Di tích thứ hai ở Thanh Hóa được xếp hạng quốc gia đặc biệt

Lăng Tháp đền Bà Triệu
Lăng Tháp đền Bà Triệu
Đó là khu di tích Bà Triệu, ở huyện Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Đây là di tích thứ 2, sau khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Nhiều hạng mục có kiến trúc độc đáo

Khu di tích Bà Triệu thuộc địa phận xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) nằm cách thành phố Thanh Hóa 17km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội hơn 150km về phía Nam. Di tích tọa lạc trên diện tích hơn 4ha, khu di tích Bà Triệu bao gồm Đền thờ, Lăng tháp (được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 29/4/1979) và đình làng Phú Điền được công nhận Di tích cấp quốc gia ngày 13/2/1996. Đây là công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng Triệu Thị Trinh (còn gọi là Bà Triệu).

Khu di tích Bà Triệu không chỉ là nơi chứng tích lịch sử, văn hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, một kho tàng các sự tích huyền thoại, ca dao, tục ngữ của đất nước ta trải dài hàng trăm năm nay. Theo đó, tại khu di tích Bà Triệu hiện vẫn còn nhiều cổ vật được gìn giữ nguyên bản như: 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán; 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam; quạt ngà; lược đồi mồi; trâm ngà; long cung sơn son thếp vàng; tượng Bà Triệu bằng đồng…

Di tích thứ hai ở Thanh Hóa được xếp hạng quốc gia đặc biệt ảnh 1

Đền thờ Bà Triệu

Theo quy hoạch tại di tích, Lăng tháp là công trình được xây dựng trên đỉnh núi Tùng, đây là nơi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh – người con gái trinh trắng, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, bà đã ngã xuống mảnh đất thiêng này khi chiến đấu với quân giặc xâm lược. Dù chưa một ngày được làm vua, nhưng trong lòng người dân luôn tôn sùng Triệu Thị Trinh là “Vua Bà” của nhân dân.

Đền thờ nữ anh hùng nằm đối diện với khu Lăng tháp phía bên kia quốc lộ 1A về hướng Đông Bắc, dưới chân núi Gai thuộc dãy núi Bần. Đây là ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Khu đền có nơi có kiến trúc độc đáo với cổng ngoại, cổng nội, hồ nước, bình phong, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung (nơi thờ Bà Triệu).

Đình làng Phú Điền thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc cũng nằm trong khu di tích Bà Triệu. Đây là ngôi đình cổ được dân làng Phú Điền xây dựng để thờ Thành Hoàng làng. Điều đặc biệt, Thành Hoàng làng của làng cũng chính là nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Ngôi đình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của làng quê Bắc bộ xưa khi có cây đa, giếng nước, sân đình.


Bà Triệu Thị Trinh là người như thế nào?

Lễ hội đền Bà Triệu tổ chức hàng năm thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và lòng thành kính của nhân dân ta tưởng nhớ đến công lao của Bà Triệu.

Di tích thứ hai ở Thanh Hóa được xếp hạng quốc gia đặc biệt ảnh 2

Nhiều kiến trúc độc đáo ở Đền Bà Triệu

Di tích thứ hai ở Thanh Hóa được xếp hạng quốc gia đặc biệt ảnh 3

Tổ chức rước kiệu bà Triệu

Di tích thứ hai ở Thanh Hóa được xếp hạng quốc gia đặc biệt ảnh 4

Theo như tài liệu lịch sử ghi chép lại, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) ở miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Bà Triệu đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên.

Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Đến năm 20 tuổi, Bà cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã chiêu mộ được hơn nghìn tráng sĩ ở núi Nưa - nay thuộc các xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn), Mậu Lâm (huyện Như Thanh), Trung Thành (huyện Nông Cống). Vào năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô (Trung Quốc) tàn ác, dân gian khổ sở, Bà Triệu cùng anh trai đã khởi binh chống lại giặc Ngô.

Cuộc khởi nghĩa đã được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Đang lúc này, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy Bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân.

Thấy vậy, quân Ngô phải cử 8.000 quân hùng mạnh cùng nhiều viên tướng giàu kinh nghiệm đánh trận sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng chênh lệch quá lớn và cùng với nhiều mưu mô thâm độc của địch đã khiến nghĩa quân của Bà bị thất bại. Bà Triệu đã tuẫn tiết tại núi Tùng (Hậu Lộc) vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248).

Để tưởng niệm công lao của Bà Triệu, nhân dân đã lập đền Bà Triệu ở trên núi Gai, lăng của Bà ở núi Tùng, đình làng Bà Triệu ở làng Phú Điền và quanh năm hương khói thờ phụng Bà.

Theo như người dân trong làng Phú Điền cho biết: Cứ hàng năm vào tháng 2 âm lịch, nhân dân huyện Hậu Lộc nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đều về làng Phú Điền tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao to lớn của Bà Triệu. Nhưng theo quy ước của làng thì 2 năm một lần, vào các năm chẵn, lễ hội mới được tổ chức rước kiệu.

Tại lễ hội có các nghi thức lễ như tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan…Trong đó, có lễ Mộc dục là một nghi thức lễ được nhân dân địa phương rất chú ý, thận trọng, chọn vào ngày tốt để hành lễ, thường là ngày 18, 19 tháng 2 âm lịch ở cả 2 nơi đền và đình làng, do ông từ cả và 3 ông từ phụ chịu trách nhiệm. Tiếp đó là tế Phụng Nghinh - thủ tục mời vua Bà cùng lục bộ triều đình, hội đồng các quan, thánh tổ bách gia về ngày huý kỵ của Vua Bà.

Đây là ngày rất trang nghiêm và linh thiêng, thời gian tế nửa ngày. Trong lễ hội, việc rước bóng hết sức quan trọng, người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang. Và có 8 chàng trai được chọn lọc, đức độ, gia đình không có việc xấu hay tang gia. Những chàng trai khênh kiệu bắt buộc mặc áo cộc tay, thắt lưng và đầu chít vải đều màu đỏ, còn quần màu trắng, đi chân đất.

Người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp theo có kiệu song loan, trên kiệu có áo chầu và các hộp sắc phong, có 8 người khiêng. Nghi thức đi đầu có một hương án có 2 người vác lọng che hương án, trên kiệu có bát hương, trầu cau hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thuỷ, có trống, chiêng và có 32 người thực hiện các nhiệm vụ vác gươm, vác bát bửu, dùi đồng.

Hành lễ từ đền chính đến Lăng rồi về Đình làng. Đến Lăng kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, sau đó đoàn cử hành về đình làng và tế lễ một ngày một đêm gồm các tế yên vị, tế tam sanh. Sau đó đòn rước tế theo lộ trình về Đình Chính để làm Vua Bà trong hai tiếp theo kể từ ngày bắt đầu lễ hội.

Từ những chứng tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo trên của khu di tích Bà Triệu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích Bà Triệu. Đây là khu di tích thứ 2 tại Thanh Hóa được xếp hạng đặc biệt sau khu di tích Lam Kinh.

Ban quản lý khu di tích cho hay, lễ hội Bà Triệu năm nay (từ ngày 21 đến 23/2 âm lịch) sẽ được tổ chức với quy mô lớn, kết hợp với lễ đón nhận bằng Khu di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là một trong những sự kiện chính trong tuần lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia – 2015 tại Thanh Hóa.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.