Dịch cúm gia cầm trên đàn vịt chiếm hơn 80% Ảnh: Phạm Anh. |
Thưa ông, chỉ một tháng qua, dịch cúm đã lan ra 12 tỉnh, thành. Có vẻ cơ quan quản lý không kiểm soát được dịch?
Dịch cúm lan nhanh do thời tiết năm nay khác thường so với 2-3 năm trước, rét đậm, mưa phùn, làm cho virus phát tán nhanh, gia cầm yếu đi, dễ bị dịch. Mặc khác, hiện virus đã biến đổi, phân bố khắp cả nước trên đàn gia cầm, thủy cầm, chứ không phải lây từ nơi này xảy ra, rồi lan ra nơi khác.
Dịch cúm năm nay bùng phát trong thời gian ngắn, chủ yếu là ổ dịch nhỏ lẻ, có tỉnh một đàn, hai đàn. Không có hiện tượng chết hàng loạt như giai đoạn 2003-2004, hay 2007-2008. Đàn gia cầm mắc dịch chủ yếu là vịt thả đồng, nuôi nhỏ lẻ lẫn ngan, vịt, gà.
"Việc có nhiều ý kiến về dừng tiêm vaccine cúm gia cầm đợt một, tôi không phủ nhận gì cả, nhưng Bộ phải dựa vào các cơ sở nghiên cứu khoa học để chỉ đạo. Còn ý kiến cá nhân này, cá nhân kia mà không có cơ sở, thì Bộ chỉ tham khảo thôi, chứ không dám nói họ đúng sai gì cả” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần. |
Bên cạnh đó, một phần là do dừng chương trình tiêm phòng vaccine đợt 1 năm ngoái. Chủ trương là đúng, vì vaccine không hiệu quả, nếu tiêm sẽ gây lãng phí. Hơn nữa, qua theo dõi những năm tiêm và không tiêm, thì sự chênh lệch gia cầm chết không lớn lắm.
Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, số lượng gia cầm chết giảm dần. Số lượng gia cầm chết vì dịch bệnh của đầu năm 2012 cũng thấp hơn cùng kỳ những năm trước đó.
Tại sao lại dừng chương trình tiêm phòng vaccine, trong khi một số tỉnh tiêm họ nói vẫn có tác dụng?
Thông thường, gà tiêm phòng, sau đó thử độc lực nó phải sống 100% thì vaccine mới đạt, còn đạt 70% thì không đạt yêu cầu. Theo quy định của Việt Nam, tính bảo hộ phải đạt 80% thì mới được chấp nhận. Đây là mấu chốt của vấn đề.
Năm 2011, chúng tôi thử nghiệm với vaccine H5N1 Re-5 (nhập từ Trung Quốc, Việt Nam vẫn dùng trước đây), trên virus nhánh 2.3.2 (biến đổi thành hai nhánh phụ là 2.3.2-A và B, phân bố ở miền Bắc, Trung và Tây Nguyên) và virus nhánh 1 (phân bố ở miền Nam).
Kết quả cho thấy, tính bảo vaccine này đối với virus nhánh phụ 2.3.2 - A chỉ đạt 70% trong phòng thí nghiệm, ngoài thực tế tỷ lệ bảo hộ đạt còn thấp hơn; riêng nhánh B, không bảo hộ được.
Ở miền Nam, tỷ lệ bảo hộ đạt 100%, nên vẫn dùng vaccine này bình thường. Do đó, tính bảo hộ thấp nên, chúng tôi đã đề xuất dừng tiêm phòng vaccine đợt 1 năm ngoái ở miền Bắc, Trung và Tây Nguyên. Còn ở một số địa phương họ nói vẫn có tác dụng, thì phải nói là bảo hộ đạt 30-40% cũng gọi là có tác dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xảy ra dịch, mọi người vẫn nói là ra thực địa bảo hộ đạt 50-60%, có còn hơn không. Cái này, chúng tôi cũng chỉ đạo tiêm diện hẹp, bao vây ổ dịch. Còn tiêm rộng rãi thì tùy địa phương, có tiền thì cứ tiêm, không cấm.
Còn trong chương trình Quốc gia thì dứt khoát, vaccine phải bảo hộ đạt ít nhất trên 80% mới được, nếu không dẫn đến lãng phí tiền tiêm mà dịch vẫn xảy ra. Thực tế, mỗi năm T.Ư bỏ ra, cao nhất 99 tỷ đồng, thấp cũng 50-60 tỷ đồng để tiêm phòng vaccine. Các địa phương cũng bỏ ra một khoản tương ứng mỗi năm để chi cho tiêm phòng, trang thiết bị…
Ra một quyết định mang tính quốc gia không phải dễ, do vậy chúng tôi phải có những cơ sở khoa học, tổ chức hội nghị tư vấn có nhà khoa hoc, quản lý trong nước, tham gia của chuyên gia Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) và tổ chức Thú y Thế giới OIE...
Ông nói vaccine ở miền Bắc, Trung và Tây Nguyên hiệu quả không cao, vậy khi có dịch thì dân xử lý thế nào?
Chương trình mục tiêu thì không lấy vaccine để tiêm. Do vậy, tỉnh nào có kinh phí, điều kiện thì cứ tiêm, dù tỷ lệ bảo hộ vaccine chỉ có vậy. Tuy nhiên, theo tôi, với hiệu lực như hiện nay thì không nên tiêm đại trà, trừ những trại giống quý.
Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng chứ không duy nhất để chống dịch bệnh. Thực tế, thế giới có nhiều bệnh, chưa có vaccine, nhưng vẫn khống chế được bệnh. Mặt khác, xu hướng thế giới là thoát khỏi tiêm phòng vaccine.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, giám sát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh trên đàn gia cầm, xử lý triệt để. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt việc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, phát hiện, xử lý sớm gia cầm ốm, chết, không để dịch lan rộng, kéo dài; không giết mổ, vận chuyển gia cầm ốm, chết, không dùng làm thực phẩm... Cùng đó, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) trên người, kịp thời cấp cứu, điều trị, hạn chế thấp nhất tổn thất tính mạng và sức khỏe người dân. Theo Bộ NN&PTNT, đến chiều 21-2, cả nước có 12 tỉnh có dịch cúm gia cầm, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy trên 35 nghìn con, trong đó vịt chiếm 85%. |
Phạm Anh thực hiện