Quả nhiên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau gửi ngay công văn đề nghị ông Hải cho ý kiến bằng văn bản về phát ngôn trên. Chưa kịp phản hồi bằng văn bản, song ông Hải nêu quan điểm qua báo chí, rằng câu của ông là bình thường với ai hiểu chuyện. Còn nếu cố tình nâng cao quan điểm thì cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Ông nói với phóng viên: “Không có ý gì với người dân U Minh thân thương cả. Anh chỉ muốn lấy hình tượng luật rừng ra để nhắc nhở tài xế vi phạm và cãi cọ. Người ta nghèo, người ta hiền, người ta dễ thương tại sao anh lại xúc phạm họ. Từ trái tim anh không bao giờ có suy nghĩ đó, chứ đừng nói là hành động”.
Quả thực nếu cứ nâng cao quan điểm thì ngay trong câu nói trên cũng có thể khui ra khối thứ. Chắc không ai ở U Minh phản đối khi được khen hiền, dễ thương nhưng cả huyện mà không bói ra người giàu thì… Rồi thì chả lẽ giàu thì sẽ có khả năng bị xúc phạm hơn?!
Trong giao tiếp hành chính, cần tránh lối nói bóng gió xa xôi. Nhưng cứ ra vỉa hè đối đáp với đủ mọi giới mà xem, không đơn giản. Tuy nhiên, phản hồi Ban Tuyên giáo Cà Mau chắc cũng dễ thôi. Ông Hải chỉ cần xin lỗi và nói “phát ngôn của tôi nói tới rừng chứ không phải huyện U Minh” là xong.
Cũng gặp rắc rối với địa danh, mới đây một nữ sĩ gốc Bắc ở TPHCM do bị mất cắp nhiều lần đã buột miệng chửi một câu đúng phương ngữ và gắn nó với địa danh Sài Gòn. Lập tức cô nhận vô số bài rủa xả dài ngoằng đúng kiểu “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”. Lần này thì cô sai rồi. Trong đời khó tránh lúc văng tục nhưng tốt nhất là đừng văng trên Facebook. Nó cũng giống như hút thuốc. Một mình không sao nhưng hút nơi công cộng sẽ bị phạt.