Thanh tra Chính phủ chỉ loạt dự án khu nghỉ dưỡng ‘vỡ tiến độ’ ở Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
TTCP chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Hòa Bình.
TTCP chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Hòa Bình.
TPO - Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra loạt dự án có nguồn gốc từ đất nông lâm trường ở Hòa Bình “vỡ tiến độ” như dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc, dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí ở huyện Lương Sơn… Đồng thời, TTCP đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình xem xét năng lực nhà đầu tư, xử lý thu hồi các dự án này nếu tiếp tục chậm tiến độ.

Loạt dự án khu nghĩ dưỡng"vỡ tiến độ"

TTCP vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018.       

Kết luận thanh tra chỉ rõ nhiều dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng sử dụng đất có nguồn gốc đất từ nông, lâm trường chậm tiến độ.

Theo TTCP, dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc tại TP Hòa Bình của Công ty cổ phần Đại Phú Phát đã giải phóng mặt bằng 16,82 ha/109ha (16%), chưa lập Quy hoạch chi tiết dự án, chưa đầu tư xây dựng, hiện đang trồng keo trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng. Dự án chậm tiến độ 6 năm 5 tháng.

Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch phân khu tại thành phố Hòa Bình chậm triển khai, không phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ. Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình không kiểm tra việc lập quy hoạch chi tiết, việc đầu tư xây dựng hạ tầng khi chưa có quy hoạch chi tiết tại dự án trong nhiều năm (từ năm 2007 đến nay).

Tại dự án Tổ hợp thể thao - văn hóa vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy) của Công ty CP du lịch Đồng Tâm, do quy hoạch ba loại rừng được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt điều chỉnh sau, nhiều diện tích đất thuộc dự án của Công ty có quy hoạch là đất rừng phòng hộ. “UBND tỉnh Hoà Bình đã có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án. Dự án hiện đang lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chưa đầu tư xây dựng trên đất; chậm tiến độ 7 năm”, kết luận thanh tra chỉ rõ.  

Tại dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí ở  huyện Lương Sơn, theo kết luận thanh tra, dự án đã giải phóng mặt bằng và nhận bàn giao mốc giới ngoài thực địa 67,8ha đất, còn khoảng 30ha/90 thửa của 65 hộ dân nằm xôi đỗ chưa GPMB, nên gặp nhiều khó khăn cho việc triển khai thi công xây dựng.

Theo TTCP, chủ đầu tư đã xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hiện đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Dự án chậm tiến độ 2 năm 5 tháng.

“Trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư các dự án nêu trên; trách nhiệm liên quan thuộc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng; trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hòa Bình”, TTCP khẳng định.

Trên cơ sở kết luận thanh tra nêu trên, TTCP kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình Chỉ đạo Sở ngành liên quan, phối hợp chủ đầu tư dự án sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường: Công ty cổ phần Đại Phú Phát, Công ty cổ phần du lịch Đồng Tâm,... khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng.

“Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, xem xét năng lực nhà đầu tư, xử lý thu hồi dự án theo quy định của pháp luật”, kết luận của TTCP nêu rõ.

Tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán đất

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Hòa Bình.

Theo TTCP quá trình quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường trải qua nhiều lần thay đổi pháp luật quản lý đất đai và các quy định, chính sách pháp luật đất đai nhưng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các bộ ngành còn chậm, chưa đồng bộ. 

Do còn buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán nên một số lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau là không phù hợp.

Ngoài ra, chất lượng kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật của các nông lâm trường vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa chủ động phát hiện các vấn đề, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của các nông lâm trường có nhiều biến động và diễn biến phức tạp; có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tồn tại nhiều năm nhưng không được giải quyết dứt điểm…

Trách nhiệm thuộc về các Công ty TNHH đang quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà. Trách nhiệm liên quan công tác quản lý nhà nước thuộc về Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh tỉnh Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện trên địa bàn nơi có đất nông lâm trường và trách nhiệm của UBND tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, việc giao khoán đất rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như giao khoán không đúng đối tượng trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp.

"Nhiều nông lâm trường, nhất là nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị", TTCP nêu.

Cũng theo TTCP, tại các đơn vị sau khi chuyển đổi, công tác quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo, nên một phần diện tích đất trước đây nông lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng trái phép...

"Trách nhiệm thuộc các Công ty TNHH đang quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà", TTCP kết luận chỉ rõ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.