trong từng câu văn của nữ tác giả", dịch giả Hoàng Hải Vân nêu

Người ăn chay đã bán hết, NXB Trẻ đang lên kế hoạch để tái bản cuốn sách trong thời gian sớm nhất. Nhiều độc giả cũng thể hiện sự mong chờ với sự trở lại của cuốn tiểu thuyết này.

Tin liên quan