Ðộc nhất loài tre khủng
Tại triển lãm các sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Trà My hồi tháng 8/2015, không chỉ khách phương xa như tôi và nhiều người, mà ngay cả lãnh đạo huyện cùng người dân địa phương đều phải tròn xoe mắt ngạc nhiên vì khúc tre mà UBND xã Trà Nam lần đầu tiên đưa ra giới thiệu. Mỗi đốt tre dài 40 cm nhưng chu vi hơn 60cm. Ðộ khủng của khúc tre thu hút người tham quan không kém những củ sâm Ngọc Linh quý, chính hiệu và các loài dược liệu, sản vật của núi rừng Nam Trà My. Ai cũng ôm gốc tre chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Lãnh đạo xã Trà Nam khẳng định duy nhất chỉ ở Trà Nam mới có loài tre này. Một anh cán bộ xã tếu táo: “Chúng tôi gọi đây là tre Thánh Gióng. Nhưng có Thánh Gióng thật chắc gì nhổ nổi vì tre này quá to!”.
Từ khúc tre ở triển lãm, chúng tôi tìm về xã Trà Nam, hỏi ông Hồ Văn Thuấn - chủ tịch xã về loài tre này. Vì ông Thuấn là người địa phương chính gốc nên khi ông đứng ở trụ sở xã chỉ tay về nóc Tu Rong, nằm giữa lưng chừng núi nơi thấy rõ mấy bụi tre cao vút, chúng tôi tin tưởng đi theo. Ấy nhưng, sau 2 giờ đồng hồ đi bộ leo núi sật sừ, đến Tu Rong thì ngã ngửa vì ông chủ tịch đã nhầm to. Ở đây cũng có mấy bụi tre nhưng không phải loài tre được thấy. Bắt sóng “lạc”, tôi gọi điện thoại hỏi anh Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch xã Trà Nam là cán bộ trẻ thuộc Ðề án 600 từ xuôi lên. Anh Tuấn bảo: “Nhầm rồi. Sao không hỏi sớm? Ở nóc Long Riêu 3 cơ. Chính tôi lên đó, xin mãi dân làng mới cho tre mang ra huyện để triển lãm mà”. Tu Rong ở ngọn núi đối diện. Xuống núi, tiếp tục đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ giữa rừng mới đặt chân lên nóc Long Riêu 3.
Ðang mùa lúa rẫy, bà con Long Riêu 3 đi gặt hết, nóc vắng tanh, chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Hỏi về loài tre khủng, một bà lão chạy vào bếp bưng ra mấy khúc tre mà gia đình bà dùng để làm gối, đựng lúa giống to đùng, lâu ngày bóng láng. Bà bảo phải đi qua 2 ngọn đồi, 3 con suối nữa mới đến khu rừng có loài tre này!
Chúng tôi tiếp tục hành trình. Lúa rẫy đang độ thu hoạch, nặng trĩu bông, dân làng tập trung gặt hái đông vui. Gặp già Hồ Văn Thạch trên rẫy, hỏi chuyện về loài tre khủng, già dè dặt hỏi lại chúng tôi: “Mấy đứa hỏi, vào đó để làm gì?”. Giải thích kỹ già mới vui vẻ đồng ý dẫn đường, rồi vẫy tay gọi 2 thanh niên khỏe mạnh mang theo dao rựa cùng đi. Thì ra, già Thạch và dân làng sợ người lạ vào chặt phá mất tre quý của mình.
Mất thêm 1 giờ đi bộ đường rừng nữa, băng qua 2 ngọn đồi với những dốc cao sững, lội qua 3 con suối lởm chởm đá hộc trơn trượt mới tới khu rừng. Từ xa, một bụi tre lớn hiện ra trước mặt, vươn cao vút giữa bát ngát rừng xanh. Càng lại gần, bụi tre càng to với những thân tre khổng lồ. Già Thạch cho biết: khu này có ba bụi tre như vậy. Ðây là lần đầu tiên có người dưới xuôi đặt chân vào đây.
Vì loài tre khủng nên gai tre cũng to như thép gai, sắc nhọn và chi chít. Bụi tre to trước mặt chúng tôi có cả trăm cây. Cây nào cũng to đùng, cao vút. Ðể luồn vào trong gốc quả là không dễ. Già Thạch lệnh 2 trai làng phát lối rồi chặt một cây rừng làm thang vắt ngang một bụi tre. Hai thanh niên luồn lách một cách khéo léo, leo lên giữa lưng chừng bụi tre. Già Thạch cho biết: phía sâu trong rừng còn hai bụi tre với những cây tre to hơn nữa, nhưng vì lâu ngày cây cối đã phủ kín đường đi.
Tre được dùng làm ống đựng nước. Ảnh: Nguyễn Thành.
Món quà của thần linh
Già Thạch kể loài ba bụi tre này mọc ở đây từ lâu đời rồi. Ðiều đặc biệt là duy nhất vùng núi Ngọc Lan này mới có và chỉ có 3 bụi mà thôi. Thời trai trẻ, già Thạch đã đi nhiều nơi khắp vùng núi Ngọc Linh, nhưng không thấy nơi đâu có loài tre nào to như vậy. Dân làng cũng từng mang tre này về trồng quanh làng để nhân giống, nhưng tuyệt nhiên tre không sống được dù đã trồng sát bờ suối, chăm sóc kỹ càng. Chính điều này khiến dân làng tin đây là quà của thần linh, báu vật của núi rừng ban tặng dành riêng cho Long Riêu 3, cho núi Ngọc Lan nên rất quý và truyền đời bảo vệ.
Ðể chặt một cây tre quả không dễ. Hai thanh niên phải loay hoay mãi mới chặt được, nhưng cũng chỉ chặt được một khúc rồi mang xuống. “Muốn chặt được nguyên cả cây tre phải huy động mấy chục người, thay nhau phát dọn đường rừng, vừa chặt vừa kéo. Có khi mất cả ngày trời mới đưa một cây xuống được. Từng có những cây tre dài hàng chục mét được dân làng đốn, đếm cả trăm đốt. Muốn mang về làng phải chặt khúc ngắn, thay nhau để vác”, già Thạch nói.
Những người lớn tuổi trong làng kể rằng: Từ xa xưa, người dân Long Riêu 3 đã biết dùng tre này để làm nhà, làm ống đựng nước, dẫn nước về làng. Riêng phần sát đốt tre làm bát ăn cơm, chẻ đôi khúc tre làm gối ngủ. Hạt giống bảo quản trong ống tre này sẽ không mối mọi hư hỏng. Làm bẫy thì không một thứ cây rừng nào bằng bởi độ sắc bén của những thanh chông làm từ tre. Riêng những tay thợ săn của làng, thường bắn được thú rừng lớn nhờ những mũi tên vót từ tre thẳng tắp, chắc nặng, nên bắn đâu trúng đó. Một khúc tre đủ làm tên cho 1 thợ đi săn mấy ngày liền. Kho thóc cũng được dân làng lợp bằng thứ tre này rất bền và chắc, không loài thú nào gặm nổi.
Khúc tre được 2 thanh niên đốn hạ theo chỉ dẫn của già Thạch được chặt làm đôi.
Già Thạch đục lỗ ở đốt tre làm ống đựng nước, một khúc để nguyên làm gối đầu để tặng khách.
Một búp măng cả làng ăn không hết
Già Thạch chỉ cho 2 thanh niên chặt thêm một búp măng mang về. Già Thạch bảo, măng này rất giòn, ngon, ngọt hơn tất cả các loài măng tre, nứa, lồ ô khác. Vào mùa mưa lũ, cách trở dân làng chỉ cần vào đây chặt măng rồi vác về. Làm một búp măng to cả nóc Long Riêu 3 với hơn 20 hộ ăn không hết. Nhờ đó, dân làng cầm cự được qua nhiều mùa mưa gió.
Tre khủng nên măng cũng khủng. Búp măng già Thạch chỉ cho 2 thanh niên chặt, cao quá đầu người. Nhưng vì nằm sâu trong bụi tre chi chít gai nên chỉ có thể chặt phần ngọn với chóp màu đỏ rực. Tuy đang là măng nhưng chu vi cũng đã hơn 50cm.