Địa chỉ của tình yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hằng ngày, khi trời còn chưa sáng, con hẻm nhỏ ở khu phố Đông Tân (phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lại nhộn nhịp người. Nơi đây, trở thành địa điểm quen thuộc của công nhân lao động xa quê, có người ở trọ cách đó cả chục cây số vẫn đi bộ tới để chọn cho mình những món đồ gồm quần áo, giày dép, nhu yếu phẩm khác hoàn toàn miễn phí.

Ai cần thì lấy, ai có thì cho

“Chiếc tủ yêu thương” và “Bếp ăn 0 đồng” tại khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An là địa chỉ quen thuộc phần nào san sẻ khó khăn cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ở đó, NLĐ không chỉ được cấp dưỡng, còn thỏa sức chọn cho mình những món đồ gồm quần áo, giày dép, nhu yếu phẩm khác hoàn toàn miễn phí.

Hai mô hình ý nghĩa này do một người đàn ông xây dựng để giúp đỡ người lao động. “Nhìn thấy đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, tôi lên ý tưởng thực hiện “Bếp ăn 0 đồng”. Sau đó, tôi nhận thấy, miễn phí một bữa ăn là chưa đủ, song khả năng lại có hạn. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi quyết định kêu gọi bạn bè, người thân và mạnh thường quân để thực hiện mô hình “Chiếc tủ yêu thương””,- anh Đặng Thành Yêm (ngụ Bình Dương), người thực hiện mô hình chia sẻ.

“Là người con xa quê, trên đất khách lại có người lạ quan tâm, giúp đỡ, tôi thật sự xúc động. Một bữa ăn miễn phí chưa thể giúp tôi ổn định cuộc sống lâu dài, nhưng đã tiếp thêm nghị lực để tôi vượt qua khó khăn” Anh Mạnh Dũng, quê Quảng Ngãi, làm công nhân một Cty sản xuất bao bì trong khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) nói

Theo anh Yêm, “Chiếc tủ yêu thương” hoạt động mỗi ngày, từ nay đến hết năm. Năm sau, nếu có điều kiện và người lao động còn khó khăn, anh Yêm sẽ nhân rộng mô hình tới nhiều điểm trên địa bàn Bình Dương để giúp đỡ nhiều người. Mô hình này hoạt động với phương châm: Ai cần đến lấy một phần, ai có thì cho.

Địa chỉ của tình yêu thương ảnh 1

Anh Đặng Thành Yêm (bìa trái) người lập mô hình “Chiếc tủ yêu thương”

Để công nhân vào ca kịp giờ, anh Yêm cùng người thân phải dậy từ lúc 1 giờ sáng để chuẩn bị chế biến các món ăn, đảm bảo tới 5 giờ phải có hàng trăm phần. Anh Yêm cho biết, trung bình mỗi tháng, bếp ăn trao đến tay công nhân hàng nghìn phần ăn sáng miễn phí. Thấy việc làm ý nghĩa của anh Yêm, nhiều người dân sống gần đó đã chung tay hỗ trợ.

Tại “Bếp ăn 0 đồng”, có không ít người dân, các bạn trẻ và có cả cán bộ khu phố cũng thức dậy từ sớm đến trợ giúp. Người nhặt rau, người chế biến món, số khác soạn các phần ăn… Chị Duyên, một thành viên của “Bếp ăn 0 đồng” nói với chúng tôi: “Mệt một chút nhưng vui và hạnh phúc vì đã làm được việc trong khả năng để giúp đỡ người khác”.

Nhận của người có, chia cho người nghèo

Chúng tôi ghé phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, nơi đang thực hiện mô hình Siêu thị nhân ái: “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc”. Văn phòng Khu phố 7 trên đường Huỳnh Văn Lũy, trở thành điểm tiếp nhận hàng hóa của người có để chia cho người khó khăn.

Được biết, mô hình này ra đời từ lâu song đến nay mới chính thức ra mắt địa điểm cố định để thuận lợi trong việc cho và nhận hàng hoá, nhu yếu phẩm. Từ 8 đến 16 giờ hằng ngày, phường Phú Mỹ phân công người đến trực để tiếp nhận quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Sau đó, sẽ trao quà cho hộ nghèo, người bán vé số, các hoàn cảnh cơ nhỡ, công nhân lao động.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Bí thư Đảng ủy phường Phú Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một) cho biết, mô hình này nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. “Chúng tôi nghĩ rằng, sự đoàn kết, hợp lực của mọi người chính là sức mạnh để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Mô hình sẽ được duy trì với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau”- ông Nam nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường Nguyễn Văn Tiết (phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một) cũng có một “Bếp ăn 0 đồng”. Hầu hết những người đứng bếp, tuổi ngoài 60, song họ vẫn làm việc, cùng người lao động vượt khó. Điều đặc biệt của bếp ăn này là chế biến hoàn toàn là các món chay.

MỚI - NÓNG