Đi tìm nơi quả bom CBU-55 rơi :Gặp nhau ở suối Nhạn

Đi tìm nơi quả bom CBU-55 rơi :Gặp nhau ở suối Nhạn
TP - Khi đi thăm lại tọa độ được cho rằng trái bom hủy diệt CBU -55 đã rơi xuống, tôi mới biết rằng tại suối Nhạn cách đó không xa, một quả bom sát thương khủng khiếp khác cũng được thả xuống để ngăn chặn bước chân quân giải phóng.

> Đi tìm nơi quả bom CBU-55 rơi

Trầm ngâm trên đỉnh dốc C

Dốc C, xã Bình Lộc. Gió thổi lồng lộng, cây cối tốt tươi. Rừng cao su đang độ sung mãn, tỏa bóng mát và màu xanh ngút ngát.

Dốc C trước kia khá thẳm, một công sự tự nhiên lý tưởng bởi cây cối dày đặc. Nhưng quả bom CBU-55 ấy đã vượt qua mọi sự tính toán và chống chọi của con người. Nó đốt hết không khí trong khe núi trong chớp mắt. Một bài học cảnh tỉnh loài người trước vũ khí hủy diệt.

Bác Tư Hổ nói: “Tháng 4 -1975, đi qua nơi này, tôi đã giật mình khi thấy cả hẻm dốc lớn cây cối rạp ngổn ngang, cây cỏ héo rũ, không có biểu hiện của sự sống. Giờ mọi thứ thay đổi”.

Chúng tôi ngồi nghỉ ngơi trong quán cà phê võng duy nhất của một gia đình sinh sống trên dốc C. Bác Thách kể: “Tháng 8 - 1975 tôi đã được địa phương cử đưa một đoàn khoa học Liên Xô vào khảo sát địa điểm dốc C. Bên phía Liên Xô lấy nhiều hiện vật còn sót lại và họ khẳng định không phải Mỹ sử dụng bom ngạt mà quân đội Sài Gòn sử dụng”.

Bác Tư Hổ và bác Thách không giấu được xúc động. Họ đều ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời. Hai bác muốn tôi chụp tấm hình của mình bên cột mốc ven đường. Bác Tư Hổ nói: “Chúng tôi sợ rằng khi chúng tôi nằm xuống, chẳng còn nhân chứng để kể cho thế hệ sau những câu chuyện chiến tranh ở dốc C nữa”.

Bác Thách còn kể: “Anh em bị trúng bom đưa về vườn Mít nằm ngổn ngang. Tôi thấy anh em bị thương xây xước nhẹ, nhưng lại tử vong”.

Người về suối Nhạn

Rời dốc C, chúng tôi tiếp tục đi về suối Nhạn, nơi các nhân chứng cho rằng một quả bom sát thương đặc biệt khác cũng đã được thả.

Hai nhân chứng đưa chúng tôi về suối nhạn là Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Chín (phong Anh hùng năm 1972) và anh Lê Quang Tá.

Anh Chín vốn là một trinh sát dày dạn kinh nghiệm, một anh hùng, nên anh có cái nhìn rất cẩn trọng về trận địa. Anh nói: “Trong trận Xuân Lộc, địch đã ném một quả bom sát thương đặc biệt vào tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, sư đoàn 6 của chúng tôi tại suối Nhạn”.

Tôi hỏi: “Lý do nào anh lại nhận định đây là một quả bom đặc biệt?”. Anh Chín nói: “Phi vụ ném bom này lạ thường. Không phải ném bom kiểu máy bay phản lực. Đúng 8 giờ sáng, khi chúng tôi vừa ăn sáng xong, chúng đến và chỉ ném duy nhất một quả bom vào đội hình của chúng tôi. Thứ hai, chúng tôi bố trí lực lượng rất cẩn thận, nếu quả bom bình thường rơi vào đơn vị chỉ có thể gây thương vong tối đa 15-20 người, nhưng quả bom này làm chúng tôi bị thương và hi sinh 86 đồng chí”.

Anh Tá, nhân chứng bị thương vì bom hủy diệt
Anh Tá, nhân chứng bị thương vì bom hủy diệt.

Anh Tá người gầy, nhỏ, khuôn mặt khá xanh xao. Lúc xảy ra sự việc, anh là thượng sĩ, trung đội trưởng.

Anh Tá kể: “Hôm trước chúng tôi đánh ở ngã tư Dầu Dây, chiến thắng rồi kéo quân về ở khe Nhạn cách đó mấy cây số để tắm rửa nghỉ ngơi. Sáng sớm người thì nấu ăn, người thì đi họp chuẩn bị kế hoạch đánh sân bay Biên Hòa và có điều kiện sẽ đánh thẳng vào dinh Độc Lập. Đang họp bỗng nghe tiếng máy bay tới và nghe một tiếng nổ trên không trung”.

Khi đó, anh Tá đang ngồi bàn công việc cùng võng với anh Vũ Xuân Phú trung đội phó. Trái bom lớn nổ bung ra rất nhiều bom nhỏ. Bom nhỏ nổ cách mặt đất chừng một mét.

Đại đội trưởng Võ Minh Chiến đi họp về báo: “Bom nó ném trúng ban chỉ huy tiểu đoàn, trung đội trinh sát, trung đội thông tin, chết và bị thương hết không còn ai”. Anh Tá nói: “Ở đây cũng nhiều người bị thương, tôi cũng bị thương rồi”.

28 cán bộ hi sinh tại chỗ, hơn 50 người khác bị thương phải đưa đi điều trị. Tiểu đoàn phó chính trị Nguyễn Văn Tuất hi sinh, anh Tư Rựng tiểu đoàn phó bị thương nặng, trung đội trưởng trung đội phó trinh sát, thông tin đều hi sinh.

Đa số họ là cán bộ chiến sĩ ngoài Bắc vào phục vụ chiến dịch. Số cán bộ chủ chốt còn lại an toàn do đang họp trên trung đoàn.

Anh Tá kể: “Từ chỗ đại đội tôi đến ban chỉ huy tiểu đoàn cách 300 m, từ đó đến đại đội 6 là 300 m nữa, địa hình khe suối, nhưng quân ta đều bị thương vong chỉ vì 1 quả bom”.

Anh Chín nói quả bom thả ở suối Nhạn không phải bom ngạt, nên ban đầu họ không nghĩ đây là bom CBU. “Nhưng sau này, chúng tôi mới biết rằng bom CBU có nhiều loại và không loại trừ quả bom ném vào tiểu đoàn cũng là một loại bom CBU khác mà thôi, nên nó mới có độ hủy diệt lớn như vậy” - anh Tá nói.

Hội tụ trên cầu

Suối Nhạn nước vẫn chảy thao thiết và nơi chiến trường xưa giờ nhiều vườn cây trái đã mọc lên. Chỉ tiếc rằng, cũng như ở dốc C, suối Nhạn cũng không có một tấm bia tưởng niệm nào về những thời khắc lịch sử bi tráng ấy.

Anh Tá kể: “Mặc dù đội hình bị trúng bom hủy diệt, nhưng chúng tôi củng cố ngay, anh em liệt sĩ bị thương thì các đơn vị địa phương giải quyết, đơn vị chúng tôi bước ngay vào chiến đấu”. Một điều mà đối phương không ngờ tới là chính trong sự mất mát chưa từng thấy ấy, các đơn vị chủ lực của quân giải phóng đã không run sợ mà càng đẩy nhanh tốc độ tiến công giải phóng Sài Gòn.

Anh Tá kể: “8 giờ sáng chúng thả bom vào đơn vị chúng tôi, thì 22 giờ đêm hôm đó lực lượng địch tại cứ điểm Xuân Lộc đồng loạt tháo chạy khỏi cứ điểm. Sáng hôm sau Xuân Lộc hoàn toàn giải phóng. Trung đoàn hướng về Sài Gòn”.

Sáng 21- 4 - 1975 quân giải phóng làm chủ toàn bộ cứ điểm Xuân Lộc thì chiều hôm đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức. Ngày 23- 4 Tổng thống Mỹ tuyên bố tại đại học Tulane (New Orleans): “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt”. Cuộc di tản nhân viên Mỹ ồ ạt diễn ra.

Bác Tư Hổ, dù tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn nhiệt tình đưa tôi đi thực địa dốc C: “Tôi tin còn nhân chứng về các quả bom CBU thả ở Xuân Lộc, nhưng các nhà nghiên cứu chưa gặp được hết tất cả anh em nên chưa thu thập đủ cơ sở mà thôi”.

Theo bác Hổ và nhiều tài liệu thì có ít nhất 2 quả bom CBU-55 được thả xuống. Bác Hổ nói: “Việc xác định nhiều điểm rơi là chuyện không có gì lạ. Hiện chỉ có 4 luồng ý kiến về địa điểm các quả bom CBU-55 rơi là ở Bảo Vinh, Dầu Dây, Dốc C Bình Lộc và núi Đầu Rìu. Nếu sàng lọc kỹ các tư liệu thì sẽ có những địa điểm được khẳng định”.

Riêng bác xác định một địa điểm mà mình trực tiếp nhìn thấy là dốc C, những điểm khác bác không chứng kiến nên không có ý kiến.

Bác Thách từng đưa đoàn Liên Xô tới khảo sát dốc C nên bác không nghi ngờ gì địa điểm này, chỉ mong có một cái bia tưởng niệm dựng ở dốc C.

Bác nói: “Khi quả bom rơi, chẳng ai biết bom CBU-55 là gì.Thậm chí các y tá cũng không biết, họ bảo với chúng tôi: các bác đừng lay các anh ấy, cứ để các anh ấy ngủ. Không ngờ anh em không bao giờ thức dậy nữa”.

Chụp chung một bức ảnh bên suối Nhạn, hai người đồng đội là anh Chín và anh Tá nói với tôi rằng họ “muốn nhà báo chụp ảnh ngay trên cầu bắc qua suối Nhạn”.

Cái cầu và nơi quả bom hủy diệt (chưa rõ chủng loại) đã rơi vào ban chỉ huy tiểu đoàn cách xa hơn 500 m. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Vì sao các anh muốn chụp ở nơi xa tọa độ bom rơi như vậy?”. Anh Chín nói: “Cái cầu này sẽ còn mãi, sẽ làm chứng cho anh em chúng tôi, còn mọi thứ đều có thể thay đổi”.

10 - 2012

Suối Nhạn nước vẫn chảy thao thiết và nơi chiến trường xưa giờ nhiều vườn cây trái đã mọc lên. Chỉ tiếc rằng, cũng như ở dốc C, suối Nhạn cũng không có một tấm bia tưởng niệm nào về những thời khắc lịch sử bi tráng ấy.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.